TS Tăng Hữu Tân - trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang tư vấn cho học sinh tỉnh Kiên Giang - Ảnh: TRẦN HUỲNH
"Em dự định học ngành ngôn ngữ Anh (chuyên ngành biên, phiên dịch) nhưng không biết ngành này đào tạo thế nào và tương lai của ngành này ra sao?", một học sinh Trường THPT Nguyễn Hùng Sơn (Rạch Giá, Kiên Giang) thắc mắc.
Trả lời câu hỏi này, TS Tăng Hữu Tân, trưởng ban tuyển sinh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành ngôn ngữ Anh. Trong đó, mỗi trường có thế mạnh đào tạo một chuyên ngành của ngành này gồm: biên phiên dịch, sư phạm tiếng Anh và Anh văn thương mại.
Về chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh hiện nay, phần lớn các trường đào tạo có chương trình đào tạo ngành học này cơ bản giống nhau nhưng định hướng đầu ra của sinh viên ở mỗi trường có thể khác nhau.
Nhìn chung các trường đào tạo ngành này đều bắt buộc sinh viên phải học thêm một ngôn ngữ phụ khác (tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật…) và có chứng chỉ (ví dụ tiếng Nhật đạt chứng chỉ N4). Nếu đến khi xét tốt nghiệp sinh viên ngành ngôn ngữ Anh vẫn chưa có chứng chỉ ngoại ngữ phụ sẽ không được công nhận tốt nghiệp.
Cũng theo TS Tăng Hữu Tân, đối với ngành ngôn ngữ Anh, cơ hội việc làm rất tốt và đa dạng, đặc biệt là chuyên ngành biên phiên dịch. "Rất hiếm sinh viên tốt nghiệp ngành này bị thất nghiệp", ông Tân khẳng định.
Trong khi đó, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thêm sinh viên ngành ngôn ngữ Anh sẽ được học những kiến thức chung và chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa và văn học, đất nước - con người của các quốc gia nói tiếng Anh.
Bên cạnh đó, sinh viên theo học ngành ngôn ngữ Anh sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, phân tích, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm; phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp và sức khỏe tốt để có thể làm việc có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh.
Với những kiến thức được trang bị, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh có thể làm các công việc: biên dịch viên, phiên dịch viên trong các công ty, cơ quan ngoại giao, cơ quan truyền thông, các tổ chức kinh tế, xã hội của VN và quốc tế; dịch thuật cho các nhà xuất bản, trung tâm phát hành sách, báo, tạp chí...; chuyên viên truyền thông, tổ chức sự kiện, thư ký, trợ lý... trong các công ty nước ngoài; hướng dẫn viên, chuyên viên tư vấn tại các công ty du lịch, lữ hành, nhà hàng khách sạn; giáo viên giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, phổ thông trung học, trung tâm ngoại ngữ…
"Học ngành ngôn ngữ Anh sẽ không lo thất nghiệp. Tuy nhiên, ngoài kiến thức được học sinh viên cần phải tự trang bị thêm các kỹ năng mềm thì mới có thể dễ dàng nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau khi ra trường", thầy Hạ nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận