01/11/2015 09:04 GMT+7

​Học cách nhận ân tình

NGUYỄN HOÀNG NGUYÊN
NGUYỄN HOÀNG NGUYÊN

TT - Hành trình “Tiếp sức đến trường” 2015 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các doanh nghiệp, bạn đọc có lòng hảo tâm tổ chức đã kết thúc sau gần hai tháng sôi động.

Những người tổ chức đã đi gần như khắp mọi miền đất nước với 12 điểm trao, đem lại niềm vui cho 1.633 tân sinh viên nghèo .

Mấy ai có thể hình dung rằng ước mơ nhỏ nhoi là được đến giảng đường lại thành mơ ước gần như xa vời của không ít bạn trẻ, mà có phải do các bạn không nỗ lực đâu?

Họ đã vượt lên nghịch cảnh, trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước, nhưng lại bất lực nhìn cổng trường dần khép lại chỉ vì thiếu một khoản tiền nhập học.

Những người làm chương trình luôn tự nhủ đừng để không khí buổi lễ quá nhiều bi thương, bởi hàng trăm bạn trẻ đến nhận học bổng đã nhận nhiều bi thương trong cuộc sống hằng ngày rồi.

Nhưng nước mắt vẫn cứ rơi, rồi trong những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghẹn ngào của khách mời và tân sinh viên là những ân tình lan tỏa, những tia hi vọng sáng rực.

Chữ ân tình nặng biết bao, khi chứng kiến những cuộc đời cơ cực, nhiều vị khách mời đã rút tiền tặng thêm hoặc nhận các em vào làm bán thời gian tại công ty, giúp các em yên tâm học tập.

Ân tình đến từ những người lao động nghèo vẫn chắt chiu từng đồng bạc đóng góp cho quỹ học bổng, có cụ bà lặng lẽ đem , tiền lương hưu cụ tích cóp được, đến tòa soạn gửi tặng quỹ rồi không chịu cho chụp hình hay cho biết tên.

Hay đẹp hơn khi có những bạn trước đây từng là tân sinh viên nghèo nhận học bổng nay đã trở thành người tham gia học bổng cho lứa đi sau.

Hay như có bạn đến nhận học bổng, nhưng khi chứng kiến câu chuyện bi kịch của bạn khác được kể lúc giao lưu, đã xin tặng lại suất học bổng vì “Em khổ, bạn ấy còn khổ hơn em”...

Người trao ân tình chỉ mong muốn nhận lại được niềm tin. Mỗi lần trao học bổng, tất cả người tham dự đều mãn nguyện vì thấy vững tin hơn vào lớp trẻ biết hi sinh, biết sống có hoài bão và chưa hề chùn bước.

Chính nhờ vậy, mặc dù đang lúc kinh tế khó khăn, những mạnh thường quân vẫn cố gắng xoay xở để làm sao mỗi năm có hơn chục tỉ đồng tiếp sức cho các bạn trẻ.

Cái sự trao đi không cần tính toán thiệt hơn cho bản thân đấy, những mạnh thường quân chỉ đau đáu một điều: các bạn trẻ sẽ thành công để góp phần xây dựng đất nước, đồng thời sẽ quay trở lại góp mặt vào đội ngũ tiếp sức, giúp cho những đàn em khó khăn.

Nhưng, trong quá trình tiếp sức qua bao năm tháng, thi thoảng người trao cũng bị nhận lấy vài “gáo nước lạnh”! Đó là có bạn như muốn chối bỏ quá khứ nghèo khổ của mình. Chắc vì mặc cảm?

Lại có bạn gần như đem sự khó khăn của mình để gây “áp lực” với những người làm chương trình. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chủ nhiệm CLB “Tiếp sức đến trường” tỉnh Thừa Thiên - Huế, kể ông từng bị sốc với một vài trường hợp mà người nhận đã không thể hiện được tấm lòng.

Và nữa, giống như câu chuyện mà xã hội từng lên tiếng việc không ít hộ khá nhưng vẫn chen được vào danh sách hộ nghèo để nhận hỗ trợ của Nhà nước; đã có những bạn khoe chuyện đi chơi, ăn uống, chuyện nằm đọc mỗi ngày vài cuốn “ngôn tình” trên mạng xã hội nhưng vẫn vào “đòi hỏi” học bổng, có bạn thì so sánh hoàn cảnh của bạn này sao khổ bằng hoàn cảnh của mình...

Những “hạt sạn” ấy không nhiều, so với hàng ngàn tân sinh viên xứng đáng khác, nhưng cũng đủ để chúng ta suy nghĩ.

“Tiếp sức đến trường” sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tương lai và hi vọng tất cả bạn trẻ cùng thể hiện sự hiểu biết, để không còn “sạn”. Bởi những chuyện ứng xử nho nhỏ trong việc tiếp nhận ân tình, nó cũng là một hành trang quan trọng để bước vào đời...

NGUYỄN HOÀNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên