Nhiều hình thức bạo lực học đường
Chiều 17-5, diễn đàn "Điều em muốn nói" lần 2 với chủ đề Phòng chống bạo lực học đường diễn ra tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Diễn đàn do Hội đồng Đội trung ương, báo Tiền Phong phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức với sự tham dự của gần 2.000 học sinh đến từ các trường THCS và THPT ở TP Vinh.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh hàng loạt vụ việc bạo lực học đường xảy ra dồn dập trong thời gian qua. Trong đó, có những vụ việc đã để lại hậu quả rất đáng tiếc.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - cho biết thời gian qua học sinh, người trẻ không chỉ bị bạo lực nóng (bạo lực bằng các hành động) mà còn bị "bạo lực lạnh", "bạo lực trắng" (bạo lực tinh thần như tẩy chay, gây áp lực tâm lý…). Không chỉ bạo lực trong môi trường thực mà còn bị bạo lực trên không gian mạng.
Theo ông Nam, giải pháp để hạn chế nạn bạo lực học đường là cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học. Cấp bách tăng cường công tác tham vấn học đường. Cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Trang bị kỹ năng sử dụng môi trường mạng
Em Phương Anh - học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh - muốn "gỡ rối" với tình huống: "Nếu như rơi vào tình huống em bị các bạn trong lớp cô lập vì một lý do nào đó, các bạn không cho em tham gia vào nhóm chat chung trên mạng. Khi đó, em phải làm thế nào để các bạn có thể chấp nhận, cho em chơi cùng?".
Ông Nam chia sẻ trường hợp của Phương Anh là câu chuyện thường thấy, hình thức phổ biến của bạo lực học đường là cô lập, tạo áp lực để xa lánh những người không thích. Chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội, công nghệ thông tin, Internet thì việc bắt nạt trên môi trường mạng rất phổ biến.
Chia sẻ về những giải pháp, ông Nam cho rằng: Thứ nhất, các em cần tìm đến một người tin cậy để chia sẻ, tạo trạng thái cân bằng về tâm lý. Thứ hai, các em có thể gọi đến số 111 là số của tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Những nhân viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ 24/24h. Về lâu dài, các em cần trang bị thêm kỹ năng sử dụng môi trường mạng.
"Các em chứng kiến bạo lực, nghe được bạn bè chia sẻ hãy lên tiếng, chia sẻ với cơ quan, tổ chức, người mà các em tin tưởng nhất. Xung quanh các em không đơn độc, có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ. Vậy nên "Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng", ông Nam nhắn nhủ.
Bác sĩ Lê Công Thiện - phó trưởng bộ môn tâm thần Trường ĐH Y Hà Nội - chia sẻ nạn nhân chỉ đến cơ sở y tế khi cần giải quyết hậu quả của bạo hành. Thời gian gần đây, tỉ lệ người bệnh đến tư vấn tăng lên. Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bạo hành là trẻ tự nhiên mất tập trung học tập, ngại đến lớp.
Bác sĩ Thiện nhấn mạnh nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, thầy cô quan tâm đến học sinh thì sẽ phát hiện ra những thay đổi của mỗi đứa trẻ. Nhưng quan tâm phải đúng cách, tạo ra môi trường an toàn để con cái, học sinh có thể chia sẻ thông tin.
Theo số liệu thống kê tại hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022, vụ việc xảy ra trong năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019 cao nhất và giảm dần vào các năm gần đây.
Số đối tượng tham gia cũng có chiều hướng giảm trong những năm trở lại đây. Năm 2021 - 2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan. Số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh do nhiều nguyên nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận