Nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh tiểu học và phụ huynh, nhiều quận ở TP.HCM đã áp dụng quy định giờ vào học bắt đầu lúc 7h30 nhằm phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đi học lúc 7h15 thay vì 6h45-7h như trước - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Trên Tuổi Trẻ 4-5, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Nội dung môn học lớp 1 ở dự thảo chương trình mới không khác nhiều so với chương trình hiện hành, được thiết kế theo hướng giảm bớt những kiến thức khó, điều chỉnh để nhẹ nhàng hơn, gần gũi với đối tượng học sinh”.
Chỉ nên tập trung vào một số môn
Nếu “nội dung môn học lớp 1 không khác nhiều so với chương trình hiện hành”, vậy có cần thiết phải thay sách giáo khoa hay chưa? Sao ngành giáo dục không để số tiền đầu tư thay sách để điều chỉnh một số tồn tại, bất cập trong ngành giáo dục có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều việc thay sách trong khi những tồn tại ấy vẫn còn.
Với học sinh lớp 1 chỉ nên yêu cầu các em đọc, viết thông thạo, biết sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Có hiểu biết sơ giản về xã hội, tự nhiên và con người. Bước đầu cần nắm được một số kiến thức cơ bản, đơn giản về đếm, đọc, viết, so sánh, cộng, trừ không nhớ các số trong phạm vi 100.
Bởi thế, những môn các em buộc phải học chỉ nên tập trung vào một số môn học cụ thể như toán, tiếng Việt, đạo đức, một số môn năng khiếu như hát nhạc, mỹ thuật... là đủ.
Ở chương trình hiện hành nội dung học tập của học sinh lớp 1 hiện nay luôn được đánh giá là quá tải với các em. Ngay việc các em phải học âm E trước, giáo viên cũng vất vả hơn rất nhiều. Chuyện phát âm còn đỡ, để học sinh viết được âm E, âm Ê giáo viên phải cầm tay đưa từng nét bút nhưng nhiều em cũng viết không được.
Học sinh sẽ lại phải gánh thêm áp lực mới?
Với trường học một buổi, học sinh tiểu học phải ngồi học từ 7h-11h mới về. Do các em còn nhỏ nên khoảng 10h đã mệt và uể oải, nhiều em không thể ngồi yên, ngáp ngắn ngáp dài hoặc loi nhoi nói chuyện.
Trường học hai buổi, một tuần học sinh được học hàng chục tiết tiếng Việt, 5 tiết toán. Một số tiết bổ sung trong tuần cũng dồn vào dạy tiếng Việt và toán, nhưng giáo viên thì bở hơi tai còn nhiều học sinh vẫn ngơ ngác.
Một số giáo viên dạy lớp 1 phản ánh: Mỗi ngày các em phải học một âm mới nên không ít học sinh học âm trước đã quên luôn âm sau vừa học... Một lớp học với gần 60 học sinh, mỗi tiết học chừng 35-40 phút giáo viên vào lớp ổn định xong cũng mất gần chục phút. Hơn 20 phút còn lại để dạy các em đọc, viết là gánh nặng quá lớn cho giáo viên lớp 1.
Trong thực tế, giáo viên tiểu học chúng tôi hằng ngày cùng học sinh đánh vật với từng âm, vần, cầm tay học sinh đưa từng nét cong, nét khuyết. Cả buổi học bốn tiết nhưng nhiều hôm chúng tôi chỉ dạy mỗi môn tiếng Việt đã hết giờ. Mỗi ngày một âm vần mới, các em phải được phát âm, được luyện nói nhưng sĩ số đông như thế giáo viên làm sao có thể xoay vòng hết lớp?
Dù ở trường học nhiều nhưng tối đến nhiều em vẫn phải miệt mài đến các lớp học thêm để luyện đọc, luyện viết. Nếu chương trình tổng thể vừa công bố được áp dụng đại trà, chắc chắn áp lực còn đè nặng lên đôi vai của cả thầy và trò rất lớn.
Theo chương trình mới, số lượng môn học nhiều như thế không hiểu sẽ phân bố thời gian dạy thế nào? Học sinh sẽ lại phải gánh thêm áp lực mới bởi ngoài nội dung kiến thức tiếng Việt, toán đã quá nặng còn biết bao môn học khác.
Chương trình hiện hành quá tải, hi vọng đợt cải cách lần này sẽ khắc phục những tình trạng đó nhưng xem ra lại còn quá tải hơn.
Đừng làm trẻ lớp 1 phải sợ học! Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang tiếp tục lấy ý kiến của dư luận và đã có một số điều chỉnh nhất định. Theo đó, chương trình mới sẽ áp dụng đại trà vào năm học 2018-2019 cho lớp 1, thí điểm ở lớp 6 rồi thực hiện cuốn chiếu lên các lớp cao hơn. Môn học thế giới công nghệ ở lớp 1, 2 cũng đang được đề xuất không thực hiện. Điều đó cho thấy tinh thần cầu thị đáng quý của ban soạn thảo khi lắng nghe ý kiến đóng góp của xã hội. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn với chương trình mới áp dụng đại trà cho lớp 1 rất nhiều. Phải chăng một “chiếc áo quá rộng” đang được khoác lên trẻ lớp 1? Đầu tiên là sự thay đổi tên các môn học. Phải khẳng định rằng các môn học ở lớp 1 hiện nay quá dài, quá khó để các cháu phải ghi nhớ và phân biệt: toán, tiếng Việt, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn bắt buộc có phân hóa), tiếng dân tộc thiểu số, nội dung giáo dục địa phương và hoạt động tự học có hướng dẫn của giáo viên (môn tự chọn). Mặc dù ban soạn thảo đã khẳng định số môn học không thay đổi nhiều so với chương trình hiện hành thì việc “thay tên đổi họ” cho các môn học cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho học sinh. Đơn cử là việc soạn sách vở cho mỗi ngày đi học, trẻ lớp 1 cũng sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của phụ huynh. Với sự đổi mới này thì phụ huynh cũng khá rối rắm, loay hoay phân biệt môn này môn kia, huống hồ gì là những đứa trẻ còn ham chơi mê ngủ. Dẫu lời khẳng định chương trình lớp 1 giảm tải kiến thức khó nhưng việc ôm đồm quá nhiều môn học sẽ tạo ra nỗi ám ảnh việc học cho những đứa trẻ mới chập chững làm quen trường lớp. Có học tất có kiểm tra, thi cử, học bài, làm bài tập... Trẻ sẽ lại bị cuốn vào vòng xoay của việc học và bị “gò” vào khuôn khổ một cách gượng ép. Lẽ nào ban soạn thảo chương trình quên mất “đặc trưng” của những đứa trẻ lớp 1 ư? Các cháu vừa hoàn thành việc học ở bậc mầm non, quen ăn, chơi, ngủ, nghỉ. Các cháu còn “mè nheo” ngủ nướng, nhõng nhẽo đòi đồ chơi, thích chạy nhảy nô đùa... Vì vậy xin đừng làm trẻ lớp 1 phải sợ học ngay ngưỡng cửa đầu tiên! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận