Khi lọt lòng thì cha bỏ đi, lớn hơn xíu mẹ đi bước nữa, Vân ở cùng ngoại và bà cố. Rồi căn bệnh quái ác đưa cố đi xa, còn bà ngoại vẫn lay lắt trong bệnh tật, lúc nhớ khi quên. Giữa đời bơ vơ, Vân vẫn là học sinh tiên tiến của Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) và thi đạt điểm cao.
Học để xoa dịu cơn đau của ngoại, để trở thành bác sĩ giúp người
Ngày 23-8, Vân đã nhận được thông báo trúng tuyển vào ngành y học cổ truyền Trường đại học Y Dược Huế, một khởi đầu cho ước mơ trở thành bác sĩ.
Khi vui, em chỉ biết khóc một mình
Hỏi đường đến nhà cô nữ sinh Nguyễn Thị Bích Vân ở khối phố Bằng An Đông (phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ai cũng rõ. Có lẽ nhiều người biết đến Vân vì hoàn cảnh ngặt nghèo là một phần, mà còn tường tận nghị lực phi thường của em.
Căn nhà tình thương (cấp 4) mà một đơn vị xây tặng đã mấy chục năm qua nên cũ mèm, mái tôn thủng lỗ chỗ càng làm cho cái nắng của mùa hè thêm hầm hập.
Ngay phòng khách (gọi cho sang) là bàn thờ bà cố của Vân vẫn còn nghi ngút khói. Kế bên là chiếc giường xếp - nơi ngủ của bà Luận (61 tuổi, bà ngoại của Vân). Cả ngôi nhà chỉ có một phòng ngủ ẩm thấp, sơ sài cùng chiếc giường tre là nơi để nghỉ và chỗ học cho Vân.
Khi thấy chúng tôi đến tìm hiểu hoàn cảnh của em, những người hàng xóm cũng lục tục tới. "Nhà hắn nghèo rứa chứ học giỏi, chịu khó có tiếng ở đây. Phải chi có điều kiện như nhà người ta thì đỡ biết mấy" - bà Oanh (54 tuổi, hàng xóm) nói giọng đầy thương tiếc.
Thấy khách và hàng xóm nói chuyện, bà ngoại của Vân chỉ nhìn rồi cười hồn nhiên như trẻ thơ.
Bà con chòm xóm bảo rằng mấy năm trước, bà Luận còn đi mua ve chai về bán, có đồng ra đồng vào lo cuộc sống cho hai bà cháu. Nhưng rồi căn bệnh rối loạn tuần hoàn não, dạ dày, xương khớp… khiến bà xiêu vẹo, nhớ nhớ quên quên, phải bỏ nghề.
Thấy hoàn cảnh bà cháu côi cút, người dân trong xóm có nhôm nhựa, chai bao chi cũng mang qua cho bà cháu để dành bán kiếm bạc lẻ. "Tội lắm, mỗi buổi chiều có mấy cô chú làm công ty đi về đều đặn mang theo hai hộp cơm để gửi bà cháu ăn" - bà Oanh cho biết thêm.
Vân nhìn ra khoảnh sân đầy nắng và chia sẻ về cuộc sống của hai bà cháu.
Ba mẹ quen nhau rồi có Vân. Sau ngày chào đời, ba bỏ đi, lên lớp 3 thì mẹ cũng lập gia đình. Vân sống trong tình yêu thương và đùm bọc của ngoại và bà cố.
Lúc đó, bà ngoại còn khỏe và đi mua chai bao về bán kiếm được 50.000 - 70.000 đồng. Còn Vân, từ hè lớp 9 đã xuống chợ thị trấn để phục vụ ở quán ốc, phụ giúp thêm thu nhập cho ngoại, chăm sóc bà cố.
Nhưng rồi căn bệnh quái ác đã đưa cố đi xa. Hôm cố xuống viện, Vân vẫn nhớ bàn tay nhăn nheo của cố nắm thật chặt, nó như tín hiệu chia lìa... "Em nhớ lắm, nhớ cố rên đau đớn khi bệnh tật mà mình chỉ biết khóc, bất lực khi nhìn thấy nỗi đau mà không thể làm gì" - Vân buồn nói.
Cuộc sống cực khổ, bà cháu rau cháo đùm bọc nhau qua ngày, nhưng Vân luôn có thành tích học tập ấn tượng, nhiều giấy khen, nhiều lần nhận học bổng vượt khó vươn lên trong học tập...
"Hẳn lúc đó em rất vui phải không?". Nghe câu hỏi, mắt Vân đượm buồn. Vân bảo rằng khi nhận giấy khen, em mừng lắm, mang về nhà. Nhưng chẳng biết khoe và chia sẻ cùng ai. Ngày vui nhưng Vân chỉ biết ngồi khóc một mình…
Hôm thi tốt nghiệp THPT xong, Vân xuống dưới phường Vĩnh Điện đi bán quán cà phê, mỗi tiếng được chủ trả 20.000 đồng, tổng cả buổi được 80.000 đồng. Vân dự liệu gom góp thêm để chuẩn bị cho hành trang giảng đường sắp tới.
Nhưng mới làm được mấy hôm, bà ngoại đau trở lại, nghe hàng xóm kêu, Vân nghỉ việc, tất tả về bên ngoại.
Cũng may là mỗi tháng ngoại được trợ cấp 720.000 đồng, đó là khoản chính nuôi sống hai bà cháu…
"Con không từ bỏ"
Suốt buổi trò chuyện, lúc nhớ, khi quên, nhưng khi chúng tôi hỏi bà Luận: "Vân đi học đại học bà có vui không?". Bà Luận cười tươi: "Vui, vui chớ. Cháu đi học đại học không vui sao được". Dừng lại một hồi, như nhớ ra điều chi, bà tiếp: "Không nghĩ tới, không mơ tới, mà nó làm được".
Giữa quãng những câu nói không trôi chảy, tôi hỏi bà: "Vân đi học xa, rồi ai chăm sóc, bên cạnh bà?". Bà bảo: "Tự làm mà ăn chứ lo chi". Nói xong, bà Luận lại cười…
Nhìn ngoại nói vậy nhưng Vân vẫn canh cánh trong lòng. Vân tính khi mình đi học sẽ kêu đứa em trai (cùng mẹ khác cha) đang đi học sửa xe máy… mỗi tối về ngủ với ngoại.
"Em biết có những bạn khác có hoàn cảnh còn ngặt nghèo hơn em và các bạn cũng nghị lực vượt qua, nên em sẽ không từ bỏ" - Vân vững tin.
"Điều gì đã thôi thúc em quyết tâm như vậy?". Ánh mắt nhìn ra xa, Vân nói rằng dù khó khăn thế nào, mình cũng sẽ quyết tâm học trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ngoại, để bà không còn đau đớn và để cứu giúp những người bệnh khác. "Em sẽ ở ký túc xá, sẽ đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống của mình" - Vân quả quyết.
Nghe Vân chia sẻ, bà con hàng xóm cùng động viên: "Con cứ ráng học, ở nhà có chi còn có các cô các bác đây phụ giúp cho bà".
Một học sinh rất ý thức và rất nghị lực
Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Phượng (chủ nhiệm lớp 12 của Vân). Nói về cô học trò của mình, cô Phượng tâm sự: "Vân là một học sinh rất đặc biệt, rất nghị lực. Ngoài thành tích, năng lực học tập tốt, Vân còn ý thức tự giác, tự lập. Trong vai trò là tổ trưởng của lớp, Vân luôn có trách nhiệm cao với mọi người".
Cô Phượng cũng chia sẻ thêm là dù kết quả học tập của Vân tốt như vậy, nhưng cô bé chưa bao giờ đi học thêm.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận