18/10/2015 09:58 GMT+7

Học nghe - học nói

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - “Tại sao các cháu bị gọi là hỗn?” - đó là bài viết nho nhỏ trên trang giáo dục Tuổi Trẻ hôm 16-10, nhưng gợi cho những người làm nghề dạy học chúng tôi những câu chuyện lớn.

“Lá đơn” của học trò - Ảnh: Thụy Hiền

Đầu tiên, xin tóm tắt lại câu chuyện cho mọi người dễ hình dung: Một nhóm học sinh tiểu học nhỏ con, cận thị bị cô giáo xếp ngồi cuối lớp học, đã cùng nhau lên tiếng đòi cô xếp lại chỗ ngồi.

Nhưng cô không nghe lời “kêu cứu” của học sinh. Thế là học sinh chuyển sang bước “đấu tranh” thứ hai, đó là nắn nót viết lên một trang giấy học trò dòng chữ: “Phản đối. Xin cô hãy xét lại lời phán và trả lại sự công bằng cho chúng con!”. Và kết quả là cô giáo gầm lên, cho rằng học trò hỗn láo, buộc các em xé bỏ tờ giấy này và hứa không tái phạm.

Đó là một câu chuyện nho nhỏ, nhưng lại rất hay xảy ra trong mối quan hệ thầy cô - học trò. Nhiều lúc nó không “gói” trong bốn bức vách của lớp học mà lan ra đến phụ huynh. Thế rồi có phụ huynh biết chuyện để cùng dàn xếp hợp lý thì không nói gì, có người nóng tính, bênh con đã gây nên chuyện lùm xùm.

Như tôi có biết một trường hợp sau: Chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, một cô giáo dạy văn đã buộc học sinh phải chép bài văn mẫu trong những tiết ôn tập cuối học kỳ 2. Một cậu học sinh dứt khoát không chịu chép. Cô giáo hỏi tại sao thì em này trả lời: “Thưa cô, ba mẹ em dạy rằng viết hay viết dở không quan trọng, mà điều quan trọng là viết thật, viết bằng chính khả năng của mình. Vì vậy, em xin phép không chép bài văn mẫu”.

Dĩ nhiên, cô giáo tuy rất khó chịu vì có học trò dám cãi lệnh mình, nhưng cũng chẳng biết nói sao mà chỉ đành “méc” lại phụ huynh. Và mẹ cậu học trò ấy cũng lịch sự trả lời: “Mong cô thông cảm, nếu cháu có lỗi thì đó là lỗi của chúng tôi”. Trong trường hợp này, người nhận được “bài học” chính là cô giáo, bởi làm sao nói được chuyện ấy là có lỗi.

Lâu nay, trong xã hội chúng ta vẫn thường hay nghe những lời than phiền là thiếu tính phản biện, thiếu tranh luận. Bởi rất nhiều trường hợp mà khi xảy ra tranh luận, phản biện thì dẫn đến xúc phạm nhau nếu người nói và người nghe có vị trí, tuổi tác ngang nhau; còn nếu chênh lệch nhau về địa vị, tuổi tác thì người dưới luôn bị phủ đầu, bị ghim gút “lưu vào sổ bìa đen”...

Và khi xảy ra những chuyện như thế, thường dư luận hay phê phán người có vị trí cao hơn là không biết lắng nghe những lời trái tai. Thật ra, muốn nghe lời trái tai không dễ đâu. Chúng ta cứ thử đặt trường hợp mình vào cô giáo mắng học trò hỗn ở trên thử xem? Cô ấy đã được hưởng một nền giáo dục ngay từ nhỏ là phải tuân phục bề trên tuyệt đối, vậy thì quá khó để giữ được bình tĩnh khi thấy học trò tiểu học dùng từ “phản đối” dành cho mình!

Trong trường hợp này, lý tưởng nhất là cô ôn tồn nói với cả lớp rằng: Các con có quyền nói ngược lại với cô, nhưng phải lễ phép, dạ thưa đàng hoàng. Nếu các em sai, cô sẽ giải thích cho các em biết vì sao cô xếp các bạn ngồi cuối lớp. Còn nếu các em đúng, cô sẵn sàng sửa sai.

Nếu mọi chuyện được như thế từ tiểu học lên trung học, rồi đại học và sau đó nữa là “trường đời” thì chúng ta lo gì việc trên không muốn nghe những lời trái tai, dưới không biết nói những lời phản biện?

Và muốn thế thì phải học. Học nghe những lời trái tai, học nói những lời phản biện, ngay bây giờ và ngay từ lớp 1.

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên