TTCT - Việt Nam là một đất nước nhiều biến động, mỗi mảnh đất đều ẩn chứa những câu chuyện dài phong phú, càng nhìn gần lại càng phát hiện thêm nhiều điều thú vị. Khi xưa cụ Vương Hồng Sển mê sưu tập sách xưa để tìm hiểu những câu chuyện đó, ngày nay ai có hứng thú chi bằng đọc sách của cụ. Phóng to Bởi thấy tôi là người trong Nam, đầu pha hai thứ tóc, làm việc trong một cơ quan chuyên môn, thêm có tánh ham chơi cổ ngoạn, tom góp giấy má cũ đầy nhà, rồi tiếng đồn truyền ra: tôi sành sỏi chuyện xưa, tôi giỏi kê cứu điển cố, báo hại phần đông văn hữu Bắc và Trung, ông nào quen một đôi lần, gặp nhau, hết năm ba câu lấy lệ, làm gì cũng hỏi vặn tôi về gốc tích hai chữ “SÀI GÒN”. Nói ư? - Chỉ bày cái dốt của mình ra! Nín ư? - Người cười, càng thêm khó chịu! Thôi thì còn một cách: ôm mớ tài liệu thâu thập bấy lâu - dù hay dù dở, dù chưa bằng bụng, mình biết lấy mình - bày hết, trình hết ra đây, mặc tình các vị xa gần tùy thích lựa chọn: “tóc tơ cặn kẽ đuôi đầu”, dù chẳng làm nên cái bánh ngon cũng được tiếng là không xấu bụng! (trích Sài Gòn năm xưa*). Cách giới thiệu thong dong của Sài Gòn năm xưa khiến người đọc thấy tò mò: gốc tích hai chữ Sài Gòn hẳn là lạ lùng lắm. Đọc sách rồi thì thấy quả là vậy, nhưng câu chuyện dài hơn người ta tưởng. Gốc tích phức tạp đó bắt đầu cuộc Nam tiến vĩ đại của người dân Việt, bao gồm nết ăn thói ở qua các triều vua Nguyễn, địa thế Sài Gòn, những vị trí mang tên Sài Gòn, cổ tích xung quanh Sài Gòn, Chợ Lớn, chùa chiền, báo chí, những nhân vật đặc sắc bản xứ và ngoại lai... Tóm lại, cuốn sách ghi lại một phần lớn lịch sử Sài Gòn, từ khi là thành Gia Định dưới triều Gia Long đến năm 1945. Bên cạnh những nét khái quát là những chi tiết hoàn toàn Nam bộ như lối ăn nói, may mặc, cư xử gắn liền với vùng đất này. Người ta sẽ biết được từ việc vì sao người lục tỉnh kiêng chữ “cả”, đặt tên cho con đầu lòng luôn là “thứ hai”, rồi “thứ ba”, “thứ tư”, cho đến những câu hò điệu hát phổ biến, rồi nguồn gốc của xà bông “Cô Ba” lừng danh... Vương Hồng Sển làm sách cũng như ông sưu tầm đồ cổ, kiên nhẫn nhặt nhạnh truy tầm đến những chi tiết nhỏ nhất một cách say mê và thận trọng. Năm này qua năm khác, những gì ông gom được đã đủ để tạo nên gia tài hoành tráng, nhưng ông luôn luôn khiêm tốn cẩn trọng, chỗ nào chưa đủ chứng cứ thì tồn nghi, mong về sau sẽ có người giỏi hơn mình để “sửa đổi cho đúng đắn, cân nhắc cho cẩn thận”, bởi càng tìm hiểu càng thấy tư liệu mênh mông mà sức người có hạn. Bên lề sách cũ (*) là cuốn sách mà ông đã mong rằng được xuất bản thêm vài cuốn tương tự như thế. Cái tên sách “vừa hiểu viết vội viết hối hả bên lề bên chéo quyển sách, vừa hiểu và tiếc thương thân phận sách, mặc dù hay dở, từ tháng tư năm 1975, vẫn chán chê bày bán bên lề đường”. Ông ghi chép lại những cái hay mình đọc được từ sách cũ miền Nam, đồng thời nghiên cứu mở rộng thêm những chỗ đáng quan tâm, gặp chữ không rõ lại “lật đật lấy từ điển tra cứu”, với niềm vui giản dị “hóa ra đã quên mất mình già, và học được đôi ba chữ mới”. Ông buồn do sự cẩu thả của cả học giả Tây và ta dẫn đến những cách đọc cách hiểu sai lệch, lại buồn vì chẳng có ai chịu “thò tay vào giỏ giấy vụn”, đành tự mình làm dù tự giễu mình “lẩn thẩn”. Đáng tiếc là đến nay vẫn quá ít những người “lẩn thẩn” như ông, nên những cuốn sách vừa đầy tư liệu, vừa đặc sắc trong cách viết thật hiếm. Đọc sách của Vương Hồng Sển ai cũng thấy rõ cái tình của người yêu tha thiết vùng đất của mình, chữ nghĩa của người mình. Cách viết đặc trưng với lối chính tả rất riêng của ông thật có duyên, đầy sức cuốn hút, pha lẫn chất nghiêm trang học giả với sự mộc mạc mà uyển chuyển tùy theo phong tục của từng giới, từng địa phương, hài hước thân mật nhưng cũng bùi ngùi, chua cay kín đáo khi nhắc đến thăng trầm dâu bể của thế cuộc. Đó thật sự là lối hành văn độc đáo và đáng thưởng thức để ngợi ca bản sắc văn hóa Việt Nam. Đúng như lời trần tình của ông “Dẫu sao dời vật đổi, tôi nguyện không quên ơn người để chữ lại”, thế hệ sau sẽ nhờ những cuốn sách như thế này mà được thấy lại chân dung một vùng văn hóa. Vương Hồng Sển (1902-1996) tên thật là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh, bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, là nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Ông rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn tác phẩm của ông rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn giữ gìn được. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Một số tác phẩm: Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn tạp pín lù, Nửa đời còn lại, Bên lề sách cũ, Khám lớn Sài Gòn... ___________ (*): Sài Gòn năm xưa, Bên lề sách cũ - Vương Hồng Sển, NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2013 Tags: Vương Hồng SểnĐọc sách cùng bạnThanh VânCụ Sển
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.