09/11/2016 08:22 GMT+7

Học lịch sử - địa lý như xem show diễn

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Đó là tiết học liên môn tích hợp sử - địa “Nhật Bản - sự trỗi dậy thần kỳ” do hai giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du (lịch sử) và Nguyễn Tấn Vũ Lê (địa lý) hướng dẫn cho học sinh lớp 11A4 và 11N (tiếng Nhật) Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) vào sáng 8-11.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong tiết dạy và học đổi mới sáng tạo liên môn tích hợp sử - địa - Ảnh: NHƯ HÙNG
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong tiết dạy và học đổi mới sáng tạo liên môn tích hợp sử - địa - Ảnh: NHƯ HÙNG

Bài học được thiết kế dưới dạng hai đội thi, dựa trên năm phần thi: giới thiệu về đất nước Nhật Bản, đối kháng, làm việc nhóm, khoa học kỹ thuật, văn hóa Nhật Bản.

Phần thi khoa học kỹ thuật khiến những người tham dự tiết học đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về sự sáng tạo, thành thục kỹ năng của học sinh. Clip giới thiệu về hành trình sáng tạo kỹ thuật người máy Asimo, cùng mô hình người máy này y như thật của lớp 11A4 làm người dự khán hết sức thú vị.

Còn lớp 11N làm cả hội trường vỡ bụng với clip về... giành mì ăn liền của nhau, do hai nam sinh của lớp này thủ vai. “Các bạn có biết mì ăn liền là sản phẩm từ gian khó của một hãng thực phẩm Nhật Bản hay không?” - nam sinh lớp 11N đã hỏi cả lớp...

Rồi buổi học chuyển sang phần nói về văn hóa Nhật Bản, lúc này học sinh của hai lớp biến thành những người mẫu thực sự. Những nữ sinh tóc vấn cao, mặc kimono đi guốc mộc, bên cạnh là những nam sinh mặc áo truyền thống của Nhật Bản...

“Từ thuyết trình, làm việc nhóm, trả lời câu hỏi, trình diễn, thuê trang phục... đều do học sinh tự lên kế hoạch và thực hiện. Quan trọng nhất là học sinh thấy vui thích và bị bài học hấp dẫn” - thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho biết.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên