Học luyện giọng nói

YẾN TRINH - VŨ THỦY 07/10/2016 01:10 GMT+7

TTCT - Trong thời buổi cái gì cũng có thể… sửa, giọng nói cha sinh mẹ đẻ cũng không là ngoại lệ nếu người ta muốn tập luyện cho nó khác đi.

Huấn luyện viên Trần Thị Minh Hải trao đổi với các học viên tại lớp luyện giọng vào sáng 24-9-Lê Phan
Huấn luyện viên Trần Thị Minh Hải trao đổi với các học viên tại lớp luyện giọng vào sáng 24-9-Lê Phan


Từ nhu cầu công việc, xóa đi mặc cảm về giọng nói không như mong muốn, nhiều người đã tìm đến các lớp luyện giọng. Sau các buổi học, người học bắt đầu cải thiện giọng nói, tự tin hơn.

Sếp nam nói giọng “mái”

“Mỗi lần họp mà có tranh luận là tôi nói không lại người ta bởi giọng tôi cứ cao vút, y như giọng nữ. Đã vậy khi đang nói còn hay bị hụt hơi, nghe cứ như sắp khóc.

Tôi luôn có cảm giác bị nhân viên của mình coi thường. Mỗi lần trao đổi công việc thấy nét mặt nhân viên là biết họ đang nín cười khi nghe giọng mình” - anh Nguyễn Quang Minh (37 tuổi, giám đốc chi nhánh một công ty sản xuất thực phẩm tại Đồng Nai) khổ sở nói.

Anh còn gặp nhiều rắc rối khi gặp gỡ đối tác người nước ngoài dù khả năng ngoại ngữ của anh tốt, nhưng do giọng nói trời... không phú nên nghe cứ như không biết cách phát âm tiếng Anh.

Còn anh Trần Văn Bảo (24 tuổi, nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM) mang một “niềm đau chôn giấu” khi không nói được giọng nam trầm mà khàn khàn như... vịt kêu.

Anh cho biết: “Từ lúc mới lớn tới giờ, mỗi lần cất giọng là tôi thấy xấu hổ vô cùng. Lúc đi học thì chẳng bao giờ dám giơ tay phát biểu vì sợ cả lớp cười rộ lên. Giờ đi làm nhân viên phòng nhân sự, tôi còn khổ hơn vì sếp nghe giọng tôi ớn quá nên chỉ cho tôi lo việc phân loại, đánh giá hồ sơ, không cho phỏng vấn người dự tuyển”.

Ngược lại, chị Đào Thị Mỹ Hạnh (32 tuổi, giáo viên cấp III ở H.Hóc Môn) bị trời ban cho giọng nói như diễn viên lồng tiếng phim... ma. Giọng chị nghe vừa có vẻ thì thào bí hiểm, vừa bị nuốt phụ âm khi phát âm. Chị cho biết một phần do giọng chị từ nhỏ đã vậy, một phần do giảng bài nhiều nên giọng ngày càng tệ.

Lớp học “cứu tinh”

Khi biết thông tin về lớp học luyện giọng ở Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM, anh Minh tìm đến với hi vọng cải thiện được phần nào.

Sau khi khám nội soi thanh quản và kết luận không có bệnh lý về thanh quản mà phần nhiều do tâm lý ảnh hưởng, anh Minh được hướng dẫn qua lớp luyện giọng. Khi nghe anh đọc một đoạn văn trong 2-3 phút, bác sĩ (BS) Trần Thị Thu Trang (đơn vị thanh học BV Tai mũi họng TP.HCM) xác định “bệnh” của giọng anh rồi dặn dò anh cứ thoải mái, đừng ngại khi luyện giọng.

Buổi tập đầu tiên, BS Trang hướng dẫn anh Minh tập lấy hơi, nói bằng giọng bụng. Mới đầu anh Minh khá lúng túng khi phải tập thở dài, tập nói “ồ”, “ùm” kéo dài để đẩy hơi ra ngoài. “Đây là bài tập chức năng giọng, giúp người học có thể cải thiện giọng, rèn giọng trầm.

Còn một số kỹ thuật như tập đếm một hơi từ 1 đến 10, tập đằng hắng...” - BS Trang cho biết. Nhận thấy học viên khó lấy hơi, BS ấn nhẹ tay vào thanh quản để trợ giúp. Sau chừng 15 phút, khi BS không hỗ trợ nữa, anh Minh đã có thể tự đếm số một lèo mà không bị hụt hơi.

Với những người đã tập đến buổi thứ 3, thứ 4, BS Trang sẽ nâng độ khó của bài tập: “Người học sẽ đếm số 11, 12... trở lên, trả lời những câu hỏi ngắn về số điện thoại, ngày sinh, nơi sống..., sau đó đến những từ khó”.

Theo BS Trang, tập trên lớp một buổi 30 phút chỉ là bước đầu, quan trọng là người tập phải tự luyện ở nhà. Cuối mỗi buổi tập, BS đều ghi bài tập về nhà cho học viên: đứng trước gương tập đếm, tập lấy hơi. “Tôi còn tự quay clip các buổi học lại để so sánh, thấy sự khác biệt và cải thiện nhiều lắm.

Giọng tôi đã trầm hơn, cảm giác tự tin và bây giờ có tiếp xúc với người đến ứng tuyển cũng không thấy ngại nữa” - anh Bảo vui vẻ nói.

Còn lớp học của chị Trần Thị Minh Hải mở ở cả Hà Nội và Sài Gòn từ 4 năm nay. Học viên của chị nhiều độ tuổi, đa số làm trong lĩnh vực nhân sự, tiếp thị hoặc làm ngành nghề khác nhưng tự ti vì giọng không được rõ tiếng hay bị khào...

“Mục đích lớp học là giúp học viên luyện được tông giọng trầm ấm, có độ vang, giọng khỏe, ngữ điệu truyền cảm, phù hợp với ngành nghề. Học viên sẽ học cách thở, giữ khí, nói trong khoang miệng...” - chị Hải nói. Sau đó học viên sẽ tập cách nói có cao độ, cường độ và ngắt nghỉ đúng lúc, nhấn nhá những từ quan trọng.

Buồn vui nghề luyện giọng

Việc luyện giọng cho người khác tưởng chừng đơn giản, thế nhưng những giáo viên về giọng phải trải qua quá trình học, hiểu về giọng nói, các bệnh lý liên quan, tâm lý...

Vốn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng của một số công ty, ban đầu chị Hải chỉ có ý định mở lớp huấn luyện kỹ năng ứng xử và chăm sóc khách hàng. Chị Hải kể: “Lớp đầu tiên, tôi nhờ một giáo viên thanh nhạc huấn luyện.

Tôi nhận thấy các học viên tuy là giao dịch viên, nhân viên tư vấn, bán hàng... nhưng phát âm chưa chuẩn, nói không đúng dấu, các phụ âm”. Sau đó, giảng viên này nghỉ sinh con nên chị Hải làm “liều”, tìm đọc các tài liệu luyện giọng. Lớp tiếp theo, thấy học viên hào hứng, cố gắng để luyện giọng tốt hơn nên chị bị hút vào nghề này lúc nào không hay.

BS Trang cho biết thời gian gần đây, lượng người đến để luyện giọng theo nhu cầu công việc ngày càng tăng. “Việc luyện giọng cho học viên đòi hỏi cả người luyện và người học phải hết sức kiên nhẫn.

Việc luyện tập dựa trên mong muốn của người học, người học phải trả lời được vấn đề về giọng nói sẽ ảnh hưởng đến vấn đề gì của người học (công việc, đời sống...). Chúng tôi phải nhận thấy cả ưu điểm và khuyết điểm trong giọng nói của người học, luôn động viên khuyến khích học viên theo đuổi việc tập luyện để đạt kết quả” - BS Trang nói.

Trong quá trình luyện tập, chị Hải cho biết cũng có nhiều tình huống hài hước. Nhiều học viên phát âm “khiếp” thành “kíp”, “anh” thành “ăn”, “kẹp” thành “đẹp”, thậm chí tên người dạy là “Hải” cũng bị nói thành “Hãi”...

Theo BS Trang, không phải ai cũng có thể cải thiện hoàn toàn vì sau 18 tuổi, giọng nói và cách nói đã thành thói quen khó sửa. “Vì vậy nếu thấy giọng mình có vấn đề, mọi người nên có biện pháp điều chỉnh sớm.

Ngoài ra, để giữ giọng nói cần hạn chế thức khuya, uống ít nhất 2 lít nước/ngày, không hút thuốc, không ăn trước khi đi ngủ 3 tiếng vì như vậy sẽ bắt dạ dày làm việc, khi nằm ngủ axit từ dạ dày sẽ trào lên, có thể dẫn đến viêm họng” - BS Trang lưu ý.■

Những bệnh về giọng cần luyện tập

Ngoài những người có nhu cầu luyện cho giọng nói rõ ràng, truyền cảm, BS Trang cho biết hằng tháng BV tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân, chủ yếu bị các chứng hạt dây thanh, liệt dây thanh, phục hồi giọng nói sau khi cắt thanh quản toàn phần…

Ngoài ra còn có những người bị các tật nói ngọng, nói lắp. Theo BS Trang, bệnh nhân có vấn đề về giọng nên đến các BV có chuyên khoa thanh học để khám ban đầu, từ đó biết mình gặp vấn đề về giọng nói, phát âm hay ngôn ngữ.

Có thể tiến hành nội soi thanh quản để chẩn đoán có tổn thương hay không, nếu có tổn thương sẽ điều trị nội khoa kết hợp luyện giọng. Tùy chứng bệnh, người hướng dẫn sẽ đưa ra phương pháp tập luyện phù hợp để luyện, mức độ cải thiện có thể từ 70% trở lên tùy mức độ.

Theo BS Trang, trước khi đến với các lớp luyện giọng, học viên nên xem xét kỹ là giọng mình bị như vậy là do bệnh lý hay do hoàn cảnh, tâm lý, nghề nghiệp tác động, từ đó có những chẩn đoán chính xác để có phương pháp chữa trị hoặc luyện giọng thích hợp.

Và việc luyện giọng chỉ giúp cải thiện các chứng về giọng, do đó nói giọng của mình là tốt nhất, đừng cố gắng biến đổi giọng một cách thái quá.

* Học phí của các lớp luyện giọng ngoài thị trường khoảng 400.000 đồng/buổi (mỗi buổi 2-3 tiếng), một khóa học thường kéo dài 5-8 buổi. Còn với lớp học luyện giọng của BV Tai mũi họng, học phí một buổi là 50.000 đồng (mỗi buổi 30 phút).

NSƯT Đàm Loan (cựu giảng viên giảng dạy bộ môn tiếng nói sân khấu Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM):

Bạn trẻ ngày nay phát âm sai nhiều quá

Ở các lớp luyện giọng không chỉ có diễn viên mà có những người chuyên nói chuyện trước công chúng, những người chuyên dùng giọng nói của mình để thuyết phục đối tác như doanh nhân và những người bị ngọng, nói giọng vùng miền quá nặng...

Rèn nói năng ngày nay rất quan trọng. Người ta không chỉ xem tướng qua nhân dạng mà còn xem tướng qua giọng nói. Tôi thấy các bạn ngày nay phát âm sai nhiều quá, một phần là do sự dễ dãi, không ai bày tỏ thái độ về giọng nói. Lúc nhỏ nói giọng ngọng ngọng còn được khen dễ thương, dễ cưng quá.

Luyện giọng nói cần nhất là kiên trì và tất nhiên phải đúng phương pháp. Để gọi là thay đổi, cải thiện giọng nói hoàn hảo phải rèn cả đời, chứ không phải chỉ một sớm một chiều. Tôi cho họ luyện thở, luyện thanh, dạy cách đặt lưỡi, cách lấy hơi...

Dạy mấy buổi thì có người khắc phục được, có người không. Thay đổi giọng nói rất khó vì nó là thói quen từ lúc nhỏ đến khi lớn lên. Rèn giọng nói có nghĩa là vừa bỏ một thói quen cũ vừa rèn thói quen mới, áp lực sẽ tăng gấp hai. Do đó kết quả tùy thuộc rất nhiều vào bản thân người học, vì rõ ràng chúng ta không thể lấy tay kéo lưỡi người ta được. Chỉ khi nào họ luyện tập thành thói quen, diễn đạt mà không cần phải suy nghĩ đang uốn lưỡi như thế nào để nói thì mới diễn đạt lưu loát.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận