13/04/2018 16:30 GMT+7

Học để sống tốt, xin đừng bắt học sinh học đến... chết!

LẠI THỊ NGỌC HẠNH (Giảng viên khoa Lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên)
LẠI THỊ NGỌC HẠNH (Giảng viên khoa Lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên)

TTO - Muốn thành công thì phải khổ luyện, có khổ học mới thành tài. Nhưng, mong rằng các bậc phụ huynh hãy hiểu khả năng của con em mình tới đâu để đừng khoác lên vai các em sự kỳ vọng quá lớn, để rồi học đến... chết!

Học để sống tốt, xin đừng bắt học sinh học đến... chết! - Ảnh 1.

Việc một em học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập, vì em thấy mình chưa đáp ứng được kỳ vọng của gia đình dù điểm học tập kỳ 1 của em là 8,9 làm nhiều bậc cha mẹ phải giật mình, xem lại những kỳ vọng mà mình đã đặt lên vai các em. 

Cái chết của em chắc chắn là nỗi đau khôn nguôi của gia đình em, là sự day dứt sẽ ám ảnh họ mãi về sau này. 

"Cha mẹ nào không mong con mình chăm chỉ học hành để thành đạt trong tương lai, nhất là những phụ huynh ở các vùng quê, các tỉnh. Nhưng phụ huynh hãy làm sao cho con em mình học để sống tốt chứ đừng ép các em đến chỗ học để chết!"

Lại Thị Ngọc Hạnh

Là một đồng hương Đắc Lắc với em học sinh xấu số, tôi có những người quen hiện cũng đang gửi con học ở trường Nguyễn Khuyến. 

Nhiều lần nghe họ kể chuyện về việc học của con em họ ở trường Nguyễn Khuyến với sự tự hào, hãnh diện, tôi phải cố gắng lắm mới kìm được câu: học căng như vậy liệu các cháu có sao không?

Một đồng nghiệp lớn tuổi của tôi có cậu con trai đang học cấp 3 ở trường Nguyễn Khuyến. Kinh tế gia đình cô thuộc diện khá giả nên mức học phí và các khoản chi phí khác ở trường Nguyễn Khuyến không là vấn đề lớn với cô. 

Thậm chí tổng chi phí cho con học nội trú ở đó còn ít hơn khi cháu học tại Đắc Lắc. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là cô lại gửi con đi khi nhà chỉ còn 2 vợ chồng.

Cô kể: nhà có 2 đứa con, chị lớn lấy chồng ở Sài Gòn, thằng em ở nhà lại ham chơi game. Bố mẹ bận đi làm cả ngày, có khi thứ bảy chủ nhật cũng đi làm nốt nên không quản được ông con trai đang ở độ tuổi dở ông dở thằng. 

Bận quá không đưa đón nó đi học thêm được mà giao xe cho nó thì lại không biết nó có đi đâu chơi không. Thôi, gửi xuống Nguyễn Khuyến cho an tâm, nhà trường quản chặt hơn bố mẹ. Được cái nữa là học hết ở trong trường, không phải đi học thêm ở đâu. 

Tính ra nếu học ở nhà, tiền học thêm nhà cô, học thêm ở trung tâm tiếng Anh cộng lại còn tốn hơn so với ở trường Nguyễn Khuyến. Nhờ trường Nguyễn Khuyến mà tiếng Anh của thằng nhỏ khá lắm. Lâu lâu có ngày chủ nhật được nghỉ, con chị lại đến đón về nhà chơi.

Trong lời kể của cô tôi thấy cả sự hài lòng lẫn tự hào vì đã tìm được cho ông con cưng một ngôi trường đáp ứng được yêu cầu của cô: vừa quản lý tốt vừa dạy học tốt. Chỉ có một điều cô không kể đó là thằng bé có thích học ở đó không? 

Đang ở độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, thiếu sự quan tâm hằng ngày của ba mẹ, ăn ở tập trung, sinh hoạt kỷ luật như quân đội liệu thằng bé có sao không?

Câu chuyện của cô cũng là câu chuyện chung của nhiều phụ huynh ở Đắc Lắc tự nguyện gửi con em vào trường Nguyễn Khuyến với hy vọng nhờ học ở đây mà con mình sẽ được hưởng một sự giáo dục chất lượng cao hơn ở quê nhà, từ đó có thể vào được các trường Đại học uy tín và xa hơn nữa là thành đạt. 

Cả một đời lam lũ, chật vật với nương rẫy, cho dù có nhiều tiền nhưng sự bấp bênh của giá cả nông sản đã khiến nhiều gia đình nông dân khá giả quyết đầu tư cho sự nghiệp học hành của con. 

Mong ước của các phụ huynh là tốt nhưng không phải học sinh nào cũng có đủ sự mạnh mẽ, bản lĩnh để có thể học tập ở một môi trường nhiều áp lực, để đáp ứng kỳ vọng lớn lao của gia đình.

Như thầy Lê Trọng Tín, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến đã nói: Áp lực ở mỗi em là khác nhau, là áp lực với em này nhưng không áp lực với em khác và bình thường với em kia. 

Tôi không dám nhận xét về mô hình đào tạo của trường Nguyễn Khuyến là tốt hay xấu, đúng hay sai.

Nhưng, tôi nghĩ mỗi phụ huynh khi quyết định gửi con em mình học ở những trường có kỷ luật thép cần phải suy nghĩ thật kỹ, phải xem liệu con mình có chịu được cuộc sống chỉ có học, học và học, ngoài ra không còn gì khác. 

Đã từng trải qua thời học sinh với nhiều áp lực (không phải do ba mẹ ép mà do chính bản thân tự đặt ra), tôi thấy mình may mắn vì đã không làm điều gì dại dột khi kết quả học tập bị sa sút, không được như mong muốn. 

Nhưng may mắn không dành cho tất cả mọi người. Cho dù muốn thành công thì phải khổ luyện, có khổ học mới thành tài nhưng mong rằng các bậc phụ huynh hãy hiểu khả năng của con em mình tới đâu để đừng khoác lên vai các em sự kỳ vọng quá lớn. 

Hãy để các em học để sống tốt chứ đừng học để chết.

Học để sống tốt chứ đừng học đến... chết! Đã từng trải qua thời học sinh với nhiều áp lực, bạn suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Nam sinh Trường Nguyễn Khuyến tự tử có điểm trung bình 8,9

TTO - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết C. là một học sinh rất ngoan và giỏi. Điểm trung bình học kỳ I của C. là 8,9 điểm. Ông cũng thừa nhận nhà trường đã không sát sao từng học sinh.

LẠI THỊ NGỌC HẠNH (Giảng viên khoa Lý luận chính trị - Đại học Tây Nguyên)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên