15/10/2017 14:49 GMT+7

Học lái xe vì an toàn cho chính mình

TTO - Một số người nước ngoài có trải nghiệm lái xe ở Việt Nam nói về tác hại của việc dùng bằng lái giả.

Học lái xe vì an toàn cho chính mình - Ảnh 1.

Một thanh niên bị tai nạn do vượt đèn đỏ tại giao lộ Mai Chí Thọ - Trần Não (Q.2, TP.HCM) -

Ảnh: H.KHOA

* Ông John Owen (người Anh):

Xứ Anh cấp, thu hồi bằng lái rất nghiêm ngặt

Ở Anh, để có được giấy phép lái xe máy, người điều khiển phương tiện phải đủ 16 tuổi, đến năm 17 tuổi thì có thể thi lấy bằng lái ôtô. Những người muốn lấy bằng lái phải học một cuốn sách về luật giao thông, trong đó quy định những điều như đi vòng xoay như thế nào là đúng, dừng đèn đỏ, đi đường nào thì tốc độ nào, chỗ nào đậu xe được, chỗ nào không...

Dù là xe máy hay ôtô thì người muốn lấy bằng lái đều phải trải qua lớp tập lái. Hầu hết mọi người sẽ được học một buổi/tuần trong khoảng 20 tuần. Khi người hướng dẫn cảm thấy người học đã sẵn sàng, họ sẽ cho người đó tham gia thi lấy bằng lái.

Sau khi thi đậu và có được bằng lái, nếu người điều khiển xe bị bắt gặp sử dụng điện thoại khi lái xe hoặc vi phạm luật giao thông sẽ bị tước bằng trong một năm. Điều đó có nghĩa ngoài việc đóng tiền phạt, người vi phạm còn phải thi để lấy bằng lái lại. Hiện mức phạt cho hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe là 200 bảng Anh (hơn 6 triệu đồng) và bị đánh dấu 6 điểm trên bằng lái xe. Nếu bị đánh dấu 12 điểm trên bằng lái, người vi phạm sẽ bị tước bằng.

Sống ở Việt Nam gần một năm, tôi thấy rất nhiều người không tuân thủ Luật giao thông. Có rất nhiều người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay vượt xe khác bằng mọi cách. Mấy người lái ôtô thì làm như không biết xe của họ to cỡ nào, cứ lái y như đi xe máy, đang đi thích là dừng lại rồi quay đầu xe... Xe buýt thì phải chạy làn trong, đến khi cần đón, trả khách cứ tấp vào lề. Sao không cho xe buýt chạy làn ngoài bên phải? Tôi nghĩ có thể dẹp mấy ôtô đậu trên đường lớn để lấy chỗ làm đường cho xe buýt chạy.

Một điều tôi thấy mừng vì luật ở Việt Nam quy định người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, nhưng theo tôi phải là loại mũ chất lượng thì mới hiệu quả, chứ đội đối phó như nhiều người chẳng có tác dụng gì. Tôi từng bị tai nạn một lần vì người chạy xe máy phía trước bị rơi mũ bảo hiểm vào ngay bánh xe tôi, may là lúc đó đường không đông. Tôi cũng từng thấy có gia đình chở nhau bằng xe máy, cha mẹ có đội mũ bảo hiểm nhưng đứa con thì không. Sao không nghĩ đến sự an nguy của con mình?

* Ông Dave Martin (người Úc):

Sao chỉ chấp hành luật khi có CSGT?

Ở Úc rất hiếm khi có chuyện sử dụng bằng lái xe giả, và bằng lái ở Úc cũng rất khó làm giả. Ở VN, chuyện sử dụng bằng lái xe giả, hoặc chỉ thi một cách đối phó để lấy bằng lái rõ ràng là không tốt. Còn một chuyện cũng thật tệ là rất nhiều người có bằng lái xe hợp lệ nhưng vẫn xem thường luật giao thông.

Sống ở Việt Nam hơn hai năm, tôi thấy nhiều người không chấp hành luật giao thông, trừ khi có cảnh sát giao thông. Tôi từng thấy nhiều người lái xe ngược chiều, không chịu bật đèn xinhan hoặc bật rồi quẹo xong lại không tắt, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, vượt đèn đỏ, lái xe khi có hơi men, vừa chạy hàng hai hàng ba vừa nói chuyện, đang lái xe đột ngột tấp vào lề hay nhào ra từ trong hẻm mà không quan sát xe cộ...

Bên cạnh đó, nhiều người lớn không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, hay đội mà không cài dây - chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông. Ngoài ra, ở Việt Nam rất ít người thắt dây an toàn khi ngồi xe hơi, thậm chí trên những chuyến xe khách đường dài cũng không dùng dây an toàn.

“Tôi cho rằng việc xử phạt giao thông tại Việt Nam chưa đủ nghiêm khắc và người thi hành luật cũng còn bỏ qua nhiều trường hợp, thậm chí họ còn nhũng nhiễu người vi phạm. Ngày nào tình trạng này còn chưa được khắc phục, ngày đó tình hình giao thông và ý thức của người dân vẫn còn chưa được cải thiện

Ông Albert Braddock

* Ông Albert Braddock (người Mỹ):

Chạy ẩu là tai họa cho người xung quanh

Tôi đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 12 năm, và số lần bị tai nạn giao thông cũng không ít vì những lý do rất khó chấp nhận. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên bị ngã xe là khi đang đi cùng người đồng nghiệp thì bất thình lình một chàng trai trên 20 tuổi vượt lên bên phải và máng vào xe tôi. Một lần khác, chúng tôi đang đi xe hơi thì một phụ nữ chạy xe máy đột ngột rẽ trái mà không có đèn báo hiệu khiến xe tôi phải thắng gấp. Những tình huống lái xe dở khóc dở cười này xảy ra rất thường xuyên tại Việt Nam. Tôi từng nghe một đồng nghiệp kể về câu chuyện anh ấy thi lấy bằng lái xe bốn bánh, về cách anh ấy học "mẹo" từng câu, chữ và "lót tay" trước cho cán bộ coi thi để qua "ải" dễ dàng hơn.

Bằng lái xe không chỉ là tấm giấy thông hành trên đường mà còn liên quan trực tiếp đến mạng sống của bạn, người thân và nhiều người khác. Tại Mỹ và rất nhiều quốc gia tiên tiến khác, quy trình thi lấy bằng lái xe rất chặt chẽ. Ngoài việc được giáo dục ý thức về an toàn giao thông ngay từ thời còn đi học, chúng tôi còn phải trải qua các bài thi sát hạch nghiêm ngặt và tuân thủ một số quy định để được cấp bằng lái xe chính thức.

Tùy theo tiểu bang mà độ tuổi bắt đầu học lái xe có thể thay đổi, nhưng thường là từ 14-17 tuổi. Người ở độ tuổi này bắt buộc sẽ phải tham gia học lái xe ở trường cấp III hoặc tại một trường dạy lái xe chuyên nghiệp. Nhưng trong độ tuổi này, họ chỉ được cấp bằng gọi là Restricted License hoặc Provisional License. Tức là vẫn được lái xe nhưng bị cấm một số điều như: không được lái xe trong thời gian từ khoảng nửa đêm đến 5 giờ sáng, không chở hành khách dưới 21 tuổi...

Sau đó, người đủ 18 tuổi và đạt các yêu cầu như đạt số giờ lái từ 30-50 giờ, không lái xe trong thời gian từ khoảng nửa đêm đến 5 giờ sáng, không chở hành khách dưới 21 tuổi, không uống rượu bia khi đang lái xe... để được cấp bằng lái chính thức. Vi phạm luật giao thông tại Mỹ cũng bị xử phạt rất nghiêm khắc. Nếu vi phạm trong thời gian đang chờ lấy bằng lái, bạn có thể bị phạt nặng hơn gấp nhiều lần.

BÌNH MINH ghi

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên