Có khi chính các em đang dạy tôi nhiều bài học khác trong cuộc sống. Một trong số những học trò khiến tôi trăn trở không ít ấy là Phạm Bảo Quốc, học sinh lớp 11A5.
Ký ức tuổi thơ nhọc nhằn
Tôi nhận lớp khi Quốc vào lớp 10. Ấn tượng đầu tiên là cậu học trò người nhỏ thó nhưng đôi mắt sáng và miệng lúc nào cũng tươi cười. Tuổi thơ của Quốc không có cánh diều, cũng chẳng mong chiếc áo mới ngày cuối năm. Đó chỉ là chuỗi ngày theo mẹ đi khắp nơi làm mướn, ai thuê gì làm đó ngoài giờ đến trường.
Ký ức ấy in hằn những ngày nắng táp da, mồ hôi đầm đìa theo mẹ đi mần mướn, là hình ảnh mẹ chân đau lưng mỏi dắt díu hai đứa con nhỏ bán rau nhóm chợ sáng. Đó còn là nỗi nhớ mong người cha tha phương đất khách, lúc Phú Quốc, khi Bình Dương làm bốc vác, phụ hồ. Những hình ảnh ấy mơ hồ khiến cậu ám ảnh.
Vốn dĩ sức khỏe kém hơn anh trai ngay từ lúc được sinh ra nhưng Quốc luôn chăm chỉ, không chỉ khi làm mướn mà còn cả trong việc học. Không làm được việc nặng, Quốc phụ lo cơm nước trong nhà. Càng khó, Quốc càng muốn nỗ lực học hành.
Dù đôi lúc ngồi bên căn bếp nghèo, cuốn sách trên tay tranh thủ học bài mà lòng trăm mối khi nghĩ chuyện đường dài.
Lớn lên trong nghèo khó, Quốc thấu rõ nỗi cơ cực cảnh thiếu trước hụt sau. Căn nhà cột kèo ngả nghiêng, vách mái xác xơ theo mưa nắng. Mọi thứ cứ như đang cố nương vào nhau chở che những mảnh đời nhỏ.
Có lần trò chuyện cùng mẹ Quốc, tôi ám ảnh mãi lời bà: "Thằng Quốc là tài sản lớn nhất tui có được, nó thiệt thòi lắm, cuộc sống khắc nghiệt quá".
Khoảnh khắc đó, bất chợt nhìn qua Quốc, bắt gặp ánh mắt cậu rưng rưng. Với Quốc, chăm chỉ học hành cũng là cách báo hiếu. Đã thành quen, sáng nào cậu bạn cũng thức sớm nấu cơm cho mẹ rồi mới tới trường. Trưa về lại lúi húi lo cơm trưa, rồi tranh thủ ôn bài.
Phải học để thay đổi
Quốc là cậu học trò sáng dạ, học rất nhanh. Bạn luôn tranh thủ nghe giảng để học và nhớ bài ngay tại lớp. Cậu là học sinh giỏi nhất lớp môn địa lý và đứng hạng nhì toàn khối môn học này. Bạn cũng nhận kèm thêm cho hai bạn học yếu trong lớp.
Rời góc học tập, Quốc lại tay thùng tay dao đi làm cỏ, tưới rẫy mướn cho bà con trong xóm. Thấy thằng bé siêng học lại chăm làm, bà con cũng thương, nhờ vậy cũng có chút trang trải cuộc sống. Sáng sớm lo phụ mẹ hái rau cho kịp ra chợ sáng, ngày nào học hai buổi thì 5h30 chiều Quốc mới đi tưới rẫy thuê.
Vòng xoay cuộc sống vốn chật vật là thế nhưng Quốc bảo có gì vất vả đâu khi vẫn còn được đến trường đã là may mắn lớn nhất trong đời. Từ lúc đi học đến nay, chưa năm học nào cậu học trò nghèo ấy không là học sinh giỏi.
Quốc có niềm đam mê đặc biệt với môn địa lý nên luôn tự hỏi làm sao để tiếp thu kiến thức môn học này tốt hơn. Kiểm chứng năng lực bản thân, Quốc tham gia thi học sinh giỏi môn địa lý các cấp. Kết quả tốt nhất của Bảo Quốc chính là giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn địa lý năm học 2023 - 2024 vừa kết thúc.
Quốc tâm sự đôi lúc cũng tự hỏi làm sao để không trở thành gánh nặng của cha mẹ?
Là hỏi vậy để rồi chính cậu tự xốc lại tinh thần cho mình. Vì bạn ấy xem những gian truân trước mắt như là động lực đưa mình bước tới dẫu biết có không ít gập ghềnh, quanh co.
Muốn trở thành thầy giáo địa lý
Phạm Bảo Quốc muốn trở thành thầy giáo dạy địa lý. Ước mơ ấy bắt đầu không chỉ bằng nỗ lực, siêng năng học tập mà còn với cuộc bươn chải mưu sinh. Đến mùa vụ sẽ theo mẹ làm thuê việc đồng áng, hết vụ Quốc đi bán vé số.
Xóm nghèo ở quê ấy đã quen với hình ảnh cậu học trò một buổi đến trường, buổi còn lại rong ruổi với tiếng mời: "Mua giùm con tờ vé số cô ơi, chú ơi!". Nhiều người ủng hộ mua vé số vì thương cái tánh hiền lành, chăm chỉ của bạn.
Có ngày bán được 30 tờ, có hôm 50 tờ là có thêm vài chục ngàn đồng. Bữa nào trời mưa chỉ bán được vài tờ nhưng chưa lúc nào ý nghĩ bỏ cuộc xuất hiện trong đầu Quốc. Bởi mục tiêu phải vào đại học lớn hơn tất cả khó khăn bạn đang đối diện từng ngày.
Học bổng Chắp cánh ước mơ do báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến thực hiện với kinh phí 19 tỉ đồng trong ba năm. Năm đầu tiên, chương trình dành 100 suất (4 triệu đồng/suất) cho học sinh THCS và THPT của 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các năm tiếp theo sẽ dành cho khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.
Học sinh phải có hạnh kiểm tốt, học lực khá giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, ý thức vượt khó vươn lên trong học tập. Đặc biệt, các trường hợp ứng tuyển học bổng phải được bạn bè cùng lớp, thầy cô ở trường, người dân trong vùng và bạn đọc báo Tuổi Trẻ giới thiệu với chương trình.
Chương trình nhận bài viết giới thiệu đến hết ngày 5-6.
Dự kiến lễ trao học bổng được tổ chức tại Đồng Tháp trong tháng 6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận