19/08/2015 11:25 GMT+7

Học giả - bằng thật

MINH GIẢNG -  NGUYỄN PHƯƠNG (minhgiang@tuoitre.com.vn)
MINH GIẢNG - NGUYỄN PHƯƠNG ([email protected])

TT - Học không nghiêm túc nhưng vẫn có bằng thật, tất cả chỉ nhờ có tiền thông qua “dịch vụ” học thuê, thi hộ.

Cán bộ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lập danh sách sinh viên thi hộ, nhờ thi hộ và tổ chức thi hộ để chuyển hồ sơ qua công an. Có những kỳ thi trường này phát hiện tới 30 trường hợp thi hộ. - Ảnh: Thuận Thắng

Chỉ mất một ít tiền là có người đi học giùm, mất thêm một ít tiền nữa có ngay người đi thi giùm. Chuyện học thuê, thi hộ (học giả, thi giả) đã hợp pháp hóa cho những người không cần học hoặc học không đến nơi đến chốn vẫn có được tấm bằng thật 100%.

Chỉ cần khoảng 2 triệu đồng, một sinh viên không cần học và thi nhưng vẫn đảm bảo có điểm đậu môn học nhờ dịch vụ học thuê, thi hộ nhan nhản hiện nay. 

Học thuê đắt sô

“Mình học ĐH liên thông, hiện đang có con nhỏ nên đi học khó quá. Mình cần bạn học giúp hai môn xác suất thống kê và quy hoạch tuyến tính...”. Đây là một trong những mẩu thông tin “việc tìm người, người tìm việc” trên các trang chuyên về học thuê, thi thuê hiện nay.

Trên mạng còn có hẳn những diễn đàn chuyên cung cấp và đăng thông tin về dịch vụ này, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Dịch vụ này đắt hàng đến nỗi khi chúng tôi vào một diễn đàn, đăng thông tin cần tìm người học thuê thì chỉ trong vòng một giờ đã có gần chục cuộc gọi đề nghị học thuê từ vài môn đến học suốt cả học kỳ, kèm luôn thi hộ.

Những người “nhận học thuê” trên một số diễn đàn cho biết giá cả học thuê cũng tùy từng đối tượng nhưng mặt bằng dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/buổi. 

Liên lạc với người tên T. trên một diễn đàn chuyên về học thuê tại TP.HCM để yêu cầu học thuê và thi hết môn giúp, T. yêu cầu chúng tôi cung cấp lịch học “để xem có thể sắp xếp được không vì hiện tại cũng đang đi học cho nhiều người khác”. Sau khi xem xét, T. nhận học thay với giá 110.000 đồng/buổi với ba tiết học, tuần học hai buổi. 

Thẻ sinh viên giả để học thuê, thi hộ - Ảnh: Thuận Thắng
Thẻ sinh viên giả để học thuê, thi hộ - Ảnh: Thuận Thắng

Khi chúng tôi đăng thông tin nhận học thuê trên một diễn đàn, trong một buổi sáng đã có chín cuộc gọi lẫn tin nhắn đến nhờ “học giùm, thi giùm”. Nhiều người biết rõ mình không có thời gian nhưng vẫn đăng ký học nên đã kiếm người học thế cho mình. 

T.T.H.T., học viên Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.1, TP.HCM, thuê người khác học thay mình hết cả học kỳ với lý do: “Chị có con nhỏ, ban ngày đi làm, tối lại đi học nữa thì không có thời gian chăm con. Để nó ở nhà sốt ruột lắm”. Về giá cả, T. nói đã thuê “một con bé học buổi sáng từ 7g - 11g, chỉ 80.000 đồng”. 

Nhiều người cần người học thuê và thi hộ luôn trong khi một số chỉ cần người đi học để điểm danh. Bên cạnh đó, khi thỏa thuận học thuê, một số người yêu cầu phải chép bài đầy đủ trong khi không ít người chỉ cần điểm danh để lấy điểm chuyên cần.

N.Q.C., sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM), cho biết: “Bạn mình nhờ mình đi học cho một chị ở trường. Mình là sinh viên trong trường nên cứ coi như mình đi học bình thường thôi. Mình còn gặp bạn mình nữa, cũng đi điểm danh hộ. Chuyện này trong trường mình không hiếm”.

Sau nhiều cuộc điện thoại đề nghị học thuê, M. nhận lời học thuê môn y học quân sự cho V.T., sinh viên hệ vừa làm vừa học ngành vật lý trị liệu của Trường ĐH Y dược TP.HCM. V.T. kiếm người học thế cho mình vài ba buổi do “bận việc gia đình”. 

Khi vào trường, M. được nhóm bạn của V.T. dẫn vào tận lớp học trên tầng 7. Lớp học khoảng 300 sinh viên, ngồi theo tổ. Khi M. vào, các thành viên trong tổ đã biết ngay là người đi học giùm. Một phụ nữ trung niên (phụ trách điểm danh thay tổ trưởng) cầm tờ giấy điểm danh hỏi M. học giùm cho ai rồi đánh dấu lại. Trong lớp học, M. chỉ việc ngồi chơi game hoặc ngủ đến hết buổi rồi xách cặp đi về. Lớp đông nên giảng viên cũng không để ý, nhắc nhở gì.

Trong một lớp học có một số người học thuê. Có người ngủ ngay trong giờ học - Ảnh: Phương Nguyễn
Trong một lớp học có một số người học thuê. Có người ngủ ngay trong giờ học - Ảnh: Phương Nguyễn

Thi hộ, bảo đảm đậu?

Việc thuê học khá đơn giản và chi phí cũng thấp hơn, trong khi thi hộ giá tiền cao hơn và đòi hỏi phải công phu hơn. Chúng tôi đã liên lạc với nhiều người chuyên thi hộ và khá bất ngờ với sự chuyên nghiệp của họ. Thậm chí, giá thi hộ cũng có thể “kỳ kèo bớt một thêm hai”. Các thông tin tìm người thi hộ, người nhận thi hộ nhan nhản trên nhiều diễn đàn.

“Cần một nữ thi giữa kỳ toán cao cấp (giải tích) ở Trường ĐH Kinh tế vào thứ sáu tuần này...”, “Mình cần tuyển bạn nữ ngành kế toán thi giùm môn phân tích báo cáo tài chính. Phải đảm bảo được 5 điểm trở lên (chắc chắn giùm vì có bạn từng thi rớt rồi). Mình đưa đầy đủ tài liệu cho các bạn ôn”... Những thông tin này đăng lên một diễn đàn học thuê chưa lâu nhưng khi chúng tôi liên hệ đã có người nhanh chân “xí phần”.

“Bạn cần điểm bao nhiêu, trường nào, khi nào thi, bạn trả bao nhiêu...?” - một người thi hộ đưa ra hàng loạt câu hỏi khi chúng tôi đặt vấn đề nhờ thi hộ môn xác suất thống kê ở một trường ĐH. Sau khi được cung cấp thông tin, người này cho biết: “Làm bài kiểm tra giữa kỳ là 400.000 đồng/môn và phải đưa trước khi kiểm tra. Tiền làm bài thi cuối kỳ là 800.000 đồng/môn, đưa một nửa trước khi thi, khi có kết quả sẽ đưa hết số còn lại”. Chúng tôi băn khoăn cần phải đảm bảo điểm đậu vì đã là học kỳ cuối, người này trấn an: “Mình đã thi nhiều về môn này, đảm bảo qua cho bạn, nếu không uy tín thì không làm. Mình nhận tiền của bạn nghĩa là bạn đã giao trách nhiệm cho mình và mình phải làm để xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra chứ. Bạn cứ yên tâm!”.

“Mình cần một bạn thi Anh văn cơ bản A1, A2, A3. Mỗi môn thi 45 phút. Tiền công mỗi môn đạt 5 điểm là 150.000 đồng. Nếu mỗi môn đạt 7 điểm là 200.000 đồng. Thi tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng...”, một người rao trên diễn đàn. Ngay lập tức, một bạn nữ trả lời: “Nam hay nữ vậy bạn? Anh trai mình sắp tốt nghiệp chuyên ngành Anh văn. Điểm thi đảm bảo tốt cho bạn nhưng giá này thì không ổn xíu nào. Nếu tăng lên được thì bạn liên hệ mình”. 

Chúng tôi đã liên hệ với người rao tin này và nhận được mối vì “nhiều người chê giá mình đưa ra thấp nên không nhận lời”. Người này cho biết đề thi khá dễ, chỉ cần qua môn là được. Sau khi chúng tôi đồng ý giá 400.000 đồng cho ba môn thi, người này lập tức yêu cầu chúng tôi gửi một hình thẻ để làm thẻ sinh viên. Chúng tôi băn khoăn vì sao phải làm thẻ thì người này cho biết “phải làm thẻ giả, nếu sử dụng thẻ của mình giám thị phát hiện thì chết!”.

Học chính trị cũng tìm người học thuê

Một học viên tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị Q.1, TP.HCM chia sẻ: “Chị cũng mới biết dịch vụ này thôi. Nghe mấy đứa trong lớp nói nên biết. Lớp buổi sáng có nhiều người thuê học giùm nhưng ngắn hạn à, bận đột xuất mới cần. Chứ lớp ban đêm, mấy người thai sản cần học dài, con lại còn nhỏ. Cơ quan cho nghỉ ban ngày để đi học nhưng lúc sinh thì nợ môn nên phải kiếm lớp tối để học trả nợ cho kịp tốt nghiệp. Không sắp thi tốt nghiệp thì bọn chị đâu có cần thuê học”.

Học thuê, thi hộ là hành vi vi phạm pháp luật

Điều 88 Luật giáo dục quy định một trong những hành vi người học không được làm là “gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh”. Điều 13 trong nghị định 138 của Chính phủ năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng đã quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác.

Ngoài ra, nếu các đối tượng thuê và được thuê học hộ, thi hộ là học sinh, sinh viên của các trường ĐH, CĐ, TCCN thì phải chịu các hình thức kỷ luật theo quy chế học sinh, sinh viên của Bộ GD-ĐT ban hành và quy định của nhà trường.

Phân tích của chuyên gia

Không cảm thấy “học giả - bằng thật” là đáng xấu hổ ?

TS Phạm Thị Ly - Ảnh: M.Giảng

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thực trạng này, TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) cho rằng: Bằng cấp trở thành điều kiện hầu như không thể thiếu cho mọi vị trí việc làm. Nhưng điều đáng suy nghĩ là bằng cấp được xem là điều kiện cần cho công việc không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi nơi trên thế giới. Áp lực học hành đè nặng lên tuổi trẻ từ Đông sang Tây, nhất là ở châu Á. Nhưng có rất ít quốc gia mà việc học thuê, thi hộ trở thành hiện tượng phổ biến. 

Vì sao vậy? Theo tôi, có ít nhất ba lý do: hệ thống luật pháp trừng phạt nặng sự gian dối nói chung khiến người ta phải tính tới hậu quả việc mình làm, và nếu để lại một vết nhơ như thế trong lý lịch tư pháp e là gột rửa cũng khó khăn; văn hóa coi trọng sự trung thực và liêm sỉ khiến ít ai nghĩ tới giải pháp học thuê, thi hộ và quan trọng nhất: bằng cấp là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Nếu có bằng mà không có kiến thức và năng lực, ba bảy hai mốt ngày cũng chắc chắn bị sa thải.

Ở Việt Nam thì sao? Chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã phát biểu rằng bằng giả, bằng dỏm, bằng thật nhưng học giả chỉ có thể chui vào làm trong các cơ quan nhà nước. Khi điều tốt bị ném đá, điều xấu trở thành bình thường, dần dần người ta không còn cảm thấy học giả - bằng thật là đáng xấu hổ nữa.

Nói đi thì nói lại, cũng vì cho dù có đi học thật và thi thật thì người học cũng không thụ đắc được bao nhiêu kiến thức thật sự hữu ích, những thứ khiến họ trở nên khác hẳn với những người không được học. Chính vì không đánh giá cao học vấn đại học nên người ta mới sinh ra lối đối phó như thế. Nói cho cùng, nếu người ta không thể phân biệt được một người có đi học và đi thi thật với một người có bằng nhờ học thuê thi hộ, thông qua cách suy nghĩ và làm việc của họ, thì liệu có đáng phải mất thời giờ mà đi học hay không?

Xưa nay bằng cấp vẫn được coi là bảo chứng cho trình độ. Nếu học thuê, thi hộ trở thành phổ biến thì ý nghĩa bảo chứng này sẽ mất sạch. Hệ quả là xã hội trở thành loạn chuẩn, bảng giá trị trở thành méo mó, thật giả lẫn lộn khó phân. Nó bào mòn động lực học tập, trau dồi của thanh thiếu niên và làm cho những nỗ lực cải cách chất lượng giáo dục thành ra vô cùng khó khăn.

Nhà trường phải nghiêm ngặt trong việc này. Cần phải thay đổi cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên, đánh giá qua tiến trình, qua sự tham gia các hoạt động trải nghiệm và làm việc nhóm của người học thay vì chỉ dựa vào bài làm trong một kỳ thi hết môn. Tuy vai trò của nhà trường có ý nghĩa trực tiếp, nhưng cái gốc vấn đề vẫn là thái độ của xã hội đối với bằng cấp và học vấn. Chừng nào bằng cấp chỉ là điều kiện cần, chừng nào người có bằng có được những phẩm chất và năng lực mà những người không đi học không có được thì học thuê, thi hộ sẽ hết đất sống.

Chỉ 100.000 đồng, có ngay thẻ sinh viên giả

Những mẫu thẻ và thẻ sinh viên giả đã hoàn chỉnh của một người chuyên làm thẻ giả - Ảnh: M.Giảng

Khi thi hết môn, hầu hết các trường chỉ kiểm tra thẻ sinh viên và đây là sơ hở để những người thi hộ dễ dàng qua mặt.

Thực tế việc làm giả một thẻ sinh viên vô cùng đơn giản. Lấy lý do cần người thi hộ nhưng không biết chỗ nào làm thẻ sinh viên giả tại TP.HCM, chúng tôi đã đăng lời “cầu cứu” trên một diễn đàn chuyên về học thuê và ngay lập tức được những người trong diễn đàn này “chỉ điểm”. Có hai địa điểm được đưa ra đó là tiệm photocopy trước Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và một điểm trước Trường CĐ Điện lực TP.HCM.

Chiều 16-7, chúng tôi đến tiệm photocopy kiêm bán bảo hiểm xe máy nằm đối diện Trường CĐ Điện lực TP.HCM. Bên trong tiệm bài trí đơn giản như bất kỳ một tiệm photocopy bình thường nào, gồm một dàn máy tính, máy photocopy và tủ đựng giấy tờ hồ sơ. Trong tiệm có năm người, một phụ nữ đứng quầy, một thanh niên đứng không làm gì, một thanh niên khác ngồi trước dàn máy tính và hai khách ngồi chờ.

Thấy tôi bước vào tiệm mà không hỏi mua bảo hiểm hay photo gì, thanh niên đứng ngoài cửa liền chỉ tôi vào trong nói chuyện với người thanh niên đang ngồi bấm máy tính, mở nhạc ầm ĩ. Nhìn vào màn hình máy tính, thấy anh ta đang chăm chú chỉnh sửa một tấm card hình chữ nhật có mã vạch.

Hỏi anh ta có làm thẻ sinh viên không, anh ta hỏi lại ngay, mắt không rời khỏi màn hình: “Trường gì?”. Tôi nói tên trường, anh ta liền hỏi tiếp: “Em làm mất thẻ, làm thẻ mới hay là sao? Làm thay tên đổi họ à? Thẻ trường em là thẻ gì?”. Khi tôi nói thẻ cứng, anh ta liền tỏ ra am hiểu và ra giá luôn: “Thẻ giống ATM chứ gì? 

Những mẫu thẻ và thẻ sinh viên giả đã hoàn chỉnh của một người chuyên làm thẻ giả - Ảnh: M.Giảng

Năm mươi nghìn”.

Đưa cho người thanh niên này một thẻ sinh viên không tích hợp thẻ ATM và hỏi giá, anh ta cầm lên xem xét hồi lâu rồi nói: “Năm mươi nghìn. Nhưng mà anh nói trước, chất liệu nó như thế này, em phải có cho anh một cái thẻ cũ, anh scan một lớp khác chồng lên cái thẻ đó. Còn nội dung thì cứ theo em yêu cầu”. Khi thắc mắc về mức độ giống nhau giữa thẻ thật và thẻ giả, anh ta liền nói giọng bất cần: “Nếu không được thì thôi anh không làm”.

Thấy tôi có vẻ tha thiết muốn làm, anh ta mới trấn an rằng không ai biết đâu và dặn hôm sau quay lại làm thẻ nhớ mang theo một tấm hình của người muốn làm thẻ.

Các dịch vụ làm thẻ giả “từ xa” cũng rất rầm rộ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội với giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng, bao gồm cả tiền chuyển phát nhanh đến địa chỉ người nhận. Trên các diễn đàn này, hàng loạt hình ảnh về thẻ sinh viên giả của các trường từ Bắc chí Nam được đưa lên để minh chứng cho cam kết của những người làm thẻ. 

Với yêu cầu làm thẻ sinh viên giả để nhờ người thi hộ, chúng tôi liên hệ với một số người chuyên làm thẻ giả tại Hà Nội và nhanh chóng được xác nhận sẽ nhận được thẻ trong vòng 3 - 5 ngày.

Sau khi hỏi thông tin về tên trường, loại thẻ (nhựa hay giấy, có mã vạch hay không, có tích hợp thẻ ngân hàng hay không, mã vạch chỉ để xem hay quét...), một người làm thẻ “tư vấn”: nếu gửi ngay thông tin thì bốn ngày sau sẽ nhận được thẻ.

Anh này nói thêm: “Phí làm thẻ là 250.000 đồng bao gồm phí 50.000 đồng chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM. Bạn cần scan lại hai mặt thẻ và gửi kèm ảnh của người muốn đưa vào thẻ. Thẻ sinh viên sẽ làm y như thật. Nếu cần làm mã vạch để quét vẫn được, đảm bảo khi đưa vào máy sẽ hiện ra như thẻ thật!”.

Những trường hợp thi thuê, thi hộ đình đám

Thông tin học thuê thi hộ nhan nhản trên các diễn đàn, mạng xã hội

 

* Chủ tịch xã nhờ người thi hộ 14 môn

Trong những năm gần đây, các trường ĐH, cơ quan công an liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp nhờ người thi hộ, trong đó có các cán bộ quản lý nhà nước. Cuối tháng 7-2015, ông Đặng Bá Sướng - chủ tịch UBND xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) - bị Viện ĐH Mở Hà Nội buộc thôi học (cử nhân luật, hệ từ xa) vì vi phạm quy định, quy chế về đào tạo và công tác học sinh, sinh viên. Theo điều tra ban đầu, ba năm qua hàng chục thí sinh khác nhau, kém ông Sướng trên dưới 20 tuổi vẫn thường xuyên đi thi hộ cho ông 14/24 môn.

* Trưởng phòng nhờ người thi hộ môn “kỹ năng lãnh đạo quản lý”

Đầu năm 2015, Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện ông Trần Hoàng Lộc, trưởng phòng thanh tra thủy sản - Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhờ người khác thi hộ môn “kỹ năng lãnh đạo quản lý”. Quá trình thi, giáo viên chủ nhiệm phát hiện sự việc, báo cáo với lãnh đạo trường và lập biên bản. Người thi giùm khai tên Thái Văn Nam.

* Một phòng thi 24 người bị bắt quả tang thi hộ

Cuối năm 2014, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bắt quả tang ngay tại phòng thi 24 người thi hộ cho sinh viên của trường. Những người này đã sử dụng thẻ sinh viên giả được làm như thật để qua mặt cán bộ coi thi. 24 sinh viên nhờ người thi hộ sau đó bị trường kỷ luật đình chỉ học tập một năm.

Theoo ông Nguyễn Quốc Bảo - trưởng phòng thanh tra - pháp chế - an ninh Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thẻ sinh viên của trường làm bằng nhựa có in hình sinh viên và mã vạch. Những người thi hộ đã làm giả thẻ sinh viên giống y hệt, nếu không có thông tin từ trước và tổ chức kiểm tra các thông tin liên quan thì cán bộ coi thi sẽ khó có thể phát hiện đây là thẻ sinh viên giả. 

* Thuê người huấn luyện cho sinh viên thi thuê

Tháng 9-2012, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai từng xét xử các đối tượng trong đường dây thi thuê gây rúng động trên địa bàn Đồng Nai. Tòa đã tuyên phạt hai bị cáo Trần Quang Hưng (sinh năm 1985) 30 tháng tù và Đỗ Trần Lê Sơn (sinh năm 1984, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai) 18 tháng tù giam về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo cáo trạng, từ một buổi thi TOEIC ở Trường ĐH Lạc Hồng, giám thị đã phát hiện sinh viên của trường thi hộ nên bắt giữ chuyển cơ quan điều tra. Tiếp đó, cơ quan an ninh điều tra vào cuộc đã điều tra ra Đỗ Trần Lê Sơn (giám đốc Trung tâm ngoại ngữ - tin học IVT, P.Bửu Long, TP Biên Hòa) và Trần Quang Hưng đều là cựu sinh viên của Trường ĐH Lạc Hồng.

Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định từ năm 2009 đến tháng 10-2011, Hưng đã làm giả 5 bằng ĐH, 93 giấy chứng nhận tốt nghiệp ĐH tạm thời, hơn 30 bảng điểm ĐH, 51 bảng điểm thi Toeic... thu lợi bất chính 148,6 triệu đồng.

Đỗ Trần Lê Sơn tập hợp sinh viên có nhu cầu lấy chứng chỉ TOEIC và cam kết thi đậu với giá 4 triệu đồng/người, đồng thời thuê người huấn luyện cho các sinh viên nhận biết ký hiệu trong phòng thi. Sơn đã làm giả 10 giấy chứng minh nhân dân cho những người nhờ đi thi hộ bằng Toeic, làm giả con dấu của Trung tâm quan hệ quốc tế (ĐH Lạc Hồng) thu lợi bất chính gần 56 triệu đồng.

MINH GIẢNG - HÀ MI

 

MINH GIẢNG - NGUYỄN PHƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên