Điều trị vẹo cột sống là một quá trình khó khăn, nhiều người bệnh nặng phải nhờ đến phẫu thuật để chỉnh hình cột sống dù đây là phẫu thuật phức tạp và nguy hiểm.
Vì thế, từ năm 2016 các nhà khoa học tại Viện Vật lý y sinh học đã nghĩ đến việc xây dựng một phác đồ điều trị vẹo cột sống bằng phương pháp tập luyện, trong đó chú ý đến đối tượng học sinh, sinh viên vì lứa tuổi các em có thể cải thiện độ vẹo nhiều nhất bằng phương pháp này.
Việt Nam hóa phác đồ điều trị
Bác sĩ Lại Hải Bình, trưởng phòng y học - Viện Vật lý y sinh học, cho biết tháng 6-2022, nhóm các nhà khoa học của viện đã nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện trên các thiết bị chuyên dụng nhằm khôi phục tình trạng hoạt động bình thường của cột sống dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Đại học Tổng hợp Leipzig (Đức).
Nhóm đã phát triển chương trình tập luyện cho bệnh nhân cong vẹo cột sống trên các thiết bị chuyên dụng. Chương trình luyện tập được xây dựng theo hướng dẫn của Hiệp hội các trường đại học y học thể thao Mỹ (ACSM).
Để phù hợp với thể chất người Việt, cường độ tập luyện đã được các nhà khoa học tại Viện Vật lý y sinh học xây dựng dựa trên tải trọng cơ của người Việt, đi từ tải trọng thấp sau đó tăng dần tải trọng theo khả năng tập luyện.
"Điều này nhằm giúp người tập luyện làm quen, không bị nản khi tập luyện và kết quả quá trình điều trị sẽ có nhiều tiến triển tiến bộ hơn là tăng tối đa cường độ tập luyện ngay từ ban đầu. Sau đó, dựa trên dữ liệu của cá nhân, các bài tập luyện sẽ tăng độ khó phù hợp", bác sĩ Bình nói.
Chương trình tập luyện điều trị cong vẹo cột sống này được tính toán chi tiết và đo lường bằng hệ thống máy móc, lưu lại trên hệ thống máy tính để làm căn cứ đánh giá và xây dựng chương trình luyện tập phù hợp sau mỗi giai đoạn điều trị 3 tháng, 6 tháng.
Sau mỗi giai đoạn như vậy, tùy theo tình trạng bệnh nhân, chương trình luyện tập sẽ tiếp tục đưa ra các bài tập về cường độ, thời gian, tần suất tập, số lần lặp lại cho phù hợp. Các bệnh nhân cũng được kiểm tra kết quả bằng so sánh hình ảnh phim X-quang trước và sau quá trình điều trị cong vẹo cột sống.
Nghiên cứu được thực nghiệm trên một số bệnh nhân và cho kết quả cải thiện tốt ở nhóm học sinh, sinh viên. Cụ thể, một nam bệnh nhân 18 tuổi ở TP.HCM bị vẹo cột sống 40 độ thắt lưng. Sau 3 tháng tập luyện, độ vẹo cột sống giảm từ 40 độ xuống 36 độ ở vùng đốt sống thắt lưng, vùng đốt sống ngực đã giảm từ 29 độ xuống 26 độ.
Một bệnh nhân khác cũng ở TP.HCM dưới 18 tuổi, sau 6 tháng tập luyện, độ vẹo cột sống đã giảm được 6 độ, đáp ứng tốt với các phác đồ tập luyện tại viện.
Chữa vẹo cột sống bằng tập luyện
Bác sĩ Lại Hải Bình cho biết thời gian gần đây viện ghi nhận nhiều học sinh, sinh viên bị vẹo cột sống đến khám, trong đó tỉ lệ nữ sinh chiếm khoảng 80%. Có những trường hợp nữ sinh bị vẹo cột sống khá nặng đến 36-40 độ và cột sống bị vẹo nhiều đoạn như cột sống ngực, cột sống thắt lưng.
"80% học sinh bị vẹo cột sống là vô căn, 20% do sinh hoạt. Ở lứa tuổi nhỏ chủ yếu do tư thế ngồi học, ngồi viết, ngồi đọc... Tùy theo mức độ "đóng xương" của mỗi cá nhân nhưng thông thường với trẻ em lứa tuổi dưới 16 thì độ cải thiện bằng điều trị tập luyện cho kết quả khả quan so với những độ tuổi lớn hơn. Tuy vậy, tại viện vẫn ghi nhận những trường hợp là sinh viên bị vẹo đã được cải thiện tình trạng vẹo cột sống đáng kể bằng phương pháp tập luyện", bác sĩ Bình thông tin.
Theo TS Nguyễn Thế Thường, Viện Vật lý y sinh học, việc tập luyện điều trị vẹo cột sống ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu các trang thiết bị tập luyện chuyên dụng. Mặt khác, còn do việc tập luyện yêu cầu thời gian liên tục, kiên trì, đúng phương pháp trong vài tháng mới cải thiện. Vì thế, đối với phương pháp này, bệnh nhân và người nhà cần kiên trì và người bệnh cần được động viên, khích lệ để có kết quả tốt hơn.
Hiện nay, Viện Vật lý y sinh học đã có hệ thống thiết bị hiện đại, chuyên dụng cũng như đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các giải pháp mới về công nghệ. Trong đó, viện luôn chú ý hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi bị vẹo lệch cột sống.
Chuyên gia vật lý trị liệu Lê Văn Thông, phòng y học, Viện Vật lý y sinh học, cho biết chương trình tập luyện chữa vẹo cột sống tại viện không chỉ là việc người bệnh làm việc với máy móc mà được sự hướng dẫn tập luyện tận tình và đúng phương pháp từ các kỹ thuật viên.
"Nhân viên y tế sẽ hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình tập, cho họ cảm xúc thân thiện, động viên, khuyến khích, đưa đến những năng lượng tích cực để họ cố gắng với bài tập, hoàn thành phác đồ điều trị của mình một cách vui vẻ. Đó là phần tinh thần không thể thiếu của chương trình tập luyện", chuyên gia vật lý trị liệu Lê Văn Thông chia sẻ.
Làm gì để phát hiện con bị vẹo cột sống?
Theo bác sĩ Lại Hải Bình, do trẻ em hiện nay có tốc độ phát triển chiều cao nhanh, cao hơn so với thế hệ trước, cha mẹ cần để ý đến trẻ trong độ tuổi phát triển, nhất là từ 9 - 16 tuổi để phát hiện những bất thường trong tư thế của trẻ. Biện pháp dễ thấy nhất của vẹo cột sống là sờ vào hai vai, lưng của trẻ để so sánh xem vai trẻ có bên cao bên thấp. Khi nghi ngờ bất thường thì cần đi khám để điều trị sớm nhất.
Các bài tập tốt cải thiện vẹo cột sống
Chuyên gia vật lý trị liệu Lê Văn Thông tư vấn sau khi tập ở viện rồi mà các bệnh nhân (thanh thiếu niên) không có thời gian theo được nữa thì cứ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng, bệnh nhân cần đến trung tâm chỉnh hình để điều chỉnh nẹp theo độ tuổi phát triển của các em. Vì nẹp trong điều trị vẹo cột sống mỗi năm phải thay đổi theo tốc độ phát triển của trẻ.
Bên cạnh đó, nên cho trẻ tập các môn thể thao như bơi, đu xà. Ngoài ra, trẻ cũng có thể duy trì các bài tập đã được tập luyện tại viện khi ở nhà với những dụng cụ thô sơ nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận