Nhà cô bé ở ấp Phước Lễ, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành (Bến Tre). Năm 17 tuổi, mẹ cô bé bị hãm hại rồi sinh ra con gái mà không biết cha là ai. Con gái mang họ mẹ. Đó là năm 2009.
Đứa trẻ xa mẹ lớn lên trên lưng bà
Con gái được ba tháng, người mẹ giao cháu cho bà ngoại, tìm đường lên TP.HCM kiếm việc làm với hy vọng có thể gửi về phụ bà ngoại nuôi cháu. TP đất rộng người đông, mẹ Phước - bà Lâm Linh Linh - có gia đình nhưng cuộc sống cũng khốn khó quá, chật vật mãi còn không đủ ăn, lấy gì ra tiền gửi về quê phụ nuôi con.
Bà ngoại cô bé nay 67 tuổi, không có đất canh tác, thuộc diện hộ nghèo bền vững ở địa phương. Căn nhà trước đây hai bà cháu trú mưa nắng bằng cây lá, ở nhờ trên đất của người bà con. Thương cảnh côi cút, một cơ sở tôn giáo mới tặng cho căn nhà tình thương chừng 25m2 cũng đã chục năm rồi nên nay xuống cấp, mái tôn thủng dột nhiều nơi.
Ngoại Phước sau một căn bệnh có khối u ở thanh quản, phẫu thuật xong để lại một lỗ tròn nơi hốc cổ. Từ đó bà không nói được, mọi thứ đều ra dấu bằng tay và hầu như chỉ có Phước hiểu được ý của ngoại. Mọi chi tiêu sinh hoạt qua ngày của hai bà cháu đều trông chờ vào khoản tiền ít ỏi kiếm được từ việc bán vé số của bà.
Hồi Phước còn bé, mỗi ngày bà cột cháu trước bụng. Cháu biết ngồi thì ngoại cho cháu lên giỏ xe đạp, lớn hơn thì để cháu ngồi sau xe đạp lòng vòng bán vé số. Vậy mà có khi còn bị hiểu lầm bà cố mang đứa cháu nhỏ theo để lấy tình thương hại của người mua. Chỉ có bà xót cháu, nhỏ quá sao dám để ở nhà một mình, nhỡ bị bắt cóc. Cũng vì mẹ của cô bé từng bị kẻ xấu bắt đi một lần, cứ mãi ám ảnh bà...
Mà vé số đâu phải hôm nào cũng bán hết, khổ nhất những ngày mưa. Nhà không có tiền, thức ăn mua thiếu ở quán nhưng bà vẫn cho cháu đi học. Thế rồi tai họa ập đến, bà ngoại bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi, chấn thương cột sống buộc cô bé phải nghỉ học để chăm sóc ngoại. Vừa chăm ngoại, Phước vừa thay bà đi bán vé số.
Được chắp cánh ước mơ khi suýt gãy đường học
Sau một năm tạm dừng, cô bé quay lại học lớp 6 nhưng mới vài hôm thì đại dịch COVID-19 bùng phát, phải giãn cách xã hội.
Nhà nghèo quá, Phước không có phương tiện học trực tuyến. Hết giãn cách trở lại trường thì đã qua kỳ thi học kỳ I, cô bé chưa có điểm thi học kỳ nên không được nhận vào học. Phước khóc. Thầy cô chỉ bạn tìm gặp thầy hiệu phó vì biết thầy vốn rất thương cô học trò khó khăn này.
Thầy Hồ Văn Việt - phó hiệu trưởng Trường THCS Tiên Thủy - kể lúc đó trông Phước rất tội nghiệp, khóc sướt mướt, quần áo, chiếc cặp cũng cũ kỹ vì dùng đã lâu. Biết nguyên nhân Phước bị gián đoạn việc học, thầy đã xin ý kiến phòng giáo dục huyện nhưng có ý kiến nhận học trò không có điểm thi kỳ 1 vào học kỳ 2 là sai nguyên tắc và có thể bị kỷ luật.
Nhưng thầy Việt đã đấu tranh vì cho rằng chỉ đạo của ngành giáo dục thời điểm ấy là phải tạo điều kiện cho tất cả học sinh đến trường sau dịch dù khó khăn đến đâu.
Nhận được hướng dẫn phải làm cam kết với phòng cùng ban giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm về việc học của Phước, nhưng bà ngoại già, lại ít chữ, có rành rẽ gì nên bà Âu Kim Thắm - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thành Triệu, người nhận làm mẹ đỡ đầu cho Phước - đã đứng ra làm cam kết chịu trách nhiệm tạo điều kiện cho Phước đến trường, chắp cánh ước mơ cho em. Cùng với cam kết của thầy Việt, hội đồng sư phạm nhà trường mới nhận Phước vào học.
Được đi học trở lại, Phước vui lắm, càng phải nỗ lực nhiều để theo kịp bạn bè. Kết quả cuối năm lớp 6, cô bé hoàn thành việc kiểm tra của cả hai học kỳ, đạt học sinh khá.
Còn năm lớp 7 và kết quả điểm năm lớp 8 mới đây, Phước đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô bé còn có tên trong đội tuyển để trường bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi lớp 9 năm học tới.
Học để trả ơn thầy cô, lo cho ngoại
Đi qua cả đoạn tuổi thơ cơ cực, cô bé chỉ ước mong mình có thể tiếp tục theo đuổi việc học dù biết phía trước còn rất nhiều vất vả khi ngoại tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu. Chưa kể việc bán vé số cũng không mấy thuận lợi, nhiều bữa ngoại bệnh, cô bé tranh thủ đi bán thay ngoại sau giờ học.
"Con sẽ cố gắng học tốt để không phụ lòng các thầy cô yêu thương và để còn có việc làm mà lo lắng, phụng dưỡng ngoại nữa" - Phước bày tỏ.
Nói về cô học trò nhỏ của mình, cô Nguyễn Thị Xuân Huyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 8/5 - cho biết là lớp phó học tập, Phước rất chăm ngoan, học giỏi và tích cực phát biểu trong giờ học, sẵn lòng giúp bạn nào chưa hiểu bài. "Hồi chưa có xe, Phước được bạn cho đi ké, nay được tặng xe đạp, mỗi ngày em đều đến chở một bạn chưa có xe đi học" - cô Huyên kể.
Chờ đón bài viết giới thiệu ứng viên
Học bổng Chắp cánh ước mơ do báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến thực hiện với kinh phí 19 tỉ đồng trong ba năm. Năm đầu tiên, chương trình dành 100 suất (4 triệu đồng/suất) cho học sinh THCS và THPT của 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các năm tiếp theo sẽ dành cho khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.
Học sinh phải có hạnh kiểm tốt, học lực khá giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, ý thức vượt khó vươn lên trong học tập. Đặc biệt, các trường hợp ứng tuyển học bổng phải được bạn bè cùng lớp, thầy cô ở trường, người dân trong vùng và bạn đọc báo Tuổi Trẻ giới thiệu với chương trình.
Bài viết về hoàn cảnh học sinh, sinh viên ứng tuyển học bổng không quá 800 chữ (file word). Các hình ảnh, video clip (nếu có) về trường hợp được giới thiệu vui lòng gửi thành file riêng, không dán chung trong file bài viết.
Bạn đọc gửi bài về email: [email protected]; ĐT: 0283.997.38.38 (gặp Ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ). Chương trình đang nhận bài viết giới thiệu, kéo dài đến hết ngày 5-6. Dự kiến lễ trao học bổng được tổ chức tại Đồng Tháp trong tháng 6.
Tính đến ngày 14-5, chương trình học bổng Chắp cánh ước mơ đã nhận được bài tham gia, giới thiệu của các tác giả: Lâm Bảo Sam, Đào Ngọc Như, Nguyễn Phương Ngân, Nguyễn Quách Tường Vi, Thạch Thị Ngọc Huynh (Sóc Trăng); Ngô Hồng Út Chiêu, Lê Xuân Dị, Phan Thành Đồng, Trần Thị Thanh Thúy, Võ Anh Thư, Hứa Công Thắng, Nguyễn Văn Hai (Cà Mau); Trương Minh Tuấn, Huỳnh Tiền Nhật, Hoàng Thụy Hoa Kiểng, Nguyễn Chánh Chơn (Đồng Tháp); Nguyễn Tấn Trung (Tiền Giang); Nguyễn Văn Định, Lư Thế Nhã (Bến Tre); Nguyễn Thị Huyền (Vĩnh Long); Trần Thị Phi Thường (Hậu Giang); Sang Nguyễn (Trà Vinh); Phan Huỳnh Quốc Sĩ (An Giang).
c
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận