TP.HCM có khoảng 96.000 thí sinh dự thi lớp 10. Nhưng các trường THPT công lập trên địa bàn TP chỉ tuyển 70% trong số này.
Như vậy, ngã rẽ nào cho khoảng 20.000 học sinh không vào được trường công lập trong năm nay?
Miễn học phí học nghề
ThS Nguyễn Quốc Thệ - hiệu trưởng Trường trung cấp Y Dược Vạn Hạnh (TP.HCM) - cho rằng dù đang dần có sự tích cực về tâm lý của phụ huynh với việc chuyển hướng vừa học văn hóa, vừa học nghề sau lớp 9 (hay còn gọi hệ 9+).
Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn còn e ngại khi cho rằng hướng đi này chỉ dành cho những học sinh "dở".
Ông Thệ nhấn mạnh lợi ích của hệ 9+ là ngoài tối ưu thời gian, học sinh hiện còn được Nhà nước trợ cấp hoàn toàn học phí học nghề theo nghị định 81 của Chính phủ. Về học phí các môn văn hóa, học sinh chỉ phải đóng với mức gần như tương đương các bạn học ở các trường công lập.
"Tiếp xúc với nghề sớm còn giúp bạn có thể tham gia thị trường lao động sớm hơn. Còn không muốn đi làm sớm, các bạn cũng có thể đi học tiếp lên cao ở các bậc cao đẳng, đại học nếu có bằng tốt nghiệp THPT. Sẽ không có con đường tốt nhất, mà chỉ có con đường phù hợp nhất cho mỗi người", ông Thệ nói.
TS Hoàng Văn Phúc - hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (TP.HCM) - chia sẻ thời điểm hiện tại trường đã tuyển được 70% học sinh cho mùa tuyển sinh hệ 9+ cho năm nay. 30% còn lại sẽ được trường tuyển trong một đợt tuyển cuối sau khi TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 công lập.
Theo ông Phúc, thủ tục tuyển sinh ở các trường nghề với hệ 9+ hiện nay khá đơn giản. Học sinh chỉ cần đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THCS là có thể theo học. Khi đăng ký, các em sẽ lựa chọn thêm một nghề mà các em mong muốn sẽ theo học trong ba năm kế tiếp.
Những ngành thường được các bạn lựa chọn bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, kinh tế...
PGS.TS Bùi Văn Hưng - hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2 (TP.HCM) - nhận thấy những năm qua ngày càng có sự biến chuyển trong tâm lý của các phụ huynh đối với hệ 9+. Sự thay đổi này có thể nhìn thấy rõ qua số lượng tuyển. Năm 2022, số học sinh đăng ký học hệ 9+ của trường vượt chỉ tiêu...
Hơn 11.000 chỉ tiêu hệ giáo dục thường xuyên
Theo ông Cao Minh Quý - trưởng Phòng giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2023 - 2024 hệ giáo dục thường xuyên dành hơn 11.000 chỗ học để đón học sinh đã tốt nghiệp THCS. Các trung tâm rải đều ở các quận, huyện, bảo đảm học sinh không phải đi học quá xa.
"Hiện nay, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.HCM đã cải tiến rất nhiều. Cơ sở vật chất ở hầu hết các trung tâm đều đã được tu bổ, sửa sang nên phòng ốc khá tiện nghi và khang trang.
Các trung tâm cũng được cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học đầy đủ chứ không thiếu thốn như ngày xưa.
Về đội ngũ, giáo viên ở các trung tâm giáo dục thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn như giáo viên ở các trường THPT.
Không những thế, đa số các trung đều đang trên đà đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường chương trình ngoại khóa, hướng nghiệp, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống...
Học sinh học hệ giáo dục thường xuyên thì hết lớp 12 cũng thi và được cấp bằng tốt nghiệp THPT như học sinh ở trường THPT", ông Quý cho biết.
Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khẳng định: ""Bộ mặt" các trung tâm giáo dục thường xuyên bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Nếu còn băn khoăn, mời quý phụ huynh, học sinh hãy đến trung tâm ở gần nhà mình nhất để tham quan, tìm hiểu.
Phải thừa nhận là chất lượng giảng dạy của hệ giáo dục thường xuyên ở TP.HCM đã và đang được nâng lên. Nhiều trung tâm có học viên đạt điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mỗi hình thức học tập đều có những ưu việt khác nhau, hệ giáo dục thường xuyên cũng vậy. Không những thế, hiện một số trung tâm còn liên kết với các đối tác để tổ chức cho học viên học tin học, học tiếng Anh với giáo viên bản xứ, học nghề, tập luyện thể thao chuyên nghiệp...".
Như Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP.HCM) không chỉ dạy văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trung tâm này còn tổ chức dạy tiếng Anh, rèn cho học viên bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết; dạy tin học theo chương trình quốc tế; dạy cho học viên chơi thể thao chuyên nghiệp như: võ thuật, cầu lông, bóng rổ...
Ngoài ra, Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An còn có các câu lạc bộ: khoa học, văn học, âm nhạc, nhảy hiện đại, võ thuật, bóng đá...
Trung tâm này còn dạy cho học viên học nghề miễn phí như nghề điều dưỡng, chế biến thực phẩm, chăm sóc sắc đẹp, tạo mẫu; hướng dẫn viên du lịch; tin học ứng dụng; kế toán...
Mạnh dạn chọn học nghề
Nguyễn Thu Hằng hiện là học sinh năm 2 theo hệ 9+ tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Năm 2022, Hằng không đậu vào trường THPT công lập ưng ý. Đứng trước những ngã rẽ sau lớp 9, Hằng được gia đình khuyên nên học ở trường trung cấp theo chương trình vừa có thể học nghề, vừa có thể học văn hóa.
Buổi sáng, Hằng học các môn văn hóa và học nghề buổi chiều. Hằng chọn nghề bartender vì thích pha chế những loại thức uống ngon. Hằng chia sẻ trong chương trình, phần thực hành chiếm 70%.
Lúc đầu, Hằng không quen, cầm các dụng cụ pha chế đã lọng cọng, chưa nói đến những kỹ năng cao hơn như múa chai (flairs). Vậy là sau mỗi buổi học, Hằng nán lại lâu hơn các bạn để tự mình tập thêm.
"Đến một ngày, mình quay lại clip múa chai nghệ thuật cho mẹ xem, mẹ thích lắm. Nhìn thấy mình yêu thích nghề đã chọn, gia đình ai cũng hạnh phúc", Hằng nói.
370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM vừa tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp định hướng, phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS, THPT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết TP.HCM có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm có khoảng 2.500 người tốt nghiệp ở các trình độ tham gia thị trường lao động.
Ông Hiếu thông tin theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo , các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép dạy chương trình văn hóa dành cho các bạn học nghề ngay tại trường.
Điều này tạo thêm thuận lợi cho người học khi vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó có thể liên thông lên các bậc học cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận