11/06/2015 10:00 GMT+7

Học đủ thứ, sao không học làm người thành công?

Diễn giả, Tác giả, TS. Quách Tuấn Khanh
Diễn giả, Tác giả, TS. Quách Tuấn Khanh

TTO - Tham gia câu chuyện sách dạy thành công (self-help), diễn giả Quách Tuấn Khanh chia sẻ liệu việc đọc sách có mang lại thành công.

Diễn giả Quách Tuấn Khanh: Ảnh: NVCC

Sách cũng dạy hành động

Ngày còn học lớp 6, lần đầu tiên tôi được đọc cuốn sách Đắc nhân tâm do cha tôi đưa. Đối với tôi, đó không phải là một cuốn sách để học, vì trong đầu tôi “học là phải từ sách giáo  khoa ” và chỉ có “học các môn trong nhà trường”. Vì vậy, tôi chỉ đọc kiểu qua loa, nhớ được thì nhớ, và chỉ những câu chuyện nào thú vị mới lọt vào trí nhớ “không sẵn sàng lắm” của tôi.

Vậy mà một vài câu chuyện về đối nhân xử thế, dẫn dụ người khác nghe theo mình, hoặc tranh thủ tình cảm của người khác… vẫn còn in trong óc tôi đến ngày nay, nhất là sau khi tôi thử vận dụng “vài chiêu nho nhỏ nghe có vẻ hợp lý” vào thời đó, và quả là nó mang lại lợi thế cho tôi thật. Thế là một kết luận “hoành tráng” mà tôi rút ra được đối với một cậu học sinh lớp 6: con người có thể bị thuyết phục nếu ta biết khai thác các điểm yếu trong tâm lý của họ, và các nguyên tắc tâm lý này có thể áp dụng chung cho nhiều người.

Cho đến ngày nay, đã trải qua hơn 30 năm lăn lộn đi học, đi làm, mở doanh nghiệp riêng...chưa bao giờ tôi thấy bế tắc đến mức “không có lối ra”. Vì đồng hành cùng tôi là những người thầy, nhà tư vấn khách quan: hơn 7.000 đầu sách phát triển con người, tâm lý, quan hệ, thành công, làm giàu về tài chính, kỹ năng, lãnh đạo, kinh doanh, khởi nghiệp, tâm linh, sức khỏe, trí não, nuôi dạy con...

Trên đời này, không ai có thể làm gì thật giỏi mà không phải khởi đầu bằng việc học, nhất là những kỹ năng hay lĩnh vực mới mẻ. Vậy những lĩnh vực như Toán, Anh văn, Lý, Tin học… mà ta còn phải học và đọc hàng núi sách vở để có thể lĩnh hội và áp dụng tốt, thì hà cớ gì các kỹ năng nói chuyện, kiếm tiền, phát triển bản thân, chăm sóc tinh thần, làm chủ cảm xúc, đầu tư, làm chủ tâm trí, sử dụng bộ não… lại không học nhỉ?

Khi đọc sách Toán, không nhất thiết bạn phải trở thành nhà Toán học Ngô Bảo Châu, nhưng chắc chắn hiểu biết về Toán học của bạn phải hơn lúc trước. Tương tự, khi đọc sách Học làm người, có thể bạn không thành công vượt bật, nhưng trong hiểu biết của bạn hoặc khi bạn áp dụng thành công một phần, bạn vẫn đã vượt hơn con người cũ của mình.

Khái niệm tự học (self-study), không có nghĩa là không có ai chỉ dạy ta hay ta không “bắt chước” ai cả, có thể là người đi trước, cha mẹ mình, người cùng làm với mình, thậm chí đối thủ của mình. Nếu không thì những siêu sao thể thao, người xuất chúng trong các lĩnh vực chắc không cần huấn luyện viên hay người dìu dắt.

Vậy quan niệm “tôi tự làm mà chẳng cần đọc sách vở gì cả, thế mà vẫn thành công đấy thôi” nên hiểu như thế nào? Đó là những người tự dò dẫm, dùng cách học cơ bản nhất của loài người: phương pháp thử và sai, tự rút tỉa kinh nghiệm. Rõ là cách này mất thời gian khá nhiều, đôi khi đau đớn vì thất bại khiến dễ làm con người nản lòng rồi bỏ cuộc.

Vả lại khả năng tự nhìn lại mình để rút tỉa kinh nghiệm (self reflect) không hẳn ai cũng biết làm vì nó đòi hỏi bạn phải tự tách khỏi chính mình và nhìn lại những gì mình đã trải qua một cách khôn ngoan, tỉnh táo. Trong khi sách cứ bị cho là lý thuyết, thật ra tôi hiểu cách nói “lý thuyết suông” của nhiều người dành cho sách hàm ý: chỉ là chữ, không phải là hành động đời thực, trong khi hành động thì chính bạn phải làm chứ.

Điều này mọi cuốn sách viết về phát triển con người đều nhấn mạnh: chỉ có hành động, chịu trách nhiệm với mọi kết quả thì bạn mới tiến bộ được. Mọi cuốn sách giáo khoa hay hướng dẫn (non-fiction) đều không phải là hư cấu, mà là sự đúc kết thực tế của nhiều người hay của một người, hay từ những cuộc nghiên cứu nghiêm túc về một lĩnh vực ngày càng gây sốt, đó là khoa học xã hội (social study).

Ngày nay, một mô hình nghiên cứu về hành vi và cách tư duy của con người có tên là Ngôn ngữ lập trình tư duy (Neuro-Linguistics Programming) cũng đề cập đến ý niệm Modelling, tức là làm theo và nghĩ theo cách của hình mẫu thì ta sẽ đạt kết quả tương tự như hình mẫu. Cho nên những ai luôn cho rằng “chẳng ai giống ai trong cuộc sống” thì hãy ghi nhớ: cuộc sống cũng được vận hành theo các qui luật, nếu bạn nắm bắt nó và làm theo thì bạn sẽ nhanh thành công hơn.

Sách về Phát triển con người ngày nay không chỉ quẩn quanh chuyện làm giàu bằng suy nghĩ (Think and Grow Rich - Napoleon Hill), tư tưởng làm giàu (Rich Dad, Poor Dad - Robert Kiyosaki), chinh phục người khác bằng tâm lý (How to win friends and influence people - Dale Canegie) mà là hàng loạt sách bao phủ đủ mọi đề tài cuộc sống. Từ hẹp nhất như sống hạnh phúc khi còn độc thân, đứng dậy sau khi người thân qua đời, học cách truyền thông trong những tình huống căng thẳng, đến khá rộng như đi tìm ý nghĩa cuộc đời, sức mạnh chữa lành của niềm tin, làm chủ cảm xúc, làm giàu từ tay trắng, thành công trong hôn nhân…

Có thể nói, bất cứ thứ gì bạn cần làm tốt hơn trong đời sống bao gồm các mặt: tài chính, sự nghiệp, tâm linh, cảm xúc, các mối quan hệ, sức khỏe thể chất, tinh thần, hình thức bên ngoài… thì đều có sách hỗ trợ bạn.

Vậy đọc sách có mang lại thành công hay không?

Xin trích câu nói của Tổng thống Mỹ Harry S.Truman: “Người đọc sách chưa chắc là một nhà lãnh đạo, nhưng một nhà lãnh đạo chắc chắn phải là một người đọc sách”. Quá trình thành công phải đi qua các giai đoạn sau:

1.     Nhận thức mới (trong đó bao gồm cả thay nhận thức cũ)

2.     Có kiến thức và kỹ năng để hành động

3.     Hành động nhiều lần có điều chỉnh (có người hướng dẫn sẽ hiệu quả hơn)

4.     Xây dựng thói quen mới và hành động nhuần nhuyễn.

Ở bước 1 và 2, vai trò của sách là rất cần thiết nếu bạn không tìm người dạy mình mà chủ trương tự học. Tuy nhiên, việc đọc sách sẽ có ích nhất cho bạn khi bạn có mục đích rõ ràng trước khi tìm kiếm và cầm sách lên đọc: mình cần giải quyết vấn đề gì? mình cần tìm đáp án cho thắc mắc nào? mình cần cải thiện hay hoàn thiện kỹ năng gì?

Ví dụ như để cải thiện kỹ năng nói trước công chúng của mình để đạt mức hoàn thiện hơn, tôi tìm kiếm các tựa sách giúp tôi nâng cao kỹ năng kể chuyện (story telling), và chỉ cần một bí quyết nhỏ mà “không ai chỉ ra thì mình không tự biết”: dừng lại khoảng 3 giây cho khản giả “nín thở” trước khi tung ra câu kết chuyện, tôi có thể tạo ấn tượng sâu đậm hơn trong tâm trí người nghe.

Còn khi bạn đọc loại sách Self help như đọc chuyện giải trí, đọc mà vẫn đầy hoài nghi nên “thử xem sao”, não bộ của bạn sẽ thực hiện ngay chức năng mà nó vẫn làm tốt nhất (đồng thời cũng là chức năng biến bạn thành người bảo thủ đầy an toàn!): loại trừ và không đón nhận những gì khác với điều não từng biết, từng tin và “ấp ủ”. Lúc này đây, não còn làm tốt hơn thế nữa là “sáng tạo” ra hàng loạt cách chống lại và phủ nhận những điều mới mẻ có nguy cơ “chối bỏ” những điều não đang lưu giữ và ôm chặt lấy.

Và hãy nhớ, khi tìm thì bạn sẽ thấy. Nhưng điều quan trọng hơn là bạn có tiến bộ hơn không, thu nhập bạn có tăng hay không, cuộc đời bạn có hạnh phúc hơn không, chứ không phải bạn “hả hê” với việc bảo toàn được những điều não hằng lưu giữ lâu nay mà bản thân mình thì không khá hơn tí nào. Hoặc bạn ĐÚNG, hoặc bạn THÀNH CÔNG hơn, tùy bạn chọn!

Hai bước tiếp theo để thành công đương nhiên đòi  hỏi bạn hành động và rèn luyện một cách chăm chỉ nhưng khôn ngoan: luôn phải biết học bài học từ thất bại, từ va vấp và linh hoạt điều chỉnh cách làm cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.

Nhưng hầu hết các tác giả sách Self help đều biết rằng: bạn không có cơ may thay đổi được kết quả nếu bạn không thay được cách suy nghĩ trong tiềm thức, hay gọi tên khác là niềm tin. Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực y học, chứng minh suy nghĩ bên trong tâm trí điều khiển cuộc đời và kết quả bên ngoài, cho thấy sự thống nhất giữa Trí não và Cơ thể (Mind and Body).

 Vì vậy, nhiều sách tập trung vào giúp người đọc giải quyết các niềm tin giới hạn bằng nhiều kỹ thuật, phương pháp và công cụ khác nhau như: tự thoại tích cực, tư duy tích cực, thiền, chánh niệm, xác quyết tích cực, tự kỷ ám thị, tự thôi miên, lập trình lại niềm tin… mà một số người vốn chưa hiểu rõ đã kết luận: trông rất là “ảo, tự sướng, phi thực tế, không logic”.

Chưa một ai nói rằng: chỉ cần đọc sách là thay đổi cuộc đời, nhưng nếu đọc sách mà thay đổi sâu sắc cách nghĩ về bản thân, về con người, về cuộc sống thì chắc chắn là cuộc đời sẽ tự động thay đổi theo.

Còn ai đó mà đọc sách self-help, thấy vui vẻ, tự tin, nhìn đời tươi sáng hơn một khoảng thời gian rồi đâu vẫn hoàn đấy (vì không tiếp tục rèn luyện tâm trí và không bắt tay hành động cụ thể), thì cũng đừng vội chửi rủa, vì thử hỏi bạn cũng bỏ hàng núi thời gian và tiền bạc để nghe nhạc, xem phim, xem ca nhạc, ăn nhậu, du lịch (tóm lại là các thứ giải trí)… cũng chỉ để “mua vui một vài trống canh” thôi mà.

Nếu chỉ mất từ 50.000 đến 150.000 đồng mua một cuốn sách self-help để đọc, rồi thấy rằng đời mình cũng có chút giá trị, sự việc từng xảy ra cho mình không quá thê thảm như mình từng nghĩ nhờ cách nhìn mới về sự việc cũ (tư duy tích cực), vậy là yêu đời hơn. Bạn đã quá lời rồi còn gì!

[poll width="400px" height="230px"]149[/poll]

* Mời bạn tiếp tục trao đổi ý kiến, quan điểm của mình về câu chuyện này qua email [email protected] hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

Diễn giả, Tác giả, TS. Quách Tuấn Khanh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục