Các sinh viên chơi game online thâu đêm tại một quán net ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
H. - cựu sinh viên chương trình đào tạo kỹ sư tài năng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - là niềm hi vọng lớn của gia đình, với thành tích học tập sáng chói từ thời phổ thông. Không thể ngờ, mới đây khi đã ở năm thứ tư ĐH, H. phải nhận quyết định buộc thôi học.
Thiếu chuẩn bị học đại học
Kết quả này làm gia đình choáng váng, và chính các thầy cô cũng cảm thấy tiếc cho một nam sinh có điểm xuất phát tốt. "Gia nhập một môi trường mới, nhưng kết quả học tập lại không "đỉnh" như thời phổ thông, nên H. thấy áp lực, tâm lý nặng nề và trầm cảm" - một giảng viên của trường nhận định.
Đáng nói, H. không phải là trường hợp cá biệt.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nguyên nhân đầu tiên của sự sa sút trên chính là sự thích ứng kém của không ít sinh viên ở môi trường học tập mới.
Môi trường ĐH đòi hỏi sinh viên phải có nhiều kỹ năng (tự học, tự khai thác tư liệu, làm chủ và điều phối thời gian hợp lý cho việc học; chịu áp lực và vượt qua khủng hoảng; hợp tác, làm việc nhóm...), biết bảo vệ bản thân, được rèn luyện thể chất tốt... thì những học sinh từ phổ thông lên lại không có sự chuẩn bị đầy đủ này.
Phần lớn sinh viên chỉ tập trung luyện kiến thức "vượt vũ môn" qua kỳ thi tuyển đầu vào.
Theo GS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, dù đầu vào của trường rất cao, nhưng trong quá trình học vẫn có 5-10% số sinh viên của mỗi khóa học không đáp ứng được yêu cầu học tập. Trong đó, vấn đề tâm lý, sức khỏe có tác động rõ rệt đến quá trình học tập của sinh viên.
Tâm lý xả hơi, nghiện game
Trong số vài trăm sinh viên bị buộc thôi học hằng năm ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thường có hai dạng: một là những sinh viên khi bị "gục ngã" trước thất bại, đã rơi vào khủng hoảng tâm lý, mất ngủ, sụt giảm trí nhớ, nặng hơn là bị trầm cảm.
Dạng thứ hai - chiếm đa số - là buông xuôi, mất động lực học tập, bỏ học rồi sa đà vào chơi game. "60-70% trong số sinh viên của trường bị đình chỉ học tập có dính tới game" - ông Điền cho biết.
Lãnh đạo một trường ĐH ở ngoại thành Hà Nội cũng đưa ra thực trạng đáng lo ngại, là rất nhiều sinh viên năm nhất có tâm lý xả hơi sau thời gian dài ôn luyện, thi cử.
Bắt được tâm lý này, nhiều đối tượng bên ngoài trường chủ động lôi kéo sinh viên vào cờ bạc, chơi game, cá độ bóng đá... Không chỉ mất động lực học tập mà những sinh viên này còn bạc nhược về tinh thần, sức khỏe, kiệt quệ tài chính.
"Tâm lý xả hơi" cũng là vấn đề của nhiều sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải. Ông Nguyễn Thanh Chương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải - cho biết những sinh viên rơi vào cảnh báo học tập đều có ý thức học rất kém.
Theo nhiều trường ĐH, tâm lý xả hơi, sự chán nản do chọn ngành không phù hợp là hai nguyên nhân điển hình, khiến nhiều sinh viên các trường khối kinh tế và nhân văn học hành chểnh mảng, sa sút.
Áp lực học phí, mê làm thêm và... quy chế
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, số sinh viên bị buộc thôi học chủ yếu rơi vào năm thứ nhất, năm hai.
Nguyên nhân, ông Dũng cho biết: "Thứ nhất, do việc chọn ngành không đúng; trong khi quy chế đào tạo hiện nay không cho phép sinh viên đổi ngành, các em miễn cưỡng học, dẫn đến học tập kém.
Thứ hai, học phí của các trường ĐH mỗi năm đều tăng, nhiều sinh viên nghèo không kham nổi, các em phải đi làm thêm, không chú tâm học tập. Thứ ba, cách dạy và học ở bậc ĐH hoàn toàn khác so với bậc THPT, chương trình học khá nặng, nên nhiều sinh viên bị đuối".
Còn theo TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), tại trường này mỗi khóa chỉ có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp, 30% sinh viên phải thôi học.
"Nhiều sinh viên trúng tuyển vào trường, nhưng sau một thời gian ngắn theo học lại thấy không phù hợp với ngành học đã chọn, nên nghỉ học ngay từ năm thứ nhất để thi lại sang trường khác. Trong khi đó cũng có các sinh viên năm 2, 3 nghỉ học để đi du học..." - ông Thông cho biết thêm.
Lý giải về tình trạng mỗi năm có khoảng 15-20% sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM rơi rụng, TS Trần Đình Lý - trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho biết việc này liên quan đến quy chế tuyển sinh ĐH.
"Tại trường chúng tôi, số sinh viên khóa 2015 bị buộc thôi học nhiều hơn khóa 2016. Rất có thể do năm 2015, quy chế tuyển sinh khiến nhiều thí sinh không vào được những ngành mình yêu thích.
Năm đó thí sinh chạy lòng vòng khắp nơi, miễn là đậu ĐH, mà không cần biết ngành đó có phù hợp với mình hay không. Do phải học ngành không mong muốn, nên sinh viên chán nản không học được" - ông Lý nói.
Trẻ vào... đại học
"Với sinh viên năm thứ nhất, để tránh xảy ra những trường hợp rối nhiễu tâm lý, chúng tôi phải có đội ngũ cố vấn, hỗ trợ học tập đặc biệt. Trên các diễn đàn của trường, việc chia sẻ cách học, cách vượt qua khủng hoảng, đối diện với việc bị kết quả học tập kém cũng được đẩy mạnh" - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nói.
Theo ông Điền, đó là những việc lẽ ra ở bậc phổ thông phải làm. "Ở Đức, học sinh lớp thấp bậc phổ thông học nhẹ về kiến thức, nhưng trẻ được bồi đắp nhiều về tâm hồn, hiểu biết xã hội, ứng xử văn hóa, rèn luyện thể lực, các kỹ năng cần thiết.
Cuối trung học, học sinh phải đi làm công ích một năm để biết chia sẻ, thấu hiểu với người khác. Sau quãng thời gian này học sinh mới vào ĐH, khi đó trí lực, thể lực đều tốt, mới chịu được áp lực học ĐH.
Còn ở Việt Na, học sinh chỉ được nhồi các kiến thức toán, lý, hóa... để đi thi. Vào ĐH sinh viên vẫn chỉ là những đứa trẻ non nớt".
Đứng trước tình trạng có quá nhiều bất ổn tâm lý với tân sinh viên, cán bộ đào tạo một số trường ĐH cho rằng các trường ĐH phải tính đến việc có bác sĩ tâm lý làm việc định kỳ trong trường, để hỗ trợ kịp thời cho sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận