Ban tư vấn của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 tại Thanh Hóa gồm chuyên gia đến từ Bộ GD-ĐT và các trường ĐH - Ảnh: MAI THƯƠNG
Sáng 10-1, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 của báo Tuổi Trẻ đã diễn ra tại Thanh Hóa. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.
Cũng giống như ở Nghệ An, học sinh tại Thanh Hóa phần lớn chưa tìm hiểu kỹ về quy chế tuyển sinh do Bộ GD-ĐT công bố hằng năm, cũng như chưa đầu tư nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường.
Do phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng, phức tạp, có nhiều tiêu chí phụ nên các chuyên gia tư vấn vẫn nhấn mạnh phụ huynh và thí sinh phải thực sự bỏ công nghiên cứu cách thức tuyển sinh và đề án tuyển sinh của các trường.
Học ngoại ngữ nào có nhiều cơ hội việc làm?
Hàng nghìn học sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Thanh Hóa sáng 10-1 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Những năm gần đây, các ngành liên quan đến Hàn Quốc học, ngôn ngữ Hàn Quốc, sư phạm tiếng Hàn Quốc rất "hot". Năm 2020, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành sư phạm tiếng Hàn Quốc có điểm chuẩn là 35,87 (thang 40 điểm), đứng thứ hai về điểm chuẩn. Ngành ngôn ngữ Hàn Quốc của trường này lấy 34,68 điểm, cũng đứng trên nhiều ngành khác.
Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay gây choáng khi công bố thí sinh phải đạt 3 điểm 10 (thang điểm 30) hoặc phải được cộng điểm mới đỗ ngành Hàn Quốc học.
Em Phan Thành Nam (Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) băn khoăn: "Em nghĩ bây giờ tiếng Anh quá thông dụng rồi nên cũng muốn học thêm một ngoại ngữ khác, nhưng không biết nên học ngành ngôn ngữ nào thì cơ hội việc làm cao và học ngoại ngữ ra sẽ làm những công việc gì?".
Tương tự, em Phạm Gia Hân (học sinh Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa) đặt câu hỏi: "Em năm nay mới lớp 11 thôi, em muốn học tiếng Hàn nhưng chưa biết học xong sẽ làm gì, xung quanh em cũng chưa có anh chị nào học các ngành này để hỏi, nên khi đến với chương trình em rất mong được lắng nghe tư vấn để hiểu rõ hơn và đặt mục tiêu cho tương lai".
TS Phạm Ngọc Thạch, chủ tịch hội đồng Trường ĐH Hà Nội, cho biết: "Sinh viên các ngành ngoại ngữ ra trường có việc rất cao. Riêng ngành ngôn ngữ Hàn, 100% sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm, còn ngành ngôn ngữ Trung thì tỉ lệ sinh viên có việc cũng lên đến 98%. Nhiều sinh viên đang học năm 3, năm 4 đã có doanh nghiệp đến ký hợp đồng, làm việc cho các tập đoàn lớn như Samsung".
Vào ngành 'hot' phải xác định học, học và học
"Muốn vào ngành y xác định chỉ có học, học và học" - PGS.TS Lê Đình Tùng, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Trường ĐH Y Hà Nội - khẳng định khi trả lời câu hỏi của nhiều học sinh.
Theo thầy Tùng, điểm chuẩn ngành y khoa hay răng hàm mặt của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2020 cao chót vót: 28,9 điểm và 28,65 điểm nên muốn có được "tấm vé ưu tiên" vào Trường ĐH Y Hà Nội, học sinh chỉ có cách tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi Olympic quốc tế và đoạt giải hoặc cố gắng tham gia đội tuyển tỉnh, thành phố (vì được ưu tiên cộng điểm); và chắc chắn phải thi tốt nghiệp THPT.
"Vậy làm thế nào để sau khi tốt nghiệp em có đủ điều kiện mở thẩm mỹ viện?", một học sinh hỏi. PGS.TS Lê Đình Tùng trả lời: "Muốn mở thẩm mỹ viện thì phải thi đỗ và tốt nghiệp các trường ĐH y khoa loại khá trở lên, sau đó tham gia kỳ thi bác sĩ nội trú.
Sau khi học xong, muốn làm phẫu thuật thẩm mỹ thì học 4-5 năm nữa. Để làm chủ cơ sở thẩm mỹ viện mất khoảng 15 năm tất cả. Tóm lại muốn vào ngành y xác định phải học giỏi, vào được trường rồi xác định chỉ có học, học và học".
Em Hà Việt Phương (Trường THPT Lương Đắc Bằng) muốn thi vào kinh tế đối ngoại, logistics và quản lý chuỗi cung ứng - hai ngành "hot" nhất của Trường ĐH Ngoại thương. Ngoài việc lưu ý em Phương về mức học phí của ngành này (chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao học phí lên tới 40-60 triệu đồng/năm), PGS.TS Vũ Thị Hiền - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương - nhấn mạnh thí sinh cần phải chuẩn bị sẵn tư tưởng học hành chăm chỉ.
"Các em có IELTS 7.0 là thừa tiêu chuẩn tiếng Anh để được xét tuyển vào hai ngành này rồi. Tuy nhiên tiếng Anh học để áp dụng làm việc trong các ngành nghề cụ thể khó hơn tiếng Anh luyện thi IELTS nhiều. Những chương trình dạy bằng tiếng Anh 100% học rất vất vả, nên các em chuẩn bị sẵn tinh thần phải học rất chăm mới theo được" - PGS.TS Vũ Thị Hiền khuyên học sinh.
Những thí sinh quan tâm đến ngành truyền thông cũng được PGS.TS Bùi Thành Nam - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhắn nhủ "cần đầu tư học tập thật tốt vì ngành này có tính cạnh tranh rất cao".
Cả nhà đi dự tư vấn tuyển sinh
Cô Lê Thị Thanh Xuân (Đông Thọ, Thanh Hóa) cùng chồng và hai con trai chia nhau đi tham khảo nhiều gian tư vấn của các trường ĐH.
"Năm nay tôi có hai cháu sinh đôi đều thi ĐH, bình thường nhà khác có một cháu thôi đã lo lắng rồi nên nhà tôi phải tập trung tất cả sự quan tâm cho các cháu. Hai con thì muốn theo ngành công nghệ sinh học và ngành y.
Một trong hai cháu vừa thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh xong đang chờ kết quả, nên tôi cũng muốn tìm hiểu về hai ngành này cũng như ưu tiên xét tuyển của các trường như thế nào" - cô Xuân cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận