23/11/2015 13:47 GMT+7

Học giả Trung Quốc ngụy thuyết về đảo nhân tạo trên Biển Đông

TRẦN PHƯƠNG - MINH TRUNG
TRẦN PHƯƠNG - MINH TRUNG

TTO - Hội thảo quốc tế về biển Đông lần VII khai mạc sáng 23-11 tại Vũng Tàu giữa bối cảnh khu vực và thế giới đang căng thẳng theo dõi những động thái của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu khai mạc hội nghị

Bắc Kinh làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông

“Năm 2015, Biển Đông không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn, đe dọa sự an nguy của một trong những huyết mạch giao thông quan trọng hàng đầu trên biển của thế giới; đe dọa tính mạng và công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân đánh bắt ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông hàng nghìn năm qua, đe dọa sự ổn định, an ninh và phát triển của cả khu vực”, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định mở đầu hội thảo.

Biển Đông đang là chủ đề được các nhà lãnh đạo thế giới dành sự quan tâm đặc biệt trong những ngày gần đây bắt đầu với Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao ASEAN và mới nhất là Hội nghị Đông Á (EAS).

Hội nghị biển Đông lần VII diễn ra trong bầu không khí vô cùng khẩn trương với mong muốn chia sẻ sự hiểu biết giữa các bên có tiếng nói, quyền lợi trong tranh chấp cũng như những quốc gia có cùng mong ước hòa bình và ổn định.

GS. Brahma Chellaney (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ) cho rằng những thách thức hàng hải quốc tế đang bị biến đổi bởi những thực tế địa chính trị, sự xuất hiện của những mối đe dọa mới và sự thay đổi trong giao thương tại các thị trường năng lượng.

“Gốc rễ của những căng thẳng gần đây thường xuất phát từ sự thay đổi đơn phương thực trạng hàng hải và lãnh thổ”, ông Chellaney ám chỉ Trung Quốc.

Căng thẳng trên biển Đông gần đây đã có những bước leo thang với việc Mỹ gửi tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược đến Trường Sa, trong khi Trung Quốc cho đó là một thách thức và khẳng định sẽ không dừng việc xây dựng các công trình quân sự, dân sự trên các đảo nhân tạo.

Hành động của Bắc Kinh đang dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng nguyên trạng trên biển Đông.

Lập luận ngụy biện của Trung Quốc

Bên cạnh những ý kiến khách quan của các học giả quốc tế, hội nghị đặc biệt quan tâm đến phần trình bày quan điểm của các học giả Trung Quốc, những người có tiếng nói nhất định góp phần định hình chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

TS. Thẩm Đinh Lập, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế (Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) nói rằng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc với sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới tăng gấp nhiều lần. Có những tác động từ Trung Quốc mà nhiều nước không mong muốn, như điều đang xảy ra ở Biển Đông.

Trước hết, đại biểu Trung Quốc biện giải rằng Công ước liên hiệp quốc về luật biển UNCLOS quy định về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển chỉ đơn thuần là quyền kinh tế và không có ý nghĩa về mặt chủ quyền.

Về vấn đề xây dựng đảo trên Biển Đông, ông Thẩm nói rằng thế giới lên án Trung Quốc đang phạm luật nhưng “những người bạn của chúng tôi” cũng đang phạm luật. Ông Thẩm lấp liếm rằng Việt Nam, Philippines… cũng có nhiều tiền đồn trên Biển Đông.

“Trung Quốc xây dựng muộn hơn nhưng chỉ là làm nhanh hơn” - ông Thẩm lập luận.

Ông thừa nhận Trung Quốc và Việt Nam có những đụng độ trong thời gian qua nhưng các đụng độ mang tính chất khác nhau và cần những đàm phán song phương.

Ông này cho rằng đàm phán song phương là điều quan trọng để hiểu nhau trước khi bắt đầu đàm phán đa phương. Đại biểu Trung Quốc cũng lập luận rằng sự nhượng bộ phải đến từ hai bên, không thể chỉ có một bên nhượng bộ.

 “Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố Trung Quốc không bao giờ theo đuổi bá quyền ngoại trừ nhu cầu hạn chế về quốc phòng” - ông Thẩm khẳng định. 

TRẦN PHƯƠNG - MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên