Có bạn mất mẹ từ sớm, cha đi bước nữa không nuôi con. Có bạn vẫn còn đủ đầy cha mẹ song lại trơ trọi lớn lên như cây non tự sinh tự dưỡng giữa đời.
Mất mẹ, con ở với ngoại
Mẹ không may mắc bệnh hiểm nghèo và mất sớm. Nguyễn Khánh Ngân lúc ấy còn bé, em Ngân còn bé hơn. Được một thời gian, cha cũng có gia đình mới, để hai đứa con lại cho nhà ngoại nuôi dưỡng. Hai chị em hiện sống với ông bà ngoại tại thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh).
Nhưng cả ông và bà ngoại năm nay đã ngoài 80, không còn sức lao động nên càng vất vả kiếm tiền để nuôi hai cháu ăn học. Vì nhà ở quá xa trường, ngoại buộc phải thuê một căn trọ khác gần hơn để tiện cho em Ngân đi bộ tới trường. Còn Khánh Ngân đi lại bằng chiếc xe đạp được nhà hảo tâm thương tình tặng.
Ý thức gia cảnh nghèo khó, Ngân rất nỗ lực học tập. Kết quả năm học lớp 8 vừa kết thúc, Ngân đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Cô bé được bạn bè yêu mến không chỉ vì chăm ngoan mà còn luôn hòa đồng, sẵn sàng giảng lại bài trên lớp hoặc hướng dẫn bạn khác làm bài tập về nhà khi các bạn chưa giải được.
Khánh Ngân còn là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi học sinh giỏi cũng như các hoạt động Đội, hội thi nghi thức Đội các cấp của Trường THCS thị trấn Cầu Kè. Thấu hiểu gia cảnh, nhà trường luôn quan tâm giúp đỡ Ngân cả trong việc học cũng như cuộc sống nên có khi trao học bổng, lúc tìm nguồn tặng xe đạp, nhưng vì trường ở quê nên việc vận động cũng không dễ dàng gì.
Ngân cho biết dù khó khăn là thế song bạn quyết tâm phải học, không được đầu hàng. "Mình rất mong sẽ được trao học bổng này bởi ước mơ lớn nhất của mình là sẽ trở thành một giáo viên. Đó cũng là mong ước của mẹ khi còn sống" - Ngân bày tỏ.
Đứa con bơ vơ
Không mất cha mẹ song Nguyễn Ngọc Khánh Hưng, học sinh Trường THPT thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), có khác chi đứa con mồ côi! Hồi Hưng mới lên 3 tuổi, ba đã vướng vào ma túy, không làm ăn vì rơi vào nghiện ngập, quậy làng phá xóm và phạm pháp buộc phải đi tù. Mẹ Hưng vì vậy cũng chán nản bỏ lại đứa con thơ, biệt xứ đi làm ăn xa.
Hưng kể chỉ được nghe lại hình như mẹ đã có chồng khác ở Nha Trang vì lâu lắm rồi không còn liên lạc gì nữa. Một mình bà nội phải gánh luôn vai trò làm cha làm mẹ của đứa cháu tội nghiệp. Không nhà cửa, may mà hai bà cháu được bà Chín vốn là người làm giúp việc chung với bà nội Hưng không chồng con, thương tình cho hai bà cháu ở nhờ một khoảnh nhà bấy lâu nay.
Bà nội khi giúp việc nhà, lúc nuôi bệnh mướn trong bệnh viện, ai thuê gì làm nấy miễn có tiền nuôi cháu. Năm Hưng học lớp 7, bà nội gặp tai nạn khi đang đạp xe từ bệnh viện về sau giờ làm thuê. Sức khỏe của bà từ đó cứ yếu dần, không còn đi làm được nữa. Vậy là từ lúc ấy, Khánh Hưng bắt đầu đi làm thêm tự nuôi sống bản thân vừa lo cho nội và đi học.
Nội đã 85 tuổi, sức khỏe mỗi ngày một kém, lại phải thuốc thang bệnh người già nên gánh nặng cơm áo gạo tiền dường như là quá sức trên đôi vai gầy guộc của cậu học trò đang tuổi ăn tuổi lớn.
Mỗi ngày, sau tiếng trống trường kết thúc tiết 5 vừa vang lên cũng là lúc Hưng ba chân bốn cẳng chạy lẹ đến chỗ làm. Bạn làm ở đó đến 22h30, mỗi giờ làm thêm được trả lương 13.000 đồng. Thường 23h mới là lúc Hưng ngồi vào bàn học chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.
Hồi mới ra tù, cha Hưng thỉnh thoảng vẫn hay kiếm hai bà cháu xin tiền. Cũng không biết cha ở đâu, nghe người ta nói cha sống lang thang, quậy phá rồi mới đây lại vào tù lần thứ tư.
Thầy cô, bạn bè luôn thấy Hưng lạc quan, có mặt trong hầu hết các phong trào dù quỹ thời gian của bạn khá eo hẹp. Hưng nói mình luôn biết ơn dù chỉ là sự hỗ trợ nhỏ nhất của bất kỳ ai đó. Dẫu cuộc đời đầy bi kịch, Hưng vẫn cố gắng đến trường vì "chỉ có học mới mong đời mình thay đổi để còn có thể lo cho nội ngày một già yếu" mà bạn mong ước.
*********************
* Vì lý do tế nhị, tòa soạn không đăng ảnh bạn Khánh Hưng
Học bổng Chắp cánh ước mơ do báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến thực hiện với kinh phí 19 tỉ đồng trong ba năm. Năm đầu tiên, chương trình dành 100 suất (4 triệu đồng/suất) cho học sinh THCS và THPT của 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các năm tiếp theo sẽ dành cho khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận