30/10/2017 11:55 GMT+7

Học phí đại học sẽ tiếp tục tăng

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Học phí hiện nay ở các trường đại học có nhiều mức khác nhau. Hầu hết các trường đều có mức học phí năm sau cao hơn năm trước và sẽ tiếp tục tăng.

Học phí đại học sẽ tiếp tục tăng - Ảnh 1.

Sinh viên chờ đóng học phí - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Mức học phí đại học hiện có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập, cũng như giữa các ngành đào tạo trong cùng một trường. Nếu trước đây học phí các trường ĐH công lập chỉ thu theo một mức trần quy định, thì nay trong hệ thống này cũng có nhiều mức khác nhau.

Năm sau cao hơn năm trước

Theo quy định, các trường công lập thu học phí theo khung học phí đối với giáo dục đào tạo trình độ đại học nhưng không phải công khai mức học phí. Tuy nhiên, các trường công lập tự chủ tài chính có mức học phí cao hơn.

Theo nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) như sau:

Khối ngành, chuyên ngành đào tạo

Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018

Từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020

Năm học 2020-2021

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

1.750

1.850

2.050

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch

2.050

2.200

2.400

3. Y dược

4.400

4.600

5.050

(Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên)

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ nay đến năm học 2020-2021 như sau:

Khối ngành, chuyên ngành đào tạo

Năm học 2017-2018

Năm học 2018-2019

Năm học 2019-2020

Năm học 2020-2021

1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

740

810

890

980

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch

870

960

1.060

1.170

3. Y dược

1.070

1.180

1.300

1.430

Công bố học phí dự kiến cả khóa học trước tuyển sinh

Đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp, việc quy định thu học phí do tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chủ động xây dựng theo các nhóm ngành, chuyên ngành phù hợp trên cơ sở bù đắp chi phí đào tạo và báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thông qua trước khi thực hiện.

Riêng đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì mức học phí phải áp dụng theo quy định như khung học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Học phí trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp phải được các cơ sở giáo dục công bố công khai cho từng năm học và dự kiến cả khóa học trước khi tuyển sinh.

Học phí đào tạo tính theo tín chỉ, mô-đun: mức thu học phí của một tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức dưới đây:

Học phí tín chỉ, mô-đun = Tổng học phí toàn khóa / (chia) Tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa

Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 học sinh, sinh viên/1 tháng x 10 tháng x số năm học.

Học phí của chương trình đào tạo chất lượng cao (kể cả chương trình chuyển giao từ nước ngoài đối với giáo dục nghề nghiệp): các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện chương trình chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí phù hợp cùng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ trang trải chi phí đào tạo, trình cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thông qua trước khi thực hiện và cơ sở giáo dục thực hiện việc công bố công khai trước khi tuyển sinh.

Bắt buộc phải tăng học phí

PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết những năm qua nhà trường tăng học phí hàng năm theo lộ trình được Chính phủ cho phép.

Với mức học phí hiện nay, mặc dù nhà trường đã được hỗ trợ kinh phí nhưng nếu tính đúng một suất chi phí đào tạo là không đủ, nên có ảnh hưởng phần nào đến chất lượng đào tạo và hạn chế việc ứng dụng phương pháp giảng dạy mới.

Cũng vì học phí thấp nên cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của nhà trường.

Ông Tuấn cũng cho biết chủ trương của Chính phủ đến năm 2020 các trường đại học phải tự chủ hoàn toàn, khi đó nhà nước sẽ không cấp kinh phí cho các trường nữa.

Tới đây, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng sẽ tính lại suất chi phí đào tạo để xác định mức học phí phù hợp hơn để có thể áp dụng khi trường tự chủ trong tương lai. Nhà trường đang chờ nghị định mới của Chính phủ về tự chủ đại học để có cơ sở xây dựng kế hoạch tự chủ của mình.

"Thực tế hiện nay, học phí ngành y các trường đại học các nước trong khu vực từ 6.000-10.000 USD/năm; còn ở trong nước hiện có trường tư thục đào tạo ngành y thu học phí mức hơn 100 triệu đồng/năm, trong khi trường chúng tôi chỉ thu khoảng 10 triệu đồng/năm.

Khi trường tự chủ sẽ có những định hướng phát triển chất lượng hơn, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm… nên chắc chắn khi đó sẽ tăng học phí. Chúng tôi hiện vẫn chưa tính cụ thể mức học phí mới sau khi trường tự chủ là bao nhiêu. Nhưng để đảm bảo cho việc đào tạo có chất lượng bắt buộc phải tăng học phí"- ông Tuấn nhấn mạnh.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên