"Học nghề, hãy thận trọng với hai tiếng "đam mê"!

HUY THỌ 28/09/2020 01:09 GMT+7

TTCT - Nổi tiếng trong thế giới pha chế đồ uống, là một bartender thành danh ở tầm mức quốc tế và nay đứng lớp dạy hàng ngàn học trò nhưng Phạm Đình Song chỉ có đúng một mảnh bằng lận lưng, đó là trung cấp quản lý nhà hàng…

Phạm Đình Song giới thiệu với các bartender quốc tế món cocktail Vietnamese breakfast.
Phạm Đình Song giới thiệu với các bartender quốc tế món cocktail Vietnamese breakfast.

Cách đây một tháng, Tuổi Trẻ cùng Tổng cục Dạy nghề cùng tổ chức tọa đàm về “Chọn trường nghề cho lối vào đời”. Hôm ấy, Phạm Đình Song tham dự. Anh kể chuyện đời, chuyện nghề của mình, nhưng kết thúc với một lời kêu gọi giới báo chí: “Các anh chị đừng tạo ra ảnh hưởng không hay cho giới trẻ khi quá đề cao hai tiếng ĐAM MÊ trong chuyện hướng nghiệp”.

Tôi tìm đến Pha chế Education - nơi Song mở lớp đào tạo nghề pha chế các loại thức uống được vài năm nay, cung cấp hàng ngàn nhân viên cho các chuỗi cà phê, quán bar, nhà hàng, khách sạn - cũng vì sự tò mò sau câu nói ấy.

Anh có vẻ dị ứng với hai từ ĐAM MÊ, có thể cho biết tại sao không?

- Tôi dân Hóc Môn. Ba tôi làm bảo vệ ở Bưu điện TP, mẹ ở nhà làm nội trợ. Khi tôi học cấp 3, ba mẹ tôi chỉ muốn con mình theo học ngành công an hoặc vào đại học để kiếm cái bằng kỹ sư. Nhưng hồi nhỏ, tôi chỉ mê âm nhạc, sát ngày thi tốt nghiệp THPT, tôi vẫn chưa biết mình sẽ học ngành nào, nghề gì.

Thế rồi, một người bạn thân rủ tôi đăng ký học nghề quản lý nhà hàng khách sạn ở Trường trung cấp nghề tư thục du lịch Khôi Việt. Bạn rủ nhưng đến ngày khai giảng lại bỏ, tôi một mình bơ vơ nhưng vẫn vào học vì tiếc tiền học phí đã đóng.

Không ngờ khi vào học thì lại thích, mà thích nhất là môn pha chế cocktail. Một khi đã thích, cộng thêm tinh thần khát khao tự lập, tôi lao vào tập luyện như điên, học ké, học lóm cả các anh chị khác trong trường.

Nhìn lại 2 năm học ấy, tôi rút ra một điều mà tôi cho là vô cùng quan trọng: vai trò của người thầy. Tôi nhớ như in lời thầy hiệu trưởng, cũng là chủ trường, thường nói “vào đây không chỉ học mà còn phải chơi. Em nào không chịu chơi thì mời ra”! Một đứa ham chơi như tôi mà gặp người thầy luôn bắt học và học suông thì chắc thua.

Sau này, tôi mới hiểu ý của thầy là những cuộc chơi như thi hiphop, thi thời trang, thi hoa hậu... trong trường là nhằm giúp học sinh khắc phục một điểm yếu của người Việt, đó là sự thiếu tự tin. Nói thật, gặp ai cũng rụt rè, nói năng lắp bắp, ăn mặc thì lè phè... thì khó mà làm việc được trong ngành du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn.

Nơi học tập được thầy thiết kế y như các nhà hàng, khách sạn, quán bar thứ thiệt chứ không làm cho lấy có như nhiều nơi khác. Một người thầy có tâm như thế chắc chắn sẽ nâng bước bạn lên trên con đường vào đời...

Cứ thế, tôi lao theo luyện và làm riết rồi mới đâm mê cái nghề này. Chứ nói thật, tôi tin là không ai đam mê một thứ mà mình chưa biết, chưa thật am hiểu về nó. Vì vậy, xã hội, truyền thông quá đề cao sự đam mê khi người trẻ còn chưa biết gì về lĩnh vực dự tính đi theo, theo tôi là một điều tai hại.

Một ngôi trường tốt, gặp được người thầy có tâm thì sẽ có nhiều học trò thích. Thích rồi thì những học trò có ý chí tự lập sẽ lao vào học, rèn luyện để tồn tại, để thể hiện bản thân; phải dăm bảy năm sau khi làm nghề, làm đến mệt phờ người mà không bỏ nghề, khi ấy thì người ta gọi là đam mê.

Phạm Đình Song được gọi là "ông thầy trẻ" với sự say mê nhiệt huyết trong lớp dạy pha chế của anh. (Ảnh: HT)

Giờ thì gia đình Song đã hài lòng?

- Thú thật là ba mẹ tôi giờ cũng không biết tôi đang làm gì. Những người lớn ở Hóc Môn mấy ai biết bartender, flair bartending, barista là gì, nên tôi cũng không nói nhiều về công việc của mình. Trong những ngày đi học nghề, tôi về nhà cứ ôm mấy cái chai tập tung hứng suốt, chỉ có mỗi bà ngoại ủng hộ - một sự ủng hộ vì tình thương cháu chứ không phải vì bà hiểu nghề này là gì.

Câu chuyện của gia đình là một vấn đề khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tiếp xúc với hàng ngàn học viên, tôi thấy đa số người Việt bảo bọc con quá kỹ. Có nhiều phụ huynh tìm tới tận trung tâm của tôi chỉ để xin tôi đừng bắt con họ dọn dẹp, vệ sinh quầy bar, ly tách...

Nếu ít được bảo bọc, quan tâm thì trong con mắt đa số người Việt là một sự bất hạnh; nhưng thà ít bảo bọc để con cái tự lập trong cuộc đời, có ích cho xã hội còn hơn là đưa cho xã hội một công tử bột, sống bám víu, không có chí lập thân.

Phạm Đình Song dạy trong lớp pha chế đồ uống tại Pha chế Education. Ảnh: H.T.
Phạm Đình Song dạy trong lớp pha chế đồ uống tại Pha chế Education. Ảnh: H.T.

Tôi xem trong bảng thông báo treo ở Pha chế Education thấy khá nhiều thông tin tuyển dụng nhân viên pha chế thức uống, một điều khá vui trong thời COVID-19 này. Tuy nhiên, mức lương có vẻ không hấp dẫn cho lắm khi chỉ bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng?

- Đó là lương cứng cho người mới, chưa tính các khoản thưởng, tip. Nhân đây, có một điều mà tôi vẫn thường khuyên các học viên là phải học cho giỏi tiếng Anh. Giữa hai người có tay nghề pha chế thức uống ngang nhau, người có tiếng Anh sẽ thu nhập cao hơn người không có tiếng Anh từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Nghề này phải tự học rất nhiều, tài liệu chủ yếu là tiếng Anh. Tôi may cũng nhờ thầy hiệu trưởng trước đây của Khôi Việt khuyên nên đã lao đầu vào học tiếng Anh ngay từ đầu, nhờ đó mới tiến bộ được.

Cũng cần nói một điều là nghề pha chế khá khắc nghiệt, tuổi thọ nghề không dài, nên luôn phải tiếp tục đọc, nghiên cứu, tìm hiểu... Không thể xem bartender là nghề gắn bó suốt đời, nhưng nó là một bàn đạp tốt cho tương lai vì có nhiều hướng để lập thân lâu dài như đi dạy, mở quán, làm quản lý, thậm chí nếu rèn luyện quyết liệt sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thức uống.

Phạm Đình Song (sau quầy, áo gillet nâu) phô diễn tài năng pha chế trước các đồng nghiệp quốc tế.
“Xã hội bây giờ đề cao tiền dữ quá. Lên mạng xã hội thấy toàn khoe vật chất, nhưng nội lực bản thân là gì thì không thấy. Chính vì chạy theo vật chất như thế đã khiến chúng ta có nhiều chuyện đáng buồn. Tôi chỉ xin nói trong lĩnh vực của mình, là giờ đây đi tìm một ngôi trường nghề lấy chuyện ra đời thành công của học viên làm trọng cũng hiếm, khi phần lớn chạy theo lợi nhuận, làm sao chi thật ít mà thu thật nhiều; một lớp dạy nghề lý tưởng chỉ chừng 10-12 học viên mới hiệu quả thì người ta nhồi nhét 20-25. Nhiều người thầy dạy nghề khoe khoang quảng cáo ghê lắm, nhưng tay nghề thì gần như không có gì”. (Phạm Đình Song)

Anh nói nhiều đến chuyện rèn luyện, vậy năng khiếu thì sao?

- Năng khiếu là cần, nhưng không đủ. Với tôi, rèn luyện vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt là được rèn luyện trong môi trường tốt. Tôi may mắn khi chưa nhận bằng tốt nghiệp đã được nhận vào làm việc ở khách sạn 5 sao Caravelle - một cơ hội tuyệt vời. Hồi ấy tôi mới 19 tuổi, học chưa xong. Có 30 người ứng thí khi Caravelle tuyển, và 2 được chọn, trong đó có tôi.

Tôi biết chắc khả năng nghề của mình lúc ấy cũng như các ứng viên khác nên hỏi sếp vì sao tôi được chọn. Ông ấy cho biết là do tôi có phong cách và trang phục nghiêm túc, chỉn chu hôm ấy - một yếu tố quan trọng cho nghề này. Sau đó, tôi về làm quản lý cho một khách sạn 5 sao khác thuộc hệ thống Matriott lừng danh, cũng là một môi trường tuyệt vời để rèn luyện.

Mỗi “phù thủy bartender” đều có những món sáng tạo riêng để đưa tên tuổi mình lên, đặc biệt trong các kỳ thi quốc tế, với anh, món gì tâm đắc nhất?

- Đó là món cocktail Vietnamese breakfast, với hai thành phần chính là rượu cognac và cà phê pha phin kiểu Việt. Khi thuyết trình về món này, tôi giải thích về cội nguồn lịch sử của cây cà phê trên đất Việt Nam, quá trình nó trở thành một thức uống của đông đảo người Việt vào buổi sáng, nhưng theo một kiểu pha chế riêng, các gia vị người Việt cho vào cà phê khi rang, gồm cả chút nước mắm... với những thay đổi đầy sáng tạo. Và tôi tiếp tục con đường sáng tạo ấy theo cách riêng mình để khai sinh một món mới.

Những kiến thức của nghề pha chế thức uống rất rộng, với anh, nó đến từ đâu?

- Tôi chủ yếu tự học và đọc. Các món ăn, đồ uống đều có lịch sử, văn hóa sâu sắc thú vị của nó, hiểu biết những nền tảng ấy sẽ giúp anh pha chế và sáng tạo giỏi. Tôi cũng phải nghiên cứu về các chất hóa học, tương tác giữa các chất, độ oxy hóa... để trở thành chuyên gia về đồ uống. Muốn biết thì chỉ có đọc và học không ngừng. Và thế giới kiến thức ấy bây giờ là vô biên, sẵn có với Internet, sách vở.

Cảm ơn anh.■

Làng pha chế thức uống Việt Nam có 5 nhân vật được gọi là “phù thủy bartender”, gồm Lê Thanh Tùng, Phạm Tiến Tiếp, Đinh Quang Nam, Lê Xuân Trọng và Phạm Đình Song.

Phạm Đình Song sinh năm 1989 tại Hóc Môn, có một bộ sưu tập giải thưởng khủng: vô địch Việt Nam Barpro flair 2011, giải nhất Asia Mixologist and Flair 2012 tại Malaysia, giải nhất cuộc thi Asia competition 2014 và Asia Bacardi quick mix 2014 tổ chức tại Bangkok, vô địch pha chế nhanh nhất với kỷ lục 1 phút 20 giây cho 5 loại thức uống…

Anh đã đoạt giải quản lý bar chuyên nghiệp nhất trong hệ thống Marriott toàn cầu năm 2011. Năm 2018, Song làm giám khảo tại cuộc thi vô địch bartender thế giới tổ chức tại Hàn Quốc.

Phạm Đình Song làm Giám Khảo Vòng Chung Kết Cuộc thi Bartender Châu Á.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận