Học sinh lớp 1 ở Mỹ trong một chương trình văn nghệ - Ảnh: Quốc Vinh |
Ðể bắt đầu học chương trình lớp 1 của Trường Roscoe Wilson (thành phố Lubbock, bang Texas, Hoa Kỳ), con gái tôi được phòng giáo dục đào tạo của thành phố cho thực hiện một bài kiểm tra nghe nói đọc bằng tiếng Anh.
Sau khi vượt qua kỳ thi trong khoảng 30 phút một cách dễ dàng (đối với vợ chồng tôi thì đó chẳng kém gì kỳ thi đại học), con gái tôi chính thức được nhận vào trường.
Tuy nhiên vẫn còn một bài kiểm tra để xác định được khả năng của mỗi bé. Sau bài kiểm tra đầu kỳ, con gái tôi được đánh giá khả năng viết ở mức 1.6 (có nghĩa ngang bằng với một bé đi học lớp 1 được sáu tháng), khả năng đọc ở trình độ lớp 3.
Từ kết quả đó, trong cuộc gặp mặt riêng vào đầu năm, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và bé sẽ cùng nhau đặt mục tiêu cho cả năm học. Các bé được đưa ra ý kiến cá nhân, mục tiêu của mình, phụ huynh hỗ trợ những gì để giáo viên nắm với mục đích cuối cùng là mục tiêu đó được thực hiện hoàn hảo.
Bài tập về nhà
Chuẩn bị cho đại học khi còn học lớp... 1 Dù không nói ra nhưng nhiều phụ huynh Mỹ ở đây đã chuẩn bị hành trang cho con học đại học ngay khi mới bước vào lớp 1, bởi chi phí học đại học cực kỳ đắt đỏ. Ngoài giờ học ra, các bé còn được đưa đến các lớp ballet, cheerleader, đàn piano, violon hay các lớp tập luyện thể thao như cờ vua, bơi, bóng bầu dục, bóng đá... bởi nếu giỏi các môn phụ này thì khi kết thúc chương trình phổ thông, các trường đại học sẵn sàng trải thảm đỏ cấp học bổng mời về học nhằm mang lại thành tích thể thao cao cho trường. |
Trong quá trình học, ngày ngày các bé đều có các bài tập được thực hiện tại lớp học.
Vào ngày thứ hai, các folder được gửi kèm về nhà bao gồm toán, tập đánh vần, tập đọc truyện, kế hoạch học tập trong tuần.
Cho dù bài tập không quá nhiều nhưng đều bắt buộc có sự tham gia của phụ huynh trong việc giải toán, thực hiện các trò chơi ghép vần hay đọc truyện cho bé nghe.
Ðể từ đó tạo cho các bé có thói quen làm bài tập ở nhà và đọc sách từ nhỏ cùng sự hỗ trợ của ba mẹ mình.
Sau khi các bài tập được hoàn thành, phụ huynh bắt buộc phải ký nhận và bé chuyển lại folder cho giáo viên vào ngày cuối tuần.
Thứ sáu hằng tuần cũng là ngày các bé phải thực hiện các bài kiểm tra kết thúc tuần về những gì mình đã được học và luyện tập.
Và sau mỗi sáu tuần, các bài kiểm tra tổng hợp các tuần cùng với bài kiểm tra tổng kết được thực hiện, đánh giá và phân tích qua hệ thống máy tính rồi được in ra gửi về cho các phụ huynh. Ðồng thời phụ huynh có thể kiểm tra trên hệ thống quản lý học sinh online của trường.
Trước khi nhận bảng kết quả, cả ba và mẹ đều được tổng đài điện thoại tự động của trường gọi đến thông báo kết quả học tập sẽ được gửi về trong ngày mai. Kết quả sẽ có hai bản, một bản dành cho phụ huynh, còn một bản được phụ huynh ký tên và gửi lại cho trường.
Việc tương tác giữa ban giám hiệu cùng phụ huynh rất chặt chẽ qua sự hỗ trợ của hệ thống thông tin hiện đại, thế nên dù các phụ huynh bận rộn như thế nào cũng có thể giám sát việc học tập của con cái.
Thời gian học lớp 1 của các bé cũng khá ngộp thở, kéo dài từ 7g40-15g20 hằng ngày, không có giờ ngủ trưa. Nhiều khi bài giảng kéo dài lấy luôn giờ nghỉ ngắn để ăn nhẹ snack của các cháu, nên nếu sau giờ học các cháu ngấu nghiến phần ăn snack của mình trên đường về cũng chẳng có gì là ngạc nhiên.
Ðặc biệt, ngày nào các bé cũng được học thể dục, thực hiện các hoạt động vận động chân tay trong gần một giờ tại nhà thể thao của trường nên dù điểm số các môn luôn đạt mức xuất sắc, còn môn thể dục thì con gái tôi chỉ được nhận xét “Hài lòng” mãi mà thôi. Vào cuối năm sẽ có bảng đánh giá khả năng của học sinh đạt trình độ bao nhiêu ở lớp tiếp theo, nếu có trình độ đặc biệt sẽ cho phép học vượt cấp.
Động lực và áp lực
Khác với quan niệm “học để làm đẹp mặt bố mẹ, họ hàng” khá phổ biến ở VN, ở đây phụ huynh chỉ nhận được kết quả học tập của con mình, các thông số từng môn sau khi đánh giá được so sánh với bao nhiêu phần trăm của cả lớp chứ không có xếp hạng tổng quát.
Do kết quả “đèn nhà ai nấy rạng” nên đó không phải là một áp lực lớn cho các bé, tuy nhiên việc học để có nền tảng tốt, sau này là cơ sở để lấy học bổng từ các trường danh tiếng có mức học phí cao sẽ là động lực lớn hơn nhiều.
Ðộng lực lớn cũng sẽ đi kèm với áp lực cao bởi xét ở khía cạnh vĩ mô, học tốt từ nhỏ thì khi vào cấp THPT sẽ học tốt hơn, có thể tích lũy được các tín chỉ (credit) từ khi còn học THPT để khi vào đại học khỏi phải học lại các môn đó, tiết kiệm cho bản thân kha khá tiền học phí.
Ðồng thời việc học ở các trường đại học có bảng xếp hạng (ranking) cao đồng nghĩa với việc xin việc làm dễ dàng, thu nhập tương xứng với tấm bằng mình học.
Dân gian ta có câu “Vạn sự khởi đầu nan”, thế nên cho dù ở VN hay Hoa Kỳ thì việc học lớp 1 của con cái đều vất vả giống nhau cả.
Các cháu như một cây non mới lớn trong vườn ươm kiến thức, rất cần sự chăm sóc, quan tâm của các bậc phụ huynh.
Những bước đi đầu tiên trên con đường học vấn của con cái rất quan trọng, phần nào mang tính quyết định thành bại của sự nghiệp sau này của con, thế nên nhiều khi tôi nghĩ thay vì phàn nàn về chương trình học thì phụ huynh chúng ta nên dành thời gian của mình nhiều hơn nữa cho việc học tập của con.
Lịch học tập hằng ngày của học sinh lớp 1 ở Mỹ 7g40-8g15: Hoạt động khởi động buổi sáng tại lớp. 8g15-9g: Giáo viên dạy học tương tác. 9g-9g25: Tập đọc. 9g25-10g10: Các hoạt động đặc biệt. 10g10-11g15: Tổng hợp (viết/ từ vựng/thơ/tin học). 11g15-11g45: Ăn trưa. 11g45-12g: Đọc sách. 12g-12g30: Viết. 12g30-13g30: Toán. 13g30-13g45: Nghỉ ngơi/ăn nhẹ. 13g45-14g30: Thể dục (hoặc đọc sách ở thư viện). 14g30-15g10: Khoa học thường thức/kiến thức xã hội. 15g10-15g20: Tan học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận