Học ngoại ngữ: Nhớ lâu nhờ câu ngớ ngẩn

TRỌNG NHÂN 15/08/2024 05:22 GMT+7

TTCT - Đừng ngạc nhiên nếu bài tập ngoại ngữ của bạn có những câu như "Tôi đang ăn bánh mì và khóc trên sàn" hay "Mấy con ngựa của tôi thích sưu tập răng".

Học ngoại ngữ: Nhớ lâu nhờ câu ngớ ngẩn- Ảnh 1.

Các câu có nghĩa "trời ơi đất hỡi" dùng để dạy ngữ pháp hay từ vựng như vậy là dụng ý của người biên soạn, bởi một sự thật bất ngờ: câu càng quái chiêu thì càng ăn sâu vào trí não, giúp người học thâu nạp kiến thức dễ dàng, mãi mãi không quên.

Mẫu câu lạ đời

Ứng dụng Duolingo nổi tiếng với cách dùng mẫu câu lạ đời cho các bài tập của mình. Danh sách "các câu ngớ ngẩn nhất trên Duolingo" được chính người học chụp màn hình và chia sẻ lên mạng. Dựa vào đó, có thể chia chúng thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất gồm những câu dùng biện pháp nhân hóa vô tội vạ. Chẳng hạn, "Tha Niseag ag òl uisge-beatha" trong tiếng Gael Scotland có nghĩa là "Quái vật hồ Loch Ness đang uống rượu whisky"; "Minä itken ja sipuli nauraa" trong tiếng Phần Lan là "Tôi khóc còn củ hành tây thì cười"; hay "Heeft een tandenborstel gevoelens?" trong tiếng Hà Lan nghĩa "Bàn chải đánh răng có cảm xúc không?".

Nhóm thứ 2 là những mẫu câu kỳ quặc về tính thực tế: "Toen ik jong was, mocht ik geen broek dragen" ("Hồi nhỏ tôi không được phép mặc quần" - tiếng Hà Lan); "아기가 맥주를 마시고 싶어해요" ("Đứa bé con muốn uống bia" - tiếng Hàn Quốc); hay "Jag hör dig inte eftersom jag har kanelbullar i mina öron" ("Tôi không thể nghe thấy bạn vì bánh quế đang trong lỗ tai tôi" - tiếng Thụy Điển).

Nhóm cuối cùng là những câu mới nghe qua sởn gai ốc, không biết vô tình hay hữu ý mà rùng rợn như trong phim kinh dị. Điển hình: "V ledničce je něčí hlava" - dịch sát nghĩa trong tiếng Czech là "Có cái đầu ai đó trong tủ lạnh", hay "Er wird das Blut kosten" - dịch là "Anh ấy sẽ nếm thử máu" trong tiếng Đan Mạch.

Bộ não thích thế!

Ra mắt từ năm 2012 tại Mỹ, Duolingo hiện là một trong những ứng dụng học ngoại ngữ có đông thành viên nhất hiện nay với khoảng 49,5 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng. Người dùng có thể chọn học trong số 43 ngôn ngữ khác nhau với 39 ngôn ngữ dành cho người nói tiếng Anh. 

Các khóa học đều miễn phí bên cạnh lựa chọn mua phiên bản cao cấp cho những người dùng cần truy cập nhiều chức năng hơn hoặc muốn bỏ quảng cáo. Vì sao một ứng dụng lớn, quy mô toàn cầu lại để "lọt" quá nhiều mẫu câu, bài tập nghe không thể vô lý hơn?

Trước nhất cần nói rõ: không phải để lọt, mà là cố tình. Trong bài viết "Các câu ngớ ngẩn có thể giúp bạn học thế nào" trên blog chính thức của Duolingo tháng 3-2021, ba trong số các chuyên gia đời đầu phát triển chương trình học trên ứng dụng này giải thích những mẫu câu lạ đời có một sức mạnh đáng kinh ngạc là bởi chúng rất đáng nhớ, giống như một mỏ neo níu giữ trí não người học vào các ví dụ chứa khái niệm, ngữ pháp quan trọng.

Học ngoại ngữ: Nhớ lâu nhờ câu ngớ ngẩn- Ảnh 2.

Theo nhóm tác giả, đằng sau các mẫu câu "Con tôm ăn con gấu" hay "Xin chào, tôi là một quả táo" là những bài học về cách chia động từ, quy tắc trật tự từ và cách đặt câu. Chẳng hạn, nếu phân tích kỹ một câu nghe lạ lạ như "Tu habites avec un cheval?" ("Bạn sống với một con ngựa phải không?" - tiếng Pháp) thì thật ra bạn cũng học được cách đặt câu hỏi trực tiếp, biết cách dùng mạo từ "un" (cho giống đực) hoặc "une" (cho giống cái) để phù hợp với "cheval" (con ngựa), hay biết cách dùng đuôi động từ nào đi với "tu" (bạn). 

Dĩ nhiên đã học ngoại ngữ thì chắc hẳn bạn sẽ đủ tỉnh táo để khi du lịch tới Pháp sẽ không bê nguyên xi câu trên, mà chắc hẳn sẽ biết thay danh từ "ngựa" bằng những từ khác đại loại như "ba mẹ", "bạn", "người yêu"…

Theo các chuyên gia, chuyện lồng ghép những mẫu câu hài, bất ngờ thậm chí có lúc xấc xược, đã được Duolingo áp dụng ngay từ ngày đầu thành lập (2012). Trong từng bài học, các chuyên gia ngôn ngữ sẽ cân bằng tỉ lệ các câu thực sự hữu ích có thể sử dụng ngay lập tức như "¿Cómo se llama tu hijo?" ("Con trai bạn tên gì?" - tiếng Tây Ban Nha), với những mẫu câu lạ đời như "Todo el mundo tiene que morir" (Ai cũng phải chết - tiếng Tây Ban Nha). "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi luôn là mục tiêu học tập của bài học, nhưng được khuyến khích phát triển nội dung thú vị, có pha chút hài hước" - họ giải thích.

Các lý lẽ này không hề phiến diện. Đầu năm 2024, nhóm nhà khoa học Viện Công nghệ Massachusetts, (MIT) công bố một nghiên cứu tập trung vào các vùng xử lý ngôn ngữ ở bán cầu não trái, nhằm trả lời câu hỏi: điều gì khiến một số mẫu câu nhất định thúc đẩy hoạt động não hơn những câu khác. 

Các nhà nghiên cứu dựa trên 11 đặc điểm ngôn ngữ khác nhau như tính ngữ pháp, tính hợp lý, giá trị cảm xúc và mức độ dễ hình dung nội dung câu và yêu cầu những người tham gia đánh giá các câu cho sẵn. Kết quả: những mẫu câu có mức độ ngạc nhiên cao hơn sẽ tạo ra phản ứng mạnh mẽ hơn trong não.

Một điểm đáng chú ý khác nằm ở độ phức tạp về ngôn ngữ, được đo bằng mức độ tuân thủ các quy tắc ngữ pháp tiếng Anh của một câu và mức độ hợp lý của câu đó. Phó giáo sư về khoa học thần kinh Evelina Fedorenko tại MIT - thành viên nhóm nghiên cứu - giải thích trên tạp chí Nature Human Behaviour rằng các mẫu câu ở hai thái cực - cực kỳ đơn giản hoặc cực kỳ phức tạp - sẽ rất khó gợi sự kích thích trong mạng lưới xử lý ngôn ngữ của não. Cụ thể, câu quá dễ thì người học không có gì đọng lại, còn quá khó hiểu thì người học dễ lướt qua luôn.

Các câu có hiệu quả hơn là những câu người học ban đầu cảm thấy lấn cấn, khó hiểu, nhưng suy nghĩ thì có thể ồ lên: À thì ra là vậy hoặc có thể phì cười. Nói chung là cần có một xíu "động não" để hiểu được những mẫu câu đó. "Nếu mọi thứ trở nên khó khăn hoặc gây ngạc nhiên, hay có một cấu trúc hoặc một cụm từ bất thường mà bạn có thể không quen thuộc lắm, lúc này bộ xử lý của bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn" - Fedorenko giải thích thêm.

Học ngoại ngữ: Nhớ lâu nhờ câu ngớ ngẩn- Ảnh 3.

Không những không giấu giếm chuyện dùng mẫu câu quái chiêu, Duolingo còn kêu gọi người dùng bình chọn câu họ cho là "hay nhất" mỗi năm. Năm 2020, Duolingo tặng 150 chiếc túi tote có in câu chiến thắng (I am eating bread and crying on the floor/ Tôi đang ăn bánh mì và khóc trên sàn) cho người dùng. Chiếc túi có kích cỡ vô cùng hoàn hảo để đựng… ổ bánh mì và túi khăn giấy lau nước mắt.

"Câu lạ" từ đâu mà ra

Trong một chia sẻ khác trên blog, hai đại diện của Duolingo, tiến sĩ Bozena Pajak - phó giám đốc học tập và chương trình giảng dạy - và tiến sĩ Clinton Bicknell - trưởng bộ phận AI - phân tích các nội dung học tập trên nền tảng này được thiết kế theo 4 giai đoạn.

Ở giai đoạn 1, các chuyên gia ngôn ngữ sẽ xây dựng chương trình giảng dạy, thường dựa trên tiêu chuẩn CEFR và tùy chỉnh theo ngôn ngữ gốc của người dùng. Đây là giai đoạn tạo khung sườn cho khóa học, đồng nghĩa những ví dụ như "A mi caballo le gusta la tele" ("Con ngựa của tôi thích tivi" - tiếng Tây Ban Nha) chưa xuất hiện.

Giai đoạn 2 là tạo nội dung thô, cung cấp các từ, câu, đoạn văn thô kèm minh họa và bản dịch. Những từ vựng đơn lẻ như "caballo" (con ngựa), "gusta" (thích) hay "tele" (tivi) được nạp vào.

Giai đoạn 3, các ngữ liệu thô như trên được kết hợp tạo lập thành những bài tập cho người học. Ngoài những mẫu câu chuẩn chỉnh về ngữ nghĩa, chuyên gia thêm vào những mẫu câu gây hài hước hoặc gây ngạc nhiên.

Giai đoạn 4 là cá nhân hóa. Các mô hình AI sẽ dựa trên tài nguyên từ giai đoạn 3 và trải nghiệm thực tế của người dùng để cho ra những bài tập phù hợp trình độ kiến thức của người học. Ví dụ, nếu nhận thấy người học đang gặp khó khăn trong việc diễn đạt "Tôi thích…" trong tiếng Tây Ban Nha, thuật toán sẽ cung cấp một loạt bài tập tập trung cụ thể vào "gustar" (thích - động từ nguyên mẫu).

Và đây cũng là lúc những câu ngớ ngẩn như "A mi caballo le gusta la tele" (Con ngựa của tôi thích tivi) tha hồ bay nhảy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận