Học sinh bắt đầu thích nhạc dân tộc

HOÀNG HƯƠNG (hoanghuong@tuoitre.com.vn)
HOÀNG HƯƠNG ([email protected])

TT - Đến các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi khả năng hát dân ca và sử dụng nhạc cụ dân tộc của học sinh.

Học sinh tiểu học biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan âm nhạc dân tộc do Phòng GD-ĐT quận 1, TP.HCM tổ chức - Ảnh: Như Hùng
Học sinh tiểu học biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan âm nhạc dân tộc do Phòng GD-ĐT quận 1, TP.HCM tổ chức - Ảnh: Như Hùng

... Sau nghi lễ chào cờ đầu tuần, học sinh ngồi tại chỗ và tiết sinh hoạt thú vị bắt đầu.

- “Đây là đàn gì các con?” - cô giáo hỏi.

- “Dạ, thưa cô là đàn tranh ạ!” - các bạn ngồi gần đó lên tiếng, ngay lập tức ở một phía khác nhao nhao lên: “Không phải”, “Sai rồi”...

- “Có bạn nào trả lời khác không? Mời con” - cô giáo lại hỏi.

- “Dạ thưa cô là đàn bầu ạ” - các học sinh lại nhao nhao trả lời.

- “Đúng rồi, đây là loại đàn chỉ có duy nhất 1 dây gọi là đàn bầu. Chúng ta hãy nghe thử xem đàn bầu có hay không nha” - cô giáo giải đáp câu hỏi.

Cả sân trường đang ồn ào bỗng nhiên im bặt, tiếng đàn bầu thánh thót vang lên.

Đó là một buổi sinh hoạt sau lễ chào cờ đầu tuần ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM. Học sinh không chỉ làm quen với từng loại nhạc cụ dân tộc, mà còn được hướng dẫn về những kỹ năng cơ bản nhất để sử dụng loại nhạc cụ ấy, được cảm nhận âm thanh của từng loại nhạc cụ phát ra...

Cuối buổi sinh hoạt bao giờ cũng là tiết mục biểu diễn dân ca của chính học sinh trong trường, do các lớp luân phiên thực hiện.

Từ những tiết học đổi mới...

Cô Nguyễn Thị Kim Ân, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng, cho biết: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình âm nhạc bậc tiểu học của mỗi khối lớp chỉ có 2 - 3 bài dân ca. Nội dung chương trình như vậy chưa đủ cung cấp cho học sinh vốn kiến thức cơ bản về hệ thống kho tàng âm nhạc dân tộc phong phú.

Do vậy, các giáo viên của trường đã sưu tầm thêm một số bài hát mới, đặc biệt là các bài đồng dao phù hợp với tâm lý học sinh để giảng dạy vào giờ học năng khiếu (tổ chức vào buổi chiều, còn tiết âm nhạc buổi sáng thì học theo chương trình của Bộ GD-ĐT) như: Lý dĩa bánh bò, Trống cơm, Hò ba lý, Em yêu làn điệu dân ca, dân ca Bến Tre...”.

Tuy nhiên, cô Ân cho rằng: “Tiết dạy âm nhạc lý thuyết vẫn chưa đủ sức vun trồng cho sự thích thú của học sinh về nhạc dân tộc. Muốn đưa âm nhạc dân tộc vào trong trí nhớ của các em, phải bắt đầu từ những nhạc cụ do chính đôi tay học sinh sử dụng.

Thế nên, học sinh sẽ được hướng dẫn để dùng bộ gõ, song loan, trống, thanh tre...trong tiết âm nhạc. Em nào đam mê hơn thì đăng ký tham gia câu lạc bộ để được học đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, thổi sáo. Các em có thể vừa hát vừa kết hợp với nhạc cụ dân tộc để tạo ra sản phẩm âm nhạc theo cách của mình”.

Không những thế, đến các trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1), Nguyễn Văn Trỗi (Q.4)... vào giờ ra chơi, nhiều người đã thật sự bất ngờ và thích thú với cảnh học sinh tập thể dục trên nền nhạc của bài Trống cơm. Tập xong, tất cả học sinh cùng vỗ tay, hát vang “Tình bằng có cái trống cơm...” một cách hào hứng và vui tươi.

Khi được hỏi: “Em muốn tập thể dục giữa giờ theo nhịp trống, nhịp đếm của thầy cô giáo hay trên nền nhạc bài Trống cơm?”, hầu hết học sinh đều trả lời thích bài Trống cơm hơn vì nghe vui tai, dễ tạo hứng khởi khi tập thể dục.

... Đến hoạt động ngoại khóa có chủ đích

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM: “Việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường tiểu học được thực hiện từ năm học 2013-2014, với mục đích giúp học sinh tiểu học tìm hiểu, thưởng thức, sử dụng âm nhạc dân tộc. Thông qua đó nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam từ bé, trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế.

Ngay từ đầu, Sở GD-ĐT TP đã xác định: đưa âm nhạc dân tộc đến học sinh tiểu học là một hoạt động ngoại khóa, không thay thế chương trình môn âm nhạc giáo dục phổ thông cấp tiểu học của Bộ GD-ĐT”.

“Thời gian đầu cũng có nhiều khó khăn, nhưng khi bắt tay vào thực hiện không ngờ chương trình lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của phụ huynh và đặc biệt là học sinh. Các em thích thú, mê say học rồi hát dân ca, thi hát dân ca giữa các lớp với nhau” - đó là nhận xét của đa số hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn quận 1, TP.HCM.

Chẳng thế mà khi Liên hoan âm nhạc dân tộc cấp tiểu học diễn ra (do Phòng GD-ĐT quận 1 tổ chức mới đây), nhiều khán giả đã phải trầm trồ bởi khả năng sử dụng đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, nhị... một cách thuần thục như người lớn của học sinh.

Bà Lê Thị Bình, trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, thông tin: “Việc đưa âm nhạc dân tộc đến với học sinh đã được các trường tiểu học thực hiện một cách thực chất, chứ không mang tính phong trào. Từ các tiết dạy âm nhạc trên lớp đến những hoạt động ngoại khóa đều có chủ đích để cho học sinh hiểu và yêu, sử dụng thành thạo các bài hát, nhạc cụ dân tộc.

Ví dụ như hội thi Em yêu làn điệu dân ca vừa được tổ chức rất thành công. Ở cấp trường, tất cả học sinh đều tham gia để các em cùng tập hát và cùng lên sân khấu biểu diễn. Lên đến cấp cụm, cấp quận thì hội thi mới ưu tiên cho những em đam mê thật sự âm nhạc dân tộc.

Chúng tôi có những buổi tổ chức chuyên đề về âm nhạc dân tộc trong giờ chào cờ sáng thứ hai đầu tuần, trong đó nhà trường mời các nghệ sĩ đến biểu diễn và giới thiệu về âm nhạc dân tộc. Sau đó cho học sinh đặt câu hỏi giao lưu và lên biểu diễn cùng các nghệ sĩ... Tất cả là nhằm nuôi dưỡng tình cảm của học sinh với âm nhạc dân tộc”.

Mô hình đã thành nếp!

Việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường tiểu học đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của đa số cơ sở giáo dục. Đến nay, mô hình này đã thành nếp và đạt được hiệu quả đáng ghi nhận: học sinh thích hát dân ca, yêu thích dân ca, nhiều em còn sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc, đồng thời am hiểu rõ nguồn gốc của từng loại nhạc cụ, của từng bài hát...

Nhiều trường tiểu học đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng phòng âm nhạc dân tộc với đầy đủ nhạc cụ như đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, nhị... như Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), hình thành câu lạc bộ âm nhạc dân tộc như Trường tiểu học Hồ Văn Cường (Q.Tân Phú)...

Các đơn vị khác tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao lưu âm nhạc dân tộc giữa giáo viên với giáo viên, với câu lạc bộ đờn ca tài tử (Bình Chánh, Hóc Môn), tổ chức góc âm nhạc dân tộc (như Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4) để trưng bày các loại nhạc cụ giúp học sinh tìm hiểu và làm quen; tổ chức các tiết dạy thao giảng, chuyên đề về dạy âm nhạc dân tộc trong trường tiểu học...

Thậm chí, các giáo viên còn đặt lời mới cho những làn điệu dân ca, có nội dung gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày của học sinh để các em dễ dàng sử dụng”.

Ông NGUYỄN QUANG VINH
 
(trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

* Nghệ sĩ Hải Phượng:

Ngoại khóa âm nhạc dân tộc: hay mà chưa đủ

Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học là tâm nguyện của GS Trần Văn Khê, cũng là của chúng tôi. Thầy Khê thường nói: “Tâm hồn thiếu nhi như tờ giấy trắng. Nếu chúng ta vẽ lên đó những nốt nhạc dân tộc, để các em hiểu được, quen được, các em sẽ có tình thương và dẫn đến tình yêu mến những di sản văn hóa dân tộc”.

Tôi đã nhiều lần giới thiệu âm nhạc dân tộc ở những chương trình ngoại khóa trong trường học. Các em rất vui, rất thích, và qua những buổi ấy cũng phát hiện được một số em có thể tiếp tục theo đuổi âm nhạc.

Tuy nhiên, đồng quan điểm với thầy Khê, tôi thấy như thế là chưa đủ. Chúng tôi mong ước âm nhạc dân tộc được đưa vào chương trình chính khóa, trước hết là 50% thời lượng dành cho âm nhạc trong trường học hiện giờ.

Khi ấy chúng tôi sẽ soạn chương trình dành riêng cho học sinh làm quen, tìm hiểu, thẩm thấu những thể loại nhạc dân tộc mang hồn quê hương. Lúc ấy hiệu quả chắc chắn sẽ rõ ràng hơn.

PHẠM VŨ ghi

HOÀNG HƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên