Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), từ năm 2020 - 2023, có 160 ứng viên Việt Nam được tuyển chọn, đào tạo đi học tập và làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa bao gồm chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em…
Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA).
Cụ thể, học viên được học tiếng Đức trong 12 tháng, dự kiến từ tháng 7-2022 đến tháng 8-2023. Song song với thời gian học tiếng, học viên được miễn tiền ở, hỗ trợ tiền ăn 36 EUR/tháng (khoảng 910.000 đồng).
Dự án hỗ trợ tiền khám sức khỏe tổng thể trước khi xuất cảnh, lệ phí visa, vé máy bay sang Đức, lệ phí thi lần thứ nhất lấy chứng chỉ B1 tiếng Đức.
Tại Đức, học viên học 3 năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa, hưởng lương học nghề 1.100 - 1.300 EUR/tháng (tương đương 27,5 - 34 triệu đồng/tháng).
Sau khi tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ quốc gia của Đức, học viên làm việc, hưởng mức lương như công dân Đức và các chế độ phúc lợi xã hội, định cư lâu dài theo pháp luật Đức.
Điều kiện dự tuyển là công dân Việt Nam 19 - 30 tuổi, tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng - đại học chuyên ngành điều dưỡng hoặc đã hoàn thành ít nhất 1 năm chương trình cao đẳng - đại học chuyên ngành điều dưỡng, y sĩ đa khoa, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, hộ sinh, dược sĩ tại Việt Nam.
Ứng viên Việt Nam có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ: Cục Quản lý lao động ngoài nước, số 41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện. Hạn cuối tiếp nhận hồ sơ đến ngày 10-6-2022.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, dự án đào tạo ứng viên điều dưỡng Việt Nam có đủ điều kiện nhập cư lao động vào Đức trong lĩnh vực y tế một cách minh bạch, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực và góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, cùng có lợi giữa Việt Nam và Đức.
Ứng viên không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến nộp hồ sơ ứng tuyển. Tuy nhiên, nếu học viên bỏ học giữa chừng vì lý do cá nhân, sử dụng bằng cấp, giấy chứng nhận giả mạo thì phải hoàn trả chi phí hỗ trợ từ dự án.
Để tìm hiểu thêm thông tin dự án, ứng viên có thể trực tiếp liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước, điện thoại 0243.824.9517, số máy lẻ 508 hoặc 511.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận