Theo đó, có sáu buổi tổ chức tại sáu trường THPT trong giờ chào cờ với các chủ đề như: kỹ năng kiềm chế sự tức giận, kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên mạng Internet, giá trị lòng biết ơn, kỹ năng biết nói lời cảm ơn và xin lỗi và an toàn mạng xã hội.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc
Trong buổi chào cờ đầu tuần tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM), học sinh được lắng nghe những nguyên nhân tức giận và những cách kiềm chế sự tức giận để làm chủ cảm xúc bản thân.
Tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoài việc được tìm hiểu thêm kiến thức, các em còn được hoạt náo với những câu hỏi có quà, thực hành để kiềm chế được sự nóng vội trong một số tình huống.
Với câu hỏi khi đang chạy xe, có người dừng lại giữa đường để nghe điện thoại và còn tỏ thái độ thách thức thì các bạn sẽ làm gì?
Em Minh Quân (học sinh lớp 10A10, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4) trả lời: "Em sẽ kiềm chế và khuyên đối phương bớt nóng lại".
ThS Nguyễn Hiếu Văn - đại diện IPRTA - cho biết cơn nóng giận có di truyền, 40% bản năng của con người là sự nóng giận.
"Ai cũng nóng giận hết, nó là chuyện bình thường. Nhưng để các bạn giận đúng cách, đúng người và đúng thời điểm thì không phải ai cũng làm được" - ThS Nguyễn Hiếu Văn nhấn mạnh.
Vậy làm sao để kiềm chế cơn tức giận? ThS Nguyễn Hiếu Văn chia sẻ: "Theo tâm lý học, tức giận là trạng thái tâm lý hỗn tạp, tăng theo từng mức độ. Giữa nam và nữ có những sự tức giận khác nhau. Có giận dỗi, giận lẫy, giận điên người… với những biểu hiện là mắt trợn lên, da dẻ đỏ, bàn tay sẽ có một ngón hỏa chỉ vào người khác.
Nguyên nhân của sự nóng giận là đối phương làm việc bất như ý với những mục đích của mình. Có nhiều bạn dễ nóng giận, dễ bốc đồng nhưng các bạn không nhận ra.
Có thể quản lý cơn giận bằng thủ thuật đánh gối: khi giận ai đó thì đóng cửa phòng lại và dồn nén cảm xúc vào chiếc gối. Hoặc báo trước cho người khác biết sự nóng giận của mình, kiềm chế sự nóng giận bằng thủ thuật 'án binh bất động' khi người ta chửi mình thì đừng chửi lại, đừng mắng lại và dùng năng lượng khác bao trùm cơn nóng giận đó".
Phòng tránh bạo lực học đường
Cô Trần Thục Anh - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM) - cho biết: "Buổi chia sẻ sáng nay các em rất hứng thú và có sự tương tác tốt. Bản thân tôi cũng rút được bài học cho chính bản thân trong sự tức giận.
Đây là chuyên đề hay và nên nhân rộng ra không chỉ học sinh trường tôi, mà những em ở trường khác cũng được nghe để có được kỹ năng sống. Việc tư vấn này cũng giúp các em tránh được bạo lực học đường".
Em Trần Ngọc Anh (học sinh lớp 10A12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4) bộc bạch: "Trước đó em chỉ nghe tư vấn trên mạng, chứ chưa được nghe thực tế như thế này. Em thấy chuyên đề mà thầy tư vấn rất hữu ích, mang lại nhiều giá trị, em và các bạn sôi nổi trả lời câu hỏi.
Em biết được mình nên kiềm chế sự tức giận bằng sự im lặng, không gây mâu thuẫn, nếu nóng quá thì nên tránh đi chỗ khác để hạn chế việc đánh nhau hay cự cãi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận