Vận động cơ thể hợp lý, ăn uống điều độ vẫn có thể giảm cân - Ảnh: T.T.D. |
Chị M.L. (TP.HCM) chia sẻ trước đây chị 62kg, chị ăn kiêng theo thực đơn giảm cân siêu tốc trên một trang mạng do một cô gái xinh đẹp tư vấn, sau đó bệnh bê bết luôn.
2 tháng giảm 14kg
"Cô ấy chia sẻ rằng trước đây cô 65kg, nhưng sau khi ăn kiêng vài tháng với phương pháp không ăn chất bột, cô chỉ còn 45kg. Tôi ăn theo cách đó, chỉ trong 2 tháng tôi giảm đến 14kg, chỉ còn 48kg. Tuy nhiên, đến tháng thứ 3 tôi bị kiệt sức, cảm sốt liên tục, hệ miễn dịch có vấn đề, dạ dày bị xung huyết, rối loạn tiêu hóa. Một tháng tôi đau hết 3 tuần" - chị L. kể.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc giảm quá nhiều cân trong thời gian quá ngắn sẽ gây những tác động xấu không chỉ về mặt thể chất, tinh thần. Nhiều người bị tăng cân ngay sau khi ngưng. Nguy hiểm hơn, có người bị mất sức đề kháng, hệ miễn dịch kém, giảm sức khỏe, đau ốm thường xuyên.
Hiệu ứng yoyo, giảm cân thành... tăng cân
BS CKI Đào Thị Yến Thủy, cố vấn cao cấp dinh dưỡng ở một bệnh viện, chia sẻ việc giảm 10-15kg trong vòng 1-2 tháng là giảm quá nhanh và có thể gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe như hạ đường huyết dẫn đến ngất xỉu, mệt mỏi không thể đi lại hoặc làm việc được, cảm cúm, viêm họng, giảm sức đề kháng...
Ngoài ra, ăn uống kiêng khem không cân đối còn có thể gây thiếu máu, khô da, rụng tóc...
Đặc biệt, khi giảm cân với tốc độ quá nhanh, người giảm cân thường bị hiệu ứng yoyo, tức là bị béo lên nhanh chóng sau khi giảm cân cấp tốc.
Lý giải về điều này, BS Yến Thủy cho biết khi giảm cân nhanh, cơ thể bị ép nhịn đói quá mức dẫn đến việc giảm chuyển hóa trao đổi chất để tiết kiệm năng lượng. Do đó, khi ăn trở lại, lượng năng lượng nạp vào dù ít vẫn nhiều hơn năng lượng tiêu hao từ quá trình trao đổi chất đã chậm chạp của cơ thể.
Khi nhịn đói quá mức làm hạ đường huyết, bản năng sinh tồn sẽ tạo cảm giác đói lả và người vừa giảm cân sẽ ăn vào rất nhanh, rất nhiều mà lý trí không thể kiểm soát. Hậu quả là sau khi giảm cân đột ngột thì cũng tăng cân trở lại nhanh chóng.
Chỉ nên giảm 0,5-1kg/tuần
Theo các bác sĩ, để an toàn cho sức khỏe và công việc, chỉ nên giảm từ 0,5-1 kg/tuần, trừ những trường hợp béo phì nặng, ảnh hưởng đến hô hấp và di chuyển thì cần nhập viện để áp dụng chế độ giảm cân nhanh. Trong số các phương pháp giảm cân được chia sẻ hiện nay, nhiều bạn chọn giải pháp giảm cân bằng cách cắt hoàn toàn tinh bột trong khẩu phần ăn của mình và ăn theo các thực đơn được chia sẻ trên mạng.
Chị T.N. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mình không ăn tinh bột như cơm, bánh mì, bún... trong vòng 2 tháng và giảm được 3kg. Tuy nhiên khi ăn lại tinh bột, dù ăn có chừng mực nhưng chị vẫn tăng đến 5kg trong vòng 1 tháng. “Trước khi giảm cân mình 56kg, giảm xuống còn 53kg, để rồi lên lại đến 58kg. Coi như giảm cân mà thành ra tăng cân”, chị N. tâm sự.
Theo BS Yến Thủy, cách giảm cân đúng là không nên cắt hoàn toàn tinh bột trong toàn bộ thời gian dài vì tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng sạch, cung cấp từ 50-65% tổng năng lượng cho cơ thể. Đây là nguồn cung cấp chất đường cho hoạt động của não, cơ và các tế bào của cơ thể nên không thể cắt bỏ trong nhiều ngày. Cắt hoàn toàn tinh bột trong khẩu phần ăn có thể gây hạ đường huyết, ngất xỉu, dẫn đến tai nạn nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Coi chừng đau dạ dày Nếu giảm cân bằng cách nhịn đói, bỏ bữa trong vòng 1 tháng là có thể dẫn đến nguy cơ bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Có thể sau khi xuống cân, người bệnh sẽ bị gầy yếu, mất cảm giác ăn, dẫn đến việc dù muốn vẫn không thấy ngon miệng khi ăn. Chưa kể những cơn đau viêm loét dạ dày hành hạ, làm giảm chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc... |
Cẩn thận thông tin trên mạng “Nhiều thông tin trên mạng không chính xác. Nên tham khảo các trang web tin cậy và lắng nghe, theo dõi những phản ứng của cơ thể mình để mọi việc không đi xa đến chỗ nguy hiểm cho sức khỏe bản thân. Cần giảm cân từ từ bằng chế độ ăn giảm năng lượng hợp lý: ít bột đường, đủ đạm, ít béo, nhiều rau và trái cây ít ngọt. Bên cạnh đó cần ăn đủ bữa, phối hợp tập thể dục để tăng cường trao đổi chất cơ thể”, BS Yến Thủy khuyên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận