My đang học lớp 10C5 Trường THPT Phú Tân (Cà Mau). Nhà em có lẽ nằm trong số nghèo nhất lớp mà khi biết hoàn cảnh gia đình, bản thân tôi là giáo viên chủ nhiệm nhiều khi ái ngại liệu em có đủ sức đi hết con đường học phổ thông!
1. Trà My sinh năm 2008. Cô bé hiện sống cùng cha mẹ và em gái. Gia đình Trà My tại khóm 7, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau) được xếp vào diện khó khăn. Cha cô bé là lao động tự do, bị bệnh tiểu đường type 2. Còn mẹ Trà My bị thoát vị đĩa đệm nên không thể làm được việc nặng.
Nhà cũng không có đất đai ruộng vườn gì nên thu nhập bấp bênh, ngày nào hay ngày đó. Bốn thành viên đang ở trong ngôi nhà lá lụp xụp, xiêu vẹo. Lá đang mỗi ngày một mục dần. Do mẹ không thể làm việc nặng, mấy việc trong nhà cần mang vác hay hơi nặng nhọc đều phó mặc trong tay Trà My.
Kinh tế gia đình chủ yếu do cha gánh vác. Cha làm theo thời vụ, không ổn định. Mà vùng quê cũng đâu có nhiều việc để người ta mướn cho làm hoài nên thu nhập cũng phập phù theo con nước lên xuống.
2. My còn một người em đang học lớp 9 tại Trường THCS Phan Ngọc Hiển. Nhà không có xe đạp, hai chị em toàn xin ké xe bạn mỗi ngày đi học. May mắn năm cuối THCS, My được nhà trường tặng xe đạp như chắp cánh ước mơ. Thương em, cô bé nhường chiếc xe lại cho em gái, còn mình lại tiếp tục hành trình đi học ké với bạn như trước đó.
Cơ cực lắm nhưng cha mẹ thương các con, cố gắng xoay xở và quyết tâm dù hoàn cảnh thế nào cũng phải ráng cho con theo cái chữ để thực hiện ước mơ, hy vọng đời con rồi đây không cơ cực như cha mẹ.
Bất kể nắng mưa, ai thuê gì cha My cũng mần, khi ở đầm nuôi tôm công nghiệp, lúc phụ hồ làm nhà, làm cầu đường. Có hôm người ta lại thấy ông được bà con thuê đào đất dù bệnh tình của ông không phải nhẹ.
3. Tôi làm giáo viên chủ nhiệm của Trà My từ đầu năm lớp 10. Cả lớp 47 bạn, nhưng riêng cô học trò này khiến tôi đau đáu vì liệu với hoàn cảnh gia đình bấp bênh vậy, làm sao My giữ vững niềm tin theo đuổi đam mê của mình. Kết quả học tập và hạnh kiểm học kỳ 1 của bạn tốt. My tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh của trường.
Cô gái ngoan hiền, được thầy cô, bạn bè yêu mến, lại rất tự giác, tinh thần trách nhiệm cao trong học tập. Hỏi về ước mơ, Trà My nói muốn theo học ngành sư phạm tiếng Anh với lý giải đơn giản "để mai này giúp học sinh hiểu hơn văn hóa các nước, tiếp cận và lan tỏa nhanh các xu thế hiện đại của tương lai". Ước mơ bình dị, cũng là xu hướng thời đại mà các bạn trẻ hôm nay bắt nhịp khá nhanh.
Tôi phần nào cảm phục sự cố gắng, nỗ lực mỗi ngày của cô trò nhỏ của mình trên con đường góp nhặt tri thức, kiến tạo tương lai. Cá nhân tôi thầm mong con đường ấy sẽ bằng phẳng, thuận lợi và có sự tiếp sức, hỗ trợ kịp thời để Trà My có thêm động lực, mạnh mẽ và tự tin hơn trên hành trình chạm đến ước mơ của mình.
Học bổng Chắp cánh ước mơ do báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến thực hiện với kinh phí 19 tỉ đồng trong ba năm. Năm đầu tiên, chương trình dành 100 suất (4 triệu đồng/suất) cho học sinh THCS và THPT của 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các năm tiếp theo sẽ dành cho khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.
Học sinh phải có hạnh kiểm tốt, học lực khá giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, ý thức vượt khó vươn lên trong học tập. Đặc biệt, các trường hợp ứng tuyển học bổng phải được bạn bè cùng lớp, thầy cô ở trường, người dân trong vùng và bạn đọc báo Tuổi Trẻ giới thiệu với chương trình.
Bài viết, thư giới thiệu về hoàn cảnh học sinh, sinh viên ứng tuyển học bổng không quá 800 chữ kèm hình ảnh, video clip (nếu có) do bạn bè, thầy cô, người thân viết hoặc giới thiệu.
Bạn đọc gửi bài viết về email: [email protected]; ĐT: 0283.997.38.38 (gặp Ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ). Chương trình đang nhận bài viết giới thiệu, kéo dài đến hết ngày 5-6. Dự kiến lễ trao học bổng được tổ chức tại Đồng Tháp trong tháng 6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận