Học cùng con

STIVI COOKE 04/07/2018 03:07 GMT+7

TTCT - “Làm sao để trẻ thích học” và một câu trả lời từ ông Stivi Cooke, người Úc, người có kinh nghiệm dạy tiếng Anh 33 năm ở Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, hiện sinh sống ở Hội An.

a

Nền giáo dục ở châu Á khá phức tạp. Ở đó có cả triệu bài kiểm tra, thi cử để tạo nên cuộc đời bạn, hoặc cũng có thể là hủy hoại cuộc đời bạn; cha mẹ luôn yêu cầu điểm cao nhưng con cái họ thì không hiểu được bài; hệ thống giáo dục không theo kịp thế giới hiện đại. Vậy làm cách nào chúng ta có thể giúp đỡ các học sinh, đặc biệt là với những môn học khó, và quan trọng nhất, là khiến cho con trẻ yêu thích việc học ở trường và ở nhà?

Một phần của câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở khối tam giác liên hệ giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên. Trong đó, học sinh nên cảm thấy rằng các em được cả cha mẹ và thầy cô ủng hộ. Vậy nên, hãy thôi la hét, than phiền, hay đưa ra hình phạt và cả phần thưởng, những điều này không có tác dụng mấy, trừ việc chúng giúp người lớn giải tỏa sự bực tức của mình lên con trẻ.

Các phương pháp đó cũng gần như sẽ “đảm bảo” rằng các em sẽ trở nên ghét việc học trong suốt cuộc đời mình. Hãy chú ý rằng nếu giáo viên tuyên bố học sinh cần phải đi học thêm thật nhiều thì đó thường là dấu hiệu cho thấy việc dạy của vị giáo viên đó có vấn đề - chứ không phải học sinh có vấn đề.

Sau nhiều năm dạy học ở Việt Nam, tôi rút ra được một số điều mà tôi nghĩ có thể có ích trong việc giúp con trẻ giảm căng thẳng trong việc học, từ đó yêu thích chuyện học hành hơn.

Bên con nhưng đừng quá nhiều

Đừng than phiền và đừng gây thêm áp lực. Trẻ con không ngốc, chúng biết giáo dục là quan trọng, vậy nên đừng cứ nhắc đi nhắc lại chuyện hiển nhiên đó với chúng nữa. Cha mẹ nên tham gia bằng cách khuyến khích, đặc biệt là vào những lúc mọi chuyện không trôi chảy. Suốt 12 năm trời học hành, các em không thể lúc nào cũng làm tốt được. Thất bại không phải là một cái tội. Gì chứ, bạn có dám đảm bảo là lúc nào mình nấu ăn cũng ngon không?

Cũng đừng giúp đỡ con quá nhiều vì như vậy sẽ tạo thói ỷ lại, chứ không phải là độc lập. Nhiều bậc phụ huynh sẽ giúp con làm bài tập về nhà nhưng đừng biến đó thành thói quen. Tốt hơn là nên giải thích, chỉ và chứng minh cho các em thấy, sau đó quan sát trẻ tự mình thực hiện bài tập của chúng. Khi gặp những chủ đề mà phụ huynh không biết, hãy tìm một gia sư, nhưng đừng nhờ họ mọi lúc, vì điều đó sẽ khiến trẻ có cảm giác là các em không giỏi gì cả.

Ở trường đã học nhồi học nhét rồi, gia sư và người hướng dẫn chỉ tạo thêm áp lực và cảm giác bất cập cho trẻ mà thôi. Hãy nhớ rằng điểm số cao chỉ có nghĩa là bạn học giỏi ở trường, chứ không phải lúc nào cũng giỏi trong thực tế.

Một phương pháp thú vị để hỗ trợ con cái là cho các con đọc sách về các chủ đề mà chúng đang học. Nếu bạn có điều kiện và thời gian, hãy đưa con mình đến nhà sách để tìm thêm thông tin về chủ đề đó. Buồn thay, phương pháp này có vẻ không hiệu quả mấy với môn toán và các chủ đề trừu tượng. Trong tình huống này, một gia sư ngắn hạn cũng có thể có ích, một học sinh lớp cao hơn có hiểu biết về lĩnh vực đó chẳng hạn.

Một lựa chọn hữu ích khác là các ứng dụng online dành cho những môn khó như toán, khoa học và ngôn ngữ. Nhìn chung các ứng dụng này sẽ tốn ít chi phí hơn gia sư. Tuy nhiên, cha mẹ nên để ý giám sát các máy tính mà con mình dùng để học, phòng trường hợp trẻ bị cuốn vào game hoặc những nội dung không phù hợp.

Ngoài ra, việc đưa con đi công viên, bảo tàng, trung tâm khoa học hay sở thú cũng là một trải nghiệm học tập tuyệt vời, đồng thời giúp thắt chặt hơn niềm tin giữa con cái và cha mẹ. Nếu con trẻ không có được niềm tin đó với cha mẹ thì có khả năng các em sẽ che giấu điểm kiểm tra, những thất bại của mình, cũng như không dám thú nhận với cha mẹ rằng mình không hiểu bài.

Hãy hỏi con bạn những câu hỏi như “hôm nay con đã học gì?”. Hãy để các con cho bạn thấy những gì chúng đã học, và quan trọng hơn là tại sao chúng lại học những điều đó. Những học sinh nào không biết cách sử dụng những điều mình đã học là những em không được dạy đến nơi đến chốn.

Đặc biệt là với trẻ em, việc khiến các em tự hào về việc mình có thể làm còn có giá trị hơn là những bằng cấp và giấy chứng nhận. Hãy học cách nhìn thế giới qua con mắt của chúng, bạn sẽ ngạc nhiên đấy. Hãy chơi những trò chơi có yếu tố toán học ở nhà, cho con làm quen với hội họa, cho chúng một chủ đề để vẽ, những con số để đếm và đo lường.

Cha mẹ nên biết là con mình đang học gì. Hãy giúp con tạo một thời khóa biểu cho mỗi học kỳ, các kỳ thi và kiểm tra. Tôi đề xuất là nên có một tấm bảng đặt ở nhà cho con bạn viết lên đó những bài tập, thi cử và dự án lớn ở trường.

Việc này sẽ làm giảm nỗi lo lắng và sợ hãi cho con bạn và cho cả bạn nữa. Sau đó, hãy yêu cầu con bạn có trách nhiệm cập nhật lịch trình đó như một cách để con học có trách nhiệm với công việc của mình. Điều này cũng dạy cho con biết chuẩn bị nền tảng cho các dự án lớn trong một thời gian dài trước khi chúng cần, đồng thời xác định được những phần công việc nào có khả năng mâu thuẫn với nhau, tránh được khủng hoảng.

Nghỉ giải lao và không bị sao nhãng!

Việc này có thể sẽ khó khăn trong những ngôi nhà nhỏ, có hai hoặc nhiều con hơn. Trẻ càng nhỏ thì càng cần nghỉ thường xuyên hơn khi học bài ở nhà. Nhìn chung cứ 20 phút học thì nên nghỉ 5 phút. Có thể cho trẻ việc gì đó đơn giản để làm, như là mang rác đi bỏ hay xếp ly tách trong bếp, rồi sau đó quay lại học bài. Làm như vậy là bạn đang dạy con mình cách quản lý căng thẳng bằng cách nghỉ giải lao, cũng như nhận ra khi nào chúng mất tập trung, sẽ rất hữu ích cho những môn học khó.

Hãy nhớ nguyên tắc không điện thoại, hãy để điện thoại ở nơi nào đó an toàn và ngoài tầm tay trẻ. Và đặc biệt là đừng chơi điện thoại trước mặt con - điều này rất phiền và có phần đạo đức giả nữa. Trẻ con sẽ không tuân theo các quy định nếu cha mẹ chúng công khai phá quy định. Đừng cho trẻ học trước tivi, không hiệu quả chút nào. Hãy thiết kế một không gian yên tĩnh, không có đồ chơi hay những thứ cám dỗ bọn trẻ trì trệ việc học.

Mỗi người là một cá thể khác biệt

Điều khó khăn nhất, phụ huynh và giáo viên cần phải ý thức được là trẻ con học theo nhiều cách khác nhau. Đây cũng chính là phương pháp mà nhiều trường quốc tế ở Việt Nam đã áp dụng và có được chỗ đứng trong lòng nhiều phụ huynh và học sinh. Một số trẻ tiếp thu tốt hơn khi chúng thấy được chủ thể thông qua hình minh họa, hình vẽ, hình chụp, đồ thị..., nhưng cũng có những em thích thông tin được diễn đạt bằng từ ngữ.

Có những em thích sử dụng tâm trí của mình như một chiếc camera để nhìn những con chữ in trên giấy và ghi nhớ, cũng có em thích nghe và suy nghĩ về những điều mình nghe hơn. Đại đa số trẻ em đều kết hợp các phương pháp này lại với nhau. Hiểu được điều này, cha mẹ sẽ có được một công cụ quyền năng để giúp con mình.

Nếu một ý tưởng, một khái niệm nào đó quá khó để trẻ tiếp thu, hãy thay đổi phương pháp hướng dẫn. Đó cũng là điều mà tôi từng làm rất nhiều trong những năm tháng đi dạy của mình. Điều này ví như là bạn đang “gói ghém” thông tin theo cách mà học sinh có thể đáp ứng hiệu quả.

Một cách tốt để thực hiện điều này là cố gắng nhớ lại phương pháp học yêu thích của bạn khi bạn còn đi học, sau đó quan sát và hỏi trẻ chúng muốn học như thế nào. Hãy cho trẻ đọc, vẽ, đo lường, tưởng tượng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho phép con mình rủ bạn bè đến học cùng, tuy nhiên hãy để ý. Việc học nhóm rất phổ biến trong văn hóa châu Á nhưng có thể dẫn đến một vấn đề là mọi người trong nhóm sẽ làm theo nhóm trưởng và sao chép câu trả lời. Học nhóm chỉ có hiệu quả một khi học sinh đã hiểu vấn đề và có thể trình bày giải pháp cho những người khác.

Chia nhỏ bài học

Ở Việt Nam (và hầu hết châu Á), các lớp học thường rất đông, ồn ào và việc dạy luôn được đặt ở một “tốc độ” nhất định cho tất cả các học sinh. Có nhiều thứ rất khó cho các em nhỏ. Giáo viên hãy dành thời gian tìm ra phần nào là khó nhất và giải quyết nó, sau đó giải quyết tiếp các phần lớn hơn. Một lần nữa, điều này cũng lại đòi hỏi phụ huynh quan tâm đến con mình bằng cách hỏi con “tuần này con học gì khó nhất?”.

Một thực tế là học sinh luôn cảm thấy khó khăn khi học những môn mà các em ghét, hoặc không giỏi. Điều này không có nghĩa là lúc nào các em cũng dở trong môn đó, mà bạn có thể giúp các em học tốt hơn nếu khiến các bài tập dễ dàng hơn, ít đáng sợ hơn, không quá “khổng lồ” trong trí tưởng tượng của chúng và giúp chúng tin rằng chúng có thể làm được.

Không ít học sinh có tư tưởng “mình sẽ không bao giờ học cái này vì chủ đề này quá rộng”, điều này không đúng, đây chỉ là vấn đề về thời gian và phương pháp giảng dạy.

Thời trung học tôi làm khá tốt vì tôi nhận ra điểm số không quan trọng đối với mình. Vậy nên tôi chỉ cố gắng qua được các môn. Cuối cùng, kết quả tổng thể của tôi tốt hơn nhiều học sinh giỏi chỉ một hoặc hai môn ở trường. Tôi thích học một mình và tôi may mắn rằng mẹ tôi, dù nghèo, vẫn dành rất nhiều tiền mua sách cho tôi. Ngoài ra, tôi cũng biết cách lên kế hoạch cho những việc mình làm từ sớm để không phải rơi vào trạng thái lo sợ, nên hầu hết thời trung học khá dễ dàng đối với tôi.■

NGỌC ĐÔNG chuyển ngữ

Những đứa trẻ nhỏ xíu cũng bị yêu cầu phải học những kiến thức và kỹ năng trên khả năng ở tuổi chúng. Bạn cần phải thảo luận với giáo viên. Hãy chia nội dung học ra thành những khối nhỏ hơn và dễ quản lý hơn. Không có chuyện hoặc là học, hoặc là… chết. Hãy giúp con hiểu rằng dự án nhỏ mà con làm ở trường chỉ là một phần của bức tranh lớn, vậy chúng sẽ hiểu về giáo dục một cách thông minh và hợp lý hơn, đồng thời không bị khủng hoảng vì bài tập về nhà mỗi đêm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận