29/08/2019 06:27 GMT+7

'Học để nhanh kiếm tiền, không cần học trường mơ ước nữa'

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Đó là một lối rẽ bất ngờ. Sau vài đêm trằn trọc, Phạm Nhuận đã quyết định không gửi bảng điểm của mình vào Trường ĐH Kinh tế Huế như đăng ký nguyện vọng 1 dù số điểm mình có dư để trúng tuyển.

Học để nhanh kiếm tiền, không cần học trường mơ ước nữa - Ảnh 1.

Nhuận với chiếc xe là hành trang đi học - Ảnh: QUỐC NAM

Chỉ cần học nhanh về đi làm kiếm được tiền nuôi mẹ thay ông bà cũng đã là một niềm an ủi với mình rồi.

PHẠM NHUẬN

Nhuận lặng lẽ nộp theo nguyện vọng 2 vào ngành quản trị khách sạn Trường cao đẳng Thương mại Đà Nẵng.

Ngã rẽ không mong muốn

Thước đo lớn nhất trong đầu Nhuận hiện tại không còn là học trường mình mơ ước nữa, chỉ đơn giản là học trường nào đỡ tốn kém nhất. "Học cao đẳng chỉ mất hai năm rưỡi, đỡ được một năm rưỡi so với học đại học. Ông bà sẽ đỡ cực rất nhiều" - Nhuận cho biết.

Nhuận đã nhập trường từ đầu tháng 8. Nhưng đến giữa tháng 8, ông Phạm Hồ và bà Mai Thị Cúc là ông bà ngoại mới mượn đủ tiền để gửi vào cho em đóng tiền học đầu năm. Số tiền hơn 6 triệu đồng là một tài sản với hai ông bà. Cả hai đều đã ngoài 70, tuổi gần đất xa trời.

Ông Hồ trước kia còn khỏe còn chạy được cuốc xe ôm. Nhưng vài năm lại đây ông gần như không đủ sức kiếm ra tiền. Bà Cúc ngoài 70 vẫn ngày hai bữa chạy chợ bán mớ cá, con tôm ở chợ thị xã Quảng Trị để nuôi Nhuận ăn học. Đã 18 năm qua, cuộc sống cũng như việc học của Nhuận đều đặt lên vai hai chiếc bóng già liêu xiêu này.

Ông bà không có nhiều sự lựa chọn. Nhuận càng không có. 20 tuổi, chị Phạm Thị Kim Loan, mẹ Nhuận, đã phát bệnh tâm thần. 22 tuổi, chị lấy chồng và sinh được Nhuận sau khi bệnh tình thuyên giảm. 

Nhưng cái vận khổ như buộc chặt vào ngôi nhà này. Vừa sinh Nhuận xong, chị Loan tái phát bệnh và càng nặng hơn. Ba Nhuận lặng lẽ bỏ đi, để lại người mẹ nửa tỉnh nửa mê và đứa con còn đỏ hỏn. 

Ông bà ngoại phải nuôi luôn cả hai mẹ con Nhuận. Bà Cúc kể nhiều bữa đau còn không dám đau. Vì đau bữa nào là cả nhà "bơ vơ" bữa đó. Đó là chưa kể những ngày chị Loan lên cơn bệnh. Khoảng chục năm rồi, bà là người duy nhất trong ngôi nhà này còn kiếm được tiền.

Nhuận bị ám ảnh bởi những hình ảnh đó suốt những ngày thi tốt nghiệp xong. Nhuận biết sức học của mình, nên đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường đại học Kinh tế Huế. Nhuận nói trường này vừa có ngành mình thích vừa ở gần, khi mẹ tái phát bệnh có thể chạy về thăm được.

Nhưng khi có điểm chuẩn, Nhuận buộc phải suy nghĩ. "Em nhìn ông mệ (bà) lọm khọm, rồi nhìn mẹ. Em chợt thấy như mình có lỗi. Bốn năm đại học với hai người đã ngoài 70 là cả một gánh nặng oằn vai" - Nhuận đã mất mấy đêm liền trằn trọc với chỉ luẩn quẩn những suy nghĩ đó. 

Cuối cùng, Nhuận quyết định gác lại giấc mơ đại học để đi qua xưởng gỗ của một người bà con làm công.

Tiếc, nhưng...

Thương cháu, ông bà ngoại dù vẫn chưa biết làm cách nào nhưng cũng gắng động viên cháu đi học. Bà Cúc nói đó mới là tương lai cả đời của Nhuận, nên không thể quyết định vội vàng. 

"Mệ vẫn còn gắng chạy chợ ngày hai buổi được, nhưng cháu không được ngừng học" - bà Cúc nói lời gan ruột với Nhuận. 

Mấy người bà con của Nhuận cũng xúm vào động viên. Mất thêm mấy ngày, Nhuận mới gửi điểm vào trường. Nhưng trường Nhuận gửi không phải là trường như nguyện vọng 1 của em nữa. 

Nhuận chọn một ngành học tương tự tại Trường cao đẳng Thương mại ở Đà Nẵng để có thời gian học ngắn hơn. Học càng nhanh ra trường thì em càng sớm có cơ hội đi làm để kiếm tiền thay ông bà nuôi mẹ.

Ông Hồ và bà Cúc nghe cháu nói cũng thương, nhưng chỉ biết quệt nước mắt.

Cô Võ Thị Ngọc Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Nhuận, khi nghe tin Nhuận đậu đại học cô không bất ngờ, vì học lực của Nhuận những năm cấp III luôn tổng kết trên 7 phẩy. Nhưng điều cô bất ngờ và tiếc nhất là Nhuận không thể thực hiện được giấc mơ của mình. 

"Hoàn cảnh của Nhuận đúng là quá khó. Những năm đi học ở trường cấp III vốn cũng đã khó rồi, nên tôi rất hiểu và chia sẻ với lựa chọn của em" - cô Lan nói.

Chỉ cần học nhanh

Ngày chúng tôi đến, Nhuận cũng vừa từ Đà Nẵng về nhà vì nghe tin mẹ phát bệnh. 43 tuổi, chị Phạm Thị Kim Loan, mẹ Nhuận, vẫn ngây ngô như một đứa trẻ.

Chị ngồi nơi bậc cửa nhìn lên trời bâng quơ, rồi lại nhìn qua Nhuận. Không chờ Nhuận nói câu nào, chị vội đứng dậy cắp nón đi thẳng ra ngõ. Nhuận phải chạy theo năn nỉ, người mẹ mới chịu quay lại chỗ cũ với lời hứa đi làm phải gửi tiền về cho mẹ ăn sáng.

Ngày Nhuận đi học, chị Loan vẫn nghĩ là con mình đi làm công nhân.

nhuan 1 2(read-only)

Rất hiếm hoi, nhưng mỗi khi mẹ tỉnh táo và cười là Nhuận có thêm động lực để cố gắng - Ảnh: QUỐC NAM

Hỏi Nhuận có tiếc không khi phải tạm biệt giấc mơ của mình chỉ vì hoàn cảnh, Nhuận gật đầu nhưng vẫn mỉm cười nhìn về phía người mẹ. "Chỉ cần học nhanh về đi làm kiếm được tiền nuôi mẹ thay ông bà cũng đã là một niềm an ủi với mình rồi" - Nhuận nói.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên