TTCT - Kỳ thi đại học (tức Gaokao - cao khảo) khốc liệt của Trung Quốc diễn ra ngày 7 và 8-7 vừa qua, sau khi bị hoãn một tháng vì COVID-19, với số lượng thí sinh kỷ lục hơn 10,7 triệu người, tăng 400.000 so với năm 2019. Con số thí sinh thi đại học tăng dần mỗi năm, kèm theo những khoản đầu tư khổng lồ. Miệt mài đèn sách giờ không phải là con đường tiến thân duy nhất ở Trung Quốc nữa. Ảnh: CNNTheo Bộ Giáo dục nước này, Trung Quốc hiện có 2.688 trường đại học công lập với hơn 40 triệu sinh viên. Đại học dân lập có 757 trường, hơn 7 triệu sinh viên. Tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục năm 2019 là hơn 5.000 tỉ tệ (1 tệ tương đương 3.500 đồng), tăng 8,74% so với năm 2018, trong đó cho bậc đại học là 1.346 tỉ tệ, tăng gần 12% so với năm 2018. Song khoản ngân sách này chỉ là muối bỏ biển, và phụ huynh vẫn phải gánh khoản chi phí không nhỏ khi cho con học đại học.Tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh - trường số 1 Trung Quốc và thường xuyên xếp rất cao trong các bảng xếp hạng quốc tế, học phí dao động 5.000-10.000 tệ/năm tùy ngành học (15-33 triệu đồng). Trường này được ngân sách nhà nước tài trợ rất lớn.Để so sánh, học phí đại học công lập ở tỉnh Liêu Ninh (đông bắc Trung Quốc) là 3.000-7.000 tệ/năm, đại học dân lập là 18.000-25.000 tệ/năm. Nhưng thực tế học phí chỉ là một khoản nhỏ trong chi phí học đại học.Nuôi xong một cử nhân ở Trung Quốc, chỉ học trường công lập, có thể tiêu tốn tới 120.000 tệ mỗi năm (gần 400 triệu đồng) và trung bình là 100.000 tệ/năm. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, mức thu nhập bình quân khả dụng của người dân năm 2019 là hơn 30.000 tệ/năm, nên con nhà nghèo coi như khó có cửa “vượt vũ môn”. Điều đáng nói là theo báo Thanh Niên Trung Quốc năm 2017, có đến 95% sinh viên nước này vẫn phải xin bố mẹ tiền sinh hoạt phí.Theo một bài viết của giáo sư Phùng Đào (Trường Quản lý kinh tế, Học viện Chính Pháp Thượng Hải) về 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đại học ở Trung Quốc đăng trên trang thepaper.cn năm 2019, Trung Quốc bắt đầu có chính sách tín dụng đại học từ năm 1999 khi lượng sinh viên ngày càng tăng, trong khi ngân sách cho giáo dục của nhà nước không theo kịp.Giai đoạn 1997-2001, tỉ trọng ngân sách cho giáo dục đại học trong tổng ngân sách giáo dục từ 76,5% giảm còn 53,4%. Các cơ chế thị trường dần được thiết lập, ví dụ giai đoạn 1994-2001 học phí và phí ký túc xá sinh viên ngành kinh tế từ 1.200 tệ/năm tăng lên 5.700 tệ/năm, tăng 475%.Tín dụng đại học ở Trung Quốc bắt đầu thí điểm từ tháng 6-1999, trải qua bốn lần cải cách các năm 2004, 2007, 2014 và 2015. Ban đầu, tín dụng đại học do ngân hàng thương mại phụ trách, sinh viên phải có người bảo lãnh, lãi suất được trợ cấp 50%, thanh toán bốn năm sau khi tốt nghiệp.Năm 2004, quy định mới là lãi suất trong thời gian đang theo học bằng không, sau khi tốt nghiệp tính lãi suất theo lãi suất thị trường, thời hạn thanh toán 4-6 năm. Năm 2007, chính quyền cho phép sinh viên vay ở cư trú, không gắn với hộ khẩu nữa. Năm 2014, chủ yếu điều chỉnh mức tín dụng, lên tối đa 8.000 tệ/năm với sinh viên đại học. Năm 2015, thời hạn vay được kéo dài, tối đa lên đến 20 năm.Hiện Trung Quốc có hai loại tín dụng đại học: vay tại địa phương, do phụ huynh vay qua Ngân hàng Phát triển quốc gia; hoặc sinh viên vay qua ngân hàng thương mại bình thường.Giống như nhiều nước khác, chương trình tín dụng đại học của Trung Quốc cũng gặp khó khăn vì tình trạng sinh viên nợ quá hạn. Một thống kê cho thấy năm 2004, Đại học Chính Pháp có 26% sinh viên không trả nợ đúng hạn. Nhưng tín dụng đại học cũng đã góp phần giải quyết được nhu cầu cho một bộ phận lớn sinh viên.Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết giai đoạn 1999-2013 có gần 10 triệu sinh viên được vay với mức tín dụng là hơn 103 tỉ tệ. Năm 2018, có hơn 4,4 triệu sinh viên (chiếm 14,4% tổng số sinh viên) vay tiền để học đại học, tổng mức tín dụng là 32,5 tỉ tệ.Bài viết của Phùng giáo sư cũng so sánh nợ quá hạn của sinh viên Trung Quốc với các nước khác, cho thấy mức ở Trung Quốc không cao, chẳng hạn dư nợ tín dụng đại học ở Mỹ năm 2016 chiếm 7,45% GDP, nợ quá hạn chiếm 11,17%; Brazil năm 2017 cũng có 30% tín dụng đại học vi phạm thời gian thanh toán; Ấn Độ có chính sách tín dụng đại học từ năm 1963, nhưng đến năm 1990 tỉ lệ thu hồi nợ chỉ là 15%.Tuy nhiên, tình trạng thiếu trước hụt sau vẫn dẫn tới việc 37% sinh viên Trung Quốc đi vay hoặc mua hàng trả góp, theo thăm dò của trang Chinanews, trong đó 66% sinh viên vay tiền “nóng” qua ứng dụng.Tín dụng đại học quốc gia chủ yếu dành cho sinh viên khó khăn, còn học bổng chủ yếu dành cho sinh viên giỏi, nên nhiều sinh viên không thể tiếp cận được. Ngân hàng thương mại cũng không mặn mà cho sinh viên vay vì khoản vay thấp, triển vọng thu hồi vốn không cao. Sinh viên thì không thích vay qua ngân hàng do thủ tục rườm rà, rắc rối.Điều đó dẫn tới tình trạng tín dụng đen và lừa đảo lan tràn trong giới sinh viên, từng có sinh viên phải tự tử vì tín dụng đen. Mặc dù đa số sinh viên đều hiểu rủi ro khi vay nhưng do hiệu ứng số đông, họ dễ dàng khuất phục trước cám dỗ. Đó là chưa kể một số cơ sở đào tạo cho trả góp học phí, thực tế là cái bẫy cho sinh viên vay với lãi suất cắt cổ.Với nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc hiện nay, chi phí học đại học gần như là cả gia tài, cho con học đại học chẳng khác gì mua vé số. Cũng đã qua thời đi học đại học là niềm tự hào của thôn làng. Tình trạng thất nghiệp của các cử nhân và cuộc sống chật vật của họ sau khi tốt nghiệp... dẫn tới việc nhiều phụ huynh nông thôn không còn ép con học đại học như trước nữa. ■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Học phí đại học - cuộc thử lửa mới Tiếp theo Tags: Trung QuốcTín dụng sinh viênThi gaokaoChi phí giáo dục đại họcVay tín dụng đen
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo ra 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Ô tô vừa mua bốc cháy trên cao tốc HOÀI THƯƠNG 23/12/2024 Tài xế cho hay chiếc xe này vừa mua tại một cửa hàng ở tỉnh Bến Tre với giá 100 triệu đồng, khi đang trên đường về nhà thì xe bốc cháy.