Học lớn cùng con

TS NGUYỄN THỤY PHƯƠNG 25/05/2022 21:05 GMT+7

TTCT - Thách thức trong “nghề” làm cha mẹ của chúng ta ở thời hiện đại này là phải học cách chuẩn bị tâm thế, dự phóng vào tương lai, biết đối diện với nguy cơ, biết thừa nhận và ý thức về sự kém cỏi hay không hoàn hảo của mình và biết tự vấn đúng mực với bản thân để tìm ra lời giải đáp cho chính mình và những đứa con.

 
 

 Làm cha mẹ trong thời hiện đại này, ở bất kỳ quốc gia nào, cũng đều không hề dễ dàng. Mẹ cũng đi làm và bận rộn như cha. Áp lực công việc của cha mẹ, áp lực kiếm tiền song hành cùng vô số bổn phận gia đình. Cha mẹ cũng là đôi vợ chồng mà theo thời gian, sự không hiểu nhau, hết thông cảm với nhau là có thật, nhiều cặp tiếp tục ở với nhau và cãi lộn trước mặt con, hoặc ly dị nhận nuôi con một mình, hay đứa trẻ mỗi tuần ở nhà một người, hoặc lập gia đình mới và đứa con phải bước vào một môi trường sống mới… 

Những sự kiện như vậy không thể không tạo ảnh hưởng gì lên con cái; hầu hết chúng có kết quả học giảm sút, có vấn đề về sức khỏe, từ chối giao tiếp với cha mẹ, chán chường, lo âu về tương lai…

Phản hồi và trả lời từ người lớn lại thay đổi theo thời đại và văn hóa, thậm chí theo xu hướng. Lúc thì trách phạt, lúc lại cưng nựng quá mức; khi thì nói không, khi lại để các con quyết định thay; chỗ này thì cấm đoán, chỗ kia thì “thả phanh”… Vậy giáo dục và dạy con có phải là một chuỗi những mâu thuẫn chồng chéo?

“Nghề” làm cha mẹ

“Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu trong nhà rồi mới sinh ông” - câu thành ngữ này của người Việt nhìn từ phương diện tâm lý học và xã hội học hiện đại cũng vẫn rất chuẩn xác. “Nghịch lý” này nhắc nhở chúng ta rằng chính đứa con giúp chúng ta trở thành cha mẹ, đứa con “dạy” cho chúng ta trưởng thành trong vai trò cha mẹ. Nói một cách giản dị, cha mẹ cũng phải học lớn cùng con theo năm tháng.

Đời người thường trải qua nhiều cuộc khủng hoảng tâm lý: 2-3 tuổi là cuộc khủng hoảng đầu đời với những việc nhiều đứa trẻ thích nói “không” trước mọi yêu cầu, thậm chí ưa gào thét, “ăn vạ”. Cuộc khủng hoảng thứ hai, về tâm sinh lý, là ở ngưỡng tuổi thiếu niên với nhiều thay đổi từ cơ thể đến tính tình, suy nghĩ, thái độ, hành xử. Đây là cuộc khủng hoảng khá toàn diện, có thể kéo dài nhiều năm, khả năng xung đột và bùng nổ cao. Rồi tiếp tục tới khủng hoảng tuổi trung niên, khủng hoảng khi bước qua ngưỡng “già” sau 60 tuổi. Vì thế, khủng hoảng là một phần tất yếu của cuộc sống và nó giúp đánh dấu sự trưởng thành nếu chúng ta vượt qua được.

Nhưng khủng hoảng tuổi dậy thì thường là loại khủng hoảng nghiêm trọng nhất vì nó để lại dấu ấn đậm nét trong ký ức chung của một gia đình, dễ dẫn tới những đại bi kịch mà thường thấy là con cái bỏ nhà ra đi, thậm chí tự tử, phá hủy phần đời còn lại của cha mẹ. Đau lòng thay, đây là hiện tượng toàn cầu bất kể thời đại và văn hóa.

Làm cha mẹ là một hành trình thám hiểm phiêu lưu, không thiếu bất trắc. Ta gieo một hạt giống tốt, nhưng để hạt nảy mầm, thành cây, ra hoa kết trái thì phải thường xuyên chăm tưới, nhổ cỏ, xới đất, coi chừng thời tiết. Ta chăm cùng lúc 2-3 cái cây, nhưng cây thì tốt, cây thì oặt ẹo. Ta chăm chu đáo mà cây vườn nhà ta có khi lại không tươi tốt bằng cây nhà hàng xóm vốn cũng khá lơ là chuyện vun xới. Để bắt đầu hành trình này, chúng ta cần gây dựng một tình thương… lý tính, bất kể khi được làm cha mẹ, yêu thương con đã là bản năng của chúng ta. Bởi yêu, thương, chăm, dạy cũng phải có phương cách.

 
 

 Ôm con vào lòng

Cách đây nhiều năm, mỗi khi đến thăm mẹ chồng, lần nào tôi cũng nghe thấy căn hộ bên cạnh có tiếng hét, quát của người mẹ và tiếng gào thét hay lèo nhèo của cậu bé con 4-5 tuổi. Mẹ chồng tôi bất lực thở dài, không dám sang khuyên bảo vì sợ can thiệp vào tự do cá nhân của họ.

 Một lần thằng bé đập tường thình thịch và gào thét, người mẹ gõ cửa nhà mẹ chồng tôi xin lỗi, mẹ tôi nói: “Cháu à, không phải ngẫu nhiên mà bé luôn cáu giận dễ dàng thế, cháu nên đưa bé đến gặp bác sĩ vì đó là dấu hiệu của một bất ổn nào đó. Tuy nhiên, bác có một “kỹ thuật” đã áp dụng trong hàng chục năm làm cô giáo mầm non, khi con càng gào to thì cháu càng nên hạ trầm giọng xuống. Khi con vung tay chân muốn đánh thì cháu nhẹ nhàng ôm con vào lòng hay xoa xoa lưng con. Cháu hãy thử làm, cháu sẽ nhận ra “quyền lực” của cái ôm!”. 

Vài tháng sau đó, tôi gặp lại người mẹ trong thang máy, chị nói: “Phương pháp của bà nhà chị hay quá, rất hiệu nghiệm, giờ mẹ con tôi đỡ căng thẳng gào thét lẫn nhau, tôi đang cho cháu đi trị liệu thêm…”.

Cậu bé nay đã là một học sinh trung học thân thiện với mọi người, thỉnh thoảng giúp mẹ chồng tôi khuân đồ đi chợ về nếu thang máy hỏng. Và tôi cũng đã hiểu, rằng nhiều đứa trẻ có một nhu cầu lớn được giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Một cái ôm chặt đáng giá như một lời động viên.

 
 

 Cùng lắng nghe

Một người bạn thân của tôi là mẹ của hai đứa trẻ, con gái 15 tuổi và con trai 10 tuổi. Cô chị tính tình cởi mở, đang độ tuổi thiếu niên, có khả năng quan sát và nhận xét về thế giới rộng mở hơn, nên thường chủ động kể những chuyện hằng ngày xảy ra ở lớp học, đôi khi cháu than vãn về các thầy cô hoặc ca cẩm về một đứa bạn. Chồng chị vừa nghe con kể lể vừa lướt điện thoại rồi đế vào một câu: “Ba cái chuyện con nít!”. 

Nhưng chị bạn tôi khác hẳn. Dù mệt hay bận, nếu con gái có nhu cầu giãy bày là chị ngồi xuống, lắng nghe, không ngắt lời con. Khi con hỏi “Mẹ thấy thế nào?”, chị chia sẻ quan điểm của mình, luôn mang tinh thần xây dựng, không bao giờ đưa ra nhận xét mang tính quy kết một sự việc hay phán xử một ai.

“Mình luôn là “đồng minh” của con gái! Mình cảm thấy tự tin vì đọc được tâm trạng hay biến chuyển tâm lý, suy tư của con và phần nào đoán trước được hành vi của nó - chị nói với tôi và đùa - Giờ mình chỉ cần chờ vài năm nữa, không biết chừng nó sẽ kể cho mình nghe nó yêu như thế nào trong khi mình còn chưa hỏi. Mình là bạn của con bé”.

Nhưng cậu em trai lại “kín tiếng”, trầm tính, ít chia sẻ nên người mẹ này lại có “chiến thuật” riêng. Khi thì chị khơi gợi, thủ thỉ, khi thì chị cùng chơi cờ, hay cả nhà chạy thể dục trong công viên và để cậu bé tự nhiên bộc lộ khi có thời điểm. Chị dành thời gian riêng cho từng đứa con vì mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng. Bí quyết của chị rất giản dị: hãy dành thời gian cho nhau. Đó có thể là bữa ăn tối, mọi người cùng ngồi vào bàn, hai cha con cùng tưới cây, hai mẹ con cùng vào bếp, cả nhà cùng ngồi xem phim hoặc cùng chơi một ván cờ. Với gia đình chị, đó là những giây phút kết nối.

“Tham gia mà không can thiệp”

Một anh đồng nghiệp của tôi, việc cơ quan đã nhiều, việc nhà cũng lắm, mà vẫn “ôm đồm” thêm nhiệm vụ trưởng ban phụ huynh: “Mình nhận việc này xa gần cũng là vì con mình, để giữ liên lạc với thầy cô và hiểu con mình trong hệ sinh thái học đường của nó”. Kinh nghiệm nhiều năm trong ban phụ huynh giúp anh hiểu con ở phương diện con người xã hội. Anh không chỉ hiểu được học lực của con mà còn hiểu ứng xử, tâm lý của con với những người lớn khác và kiểm soát được giao du của con với bạn bè trang lứa. Vợ chồng anh hay cho các con mời bạn bè đến nhà chơi hoặc ăn trưa vào cuối tuần: “Vợ chồng mình đón tiếp và ngồi nói chuyện với các cháu vừa đủ, sau đó rút lui để cho tụi nhỏ giao lưu với nhau. Cách này tuyệt vời lắm: mình thấy được con mình hành xử thế nào với bạn bè, biết bạn của con mình là ai. Tham gia mà không can thiệp là thế đấy cô ạ!”.

Anh từng khuyên tôi, nếu thầy cô phản ánh con không tập trung, học yếu đi thì hãy ngồi bên con, cùng làm bài với con, đừng lập tức mời gia sư về dạy thêm. Trò chuyện để hiểu bên trong của sự sa sút học tập ấy là sự ngầm báo điều gì (tình cảm yêu đương xuất hiện, ức chế với một giáo viên, ghét đi học hay lục đục giữa cha mẹ…?). Động viên con mỗi khi điểm khá hơn, tạo động lực học, tránh gây áp lực về thành tích với một bộ não và một cơ thể non trẻ vẫn cần thêm nhiều năm nữa để được hoàn chỉnh.

“Tự tin sẽ đem lại nhiều thứ…”

Cháu gái tôi giờ đã là thiếu nữ 22 tuổi, chuẩn bị học thạc sĩ. Từ nhỏ, cháu luôn được giáo dưỡng trong một tinh thần tự do từ ba mẹ: được lên tiếng phát biểu, được đóng góp ý kiến, tham gia làm việc nhà, được khuyến khích làm những gì cháu muốn… Ba mẹ cháu cho cháu biết họ đặt niềm tin vào cháu nhưng cha mẹ vẫn sẽ có kiến giải riêng và có quyền nghi vấn nếu mọi sự chưa rõ ràng. Và anh chị luôn giữ lời hứa với con. Khi cô bé phàn nàn về chuyện ba mẹ quá nghiêm khắc trong một vài quy định sinh hoạt của gia đình, họ đã cùng trao đổi để điều chỉnh, chẳng hạn nới khung thời gian đi chơi tối tới 22h thay vì 20h, và cháu phải tôn trọng thời gian quy định này.

Anh chị tôi giải thích cho con về luật lệ gia đình, thẩm quyền cấm đoán một vài điều của cha mẹ. Đến một thời điểm, cháu có quyền lựa chọn quần áo, kiểu tóc, được ba mẹ tham khảo ý kiến về những việc chung: “Hè này con muốn cả nhà mình đi đâu?”, “Con thấy ba mẹ xếp đặt lại phòng khách thế này có ổn không?”, để con tự do phản biện về một sự bất công mà nó phải chịu đựng hay chứng kiến…

Theo năm tháng, cháu gái tôi trở thành một thanh niên tự tin, tự trọng và biết tôn trọng người khác. Điều khiến anh chị tôi hạnh phúc nhất là cháu tự mình lựa chọn học hành, quyết định nghề nghiệp, tỏ ra có bản lĩnh và chính kiến. “Ba mẹ gieo cho cháu sự tự tin, sự tự tin lại đem đến nhiều thứ nữa...” - cháu nói với tôi.

Khi thấy con trở nên chín chắn, chị tôi kể cho cháu nghe những nỗi khổ, thất bại của chính mình, những điều chị đang trăn trở tìm câu trả lời. Tôi nhận ra rằng đó là cách để con cái chúng ta nhận ra cha mẹ chúng không phải là ông thần bà thánh, cha mẹ cũng trải qua nhiều trường đoạn để thành người lớn.

Không nên độc hành

Thách thức trong “nghề” làm cha mẹ của chúng ta ở thời hiện đại này là phải học cách chuẩn bị tâm thế, dự phóng vào tương lai, biết đối diện với nguy cơ, biết thừa nhận và ý thức về sự kém cỏi hay không hoàn hảo của mình và biết tự vấn đúng mực với bản thân để tìm ra lời giải đáp cho chính mình và những đứa con.

Học lớn cùng con là một hành trình mà cha mẹ cũng cần được đồng hành thông qua sự giúp đỡ hay lời khuyên của người thân (ông bà, bác, chú cô), qua bạn bè, đồng nghiệp lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm. Nhưng nếu bạn thấy không có tác động gì lớn mà khó khăn chồng chất hơn thì bạn nên tìm đến khai vấn (coaching) cho bạn và con bạn. Và nếu quan hệ giữa vợ chồng bạn với nhau, giữa con và vợ chồng bạn trở nên căng thẳng, thậm chí độc hại, việc tiến hành trị liệu (therapy) cũng là một lựa chọn tốt.

Tôi cũng đang nỗ lực hằng ngày để lớn cùng con. Điều quan trọng không phải là nỗ lực biến chúng ta thành cha mẹ tinh thông và kỹ năng tốt, mà là cha mẹ ý thức về sự thiếu hụt của bản thân nhưng đầy lòng yêu thương và bao dung với con. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận