PGS.TS Bùi Đình Phong |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Đình Phong - giảng viên cao cấp Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - chia sẻ:
- Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bắt đầu được triển khai từ chỉ thị 06 năm 2006 của Bộ Chính trị - theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ X.
Sau bốn năm thực hiện, tại Đại hội XI, Đảng đã đánh giá việc thực hiện chỉ thị 06, xem xét những mặt đã làm được và cả mặt chưa làm được để tiếp tục triển khai.
Văn kiện Đại hội XI nhận định: Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Đại hội X - về mặt học tập - chúng ta thu được một số kết quả như: làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức một cách có hệ thống hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn toàn bộ di sản Hồ Chí Minh nói chung - đặc biệt là di sản của Người về đạo đức.
Nhờ đó, nâng cao được nhận thức của cán bộ đảng viên, của nhân dân về tầm vóc, giá trị ý nghĩa của đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng, đối với công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh mặt đạt được, trong đánh giá của Đảng cũng lưu ý phần “làm theo” chưa đạt yêu cầu.
Từ đó, Đảng ta và Bộ Chính trị có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng ở một tầm mới với chỉ thị 03 theo một tiêu đề khác trước: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, không còn “vận động” nữa mà thay bằng “tiếp tục đẩy mạnh”.
Ấy là vì sau bốn năm thực hiện, mặc dù còn có thể có những điều chưa đạt, nhưng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải trở thành việc hằng ngày, thấm vào từng suy nghĩ, hành động. Theo tinh thần đó, từ năm 2011 đến nay, thực hiện chỉ thị 03, chúng ta đã thực hiện theo những chủ đề khác nhau.
Từ học tập đến làm theo vẫn còn khoảng cách
* Đạo đức có vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống tinh thần mà còn tác động đến quá trình phát triển. Sự suy thoái đạo đức có phải là lực cản với sự phát triển hiện nay?
- Tôi cho rằng trở lực phức tạp nhất, lớn nhất trên con đường đổi mới chính là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được thì không thể nói đến thắng lợi đổi mới.
Trước đây hay bây giờ cũng vậy, mối quan hệ giữa kinh tế với đạo đức, văn hóa luôn gắn bó chặt chẽ, tác động và thúc đẩy lẫn nhau. Đúng là hiện tại chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế, nhưng nếu chỉ quan tâm đến kinh tế đơn thuần mà buông bỏ việc giáo dục đạo đức thì không thể phát triển bền vững được.
Đã nhiều người đặt câu hỏi nếu so với các thập kỷ trước, những năm 1960 - 1970, thì bây giờ điều kiện kinh tế đã cao hơn nhiều nhưng tại sao đời sống văn hóa, đạo đức phát triển chưa tương xứng?
Bác thường nói “có thực mới vực được đạo”. Đúng là “có thực” - mà ở đây ta hiểu là nền tảng kinh tế - mới phát triển nhận thức, trong đó có đạo đức. Song không có nghĩa cứ “có thực” là “vực được đạo” và càng không phải “có nhiều thực” thì đương nhiên sẽ “có nhiều đạo”.
Vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt là đất nước đã nhiều “thực” hơn trước nhưng đạo đức chưa được bồi dưỡng đầy đủ. Do đó, việc Bộ Chính trị đề ra cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh là rất đúng đắn.
* Trung ương đã đánh giá việc thực hiện chỉ thị 06 ở mặt “làm theo” còn hạn chế. Vậy chúng ta khắc phục thế nào trong quá trình thực hiện chỉ thị 03 hiện nay, thưa ông?
- Cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, giáo dục cho mọi người - đặc biệt là cho cán bộ đảng viên, nhưng không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà phải biến thành nhận thức, từ nhận thức biến thành hành động mới là thước đo quan trọng nhất.
Cách đây chín năm, bắt đầu triển khai thực hiện chỉ thị 06, chúng tôi đã họp bàn “làm theo” nên hiểu như thế nào? Nếu hiểu theo nghĩa từ điển, “làm theo” là bắt chước, nhưng “làm theo” trong cuộc vận động này không phải như vậy.
Bây giờ, Đảng không yêu cầu chúng ta ăn cơm mắm, không yêu cầu chúng ta đi dép cao su, mặc áo vá… Làm theo là nắm được tinh thần đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, như các ví dụ trên, phải hiểu là tinh thần tiết kiệm của Bác còn nguyên giá trị.
Dù phần “học tập” đã phần nào có kết quả, nhưng rõ ràng phía trước còn nhiều việc phải làm để thực hiện tốt tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị.
Hằng ngày tôi đi nói chuyện các nơi, hội trường cũng tập hợp đông đảo, nhưng lại thấy rõ rằng sau buổi học ấy, việc đánh giá nhận thức người học thế nào, từ nhận thức biến thành hành động ra sao thì lại đang bị buông lỏng.
Dường như giữa học tập và làm theo vẫn còn khoảng cách. Vì chưa có đánh giá sát sao như vậy nên trong quá trình thực hiện ai làm tốt, ai làm chưa tốt chúng ta cũng không nắm được.
Còn thiếu vắng tấm gương…
* Phải chăng cái còn thiếu chính là những tấm gương đạo đức thuyết phục, thưa ông?
- Rõ ràng hiện nay chúng ta vẫn dừng lại ở câu chuyện chung chung, chưa xây được nhiều điển hình tiên tiến.
Ví dụ như năm 2015, chủ đề là học tập Bác sự trung thực, trách nhiệm thì phải tìm ra những người thật sự trung thực, lấy hiệu quả trách nhiệm công việc để đánh giá, rồi gắn bó với nhân dân, đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cũng vậy. Ai là người làm đúng theo tinh thần của chủ đề năm nay, ai chưa làm được đều phải làm rõ, chỉ rõ.
Nếu cho rằng thời đại ngày nay khó tìm được tấm gương cũng không hẳn đúng. Đúng là môi trường bây giờ phức tạp hơn, nhưng không phải vì thế mà không có những tấm gương.
Ví dụ ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy Hội An - là một gương điển hình tiêu biểu. Vẫn ở điều kiện chung ấy, vẫn trong cuộc sống này, vẫn môi trường như vậy, thậm chí sống giữa một thành phố được đầu tư mạnh, du lịch phát triển, cám dỗ nhiều, nhưng bí thư thành phố ấy vẫn là tấm gương tốt.
Cho nên không thể nói bây giờ khó có tấm gương mà một phần do cơ chế, phần khác do bản thân chúng ta ý thức tự rèn luyện, tự phấn đấu, vươn lên còn kém.
Bác đã từng nói ở một bộ phận cán bộ, trong hành động, suy nghĩ của mình còn đặt lợi ích cá nhân mình lên trên. Còn những tấm gương thật sự, họ đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, xa lánh vòng danh lợi. Một người làm được thì nhiều người cũng làm được, chỗ này làm được thì chỗ khác cũng làm được.
“Nhìn thẳng vào sự thật...” Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ. Song để đạt hiệu quả hơn, cần có những tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc. Phải quay lại tinh thần của Đại hội VI, trong mọi vấn đề phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, vì sao làm được, vì sao chưa làm được. Việc tổng kết bốn năm thực hiện chỉ thị 03 cũng phải theo tinh thần này. Nếu vẫn chung chung, đại khái, hình thức thì dù vẫn tiếp tục học tập, kết quả cũng không cao. |
Tuyên dương điển hình trẻ tích cực học tập và làm theo lời Bác Tối 17-5, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và tổng kết bốn năm thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đánh giá kết quả, Phó bí thư thường trực Thành đoàn Lâm Đình Thắng nói hằng năm Thành đoàn đều hướng dẫn cụ thể các nội dung để cơ sở chủ động chọn lựa hoạt động phù hợp thực hiện việc học tập và làm theo lời Bác. Bốn năm qua đã có nhiều công trình, phần việc thanh niên trọng điểm được các cơ sở Đoàn thành phố cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo anh Thắng, tuổi trẻ thành phố đã tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng các giá trị mẫu hình của thanh niên thành phố thời kỳ mới, cuộc vận động xây dựng phong cách cán bộ Đoàn. Cạnh đó, các hội thi “Tầm nhìn xuyên thế kỷ”, “Ánh sáng thời đại” đã giúp nhiều đối tượng bạn trẻ tìm hiểu sâu về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.Dịp này, 43 tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn. Thành đoàn cũng tặng giấy khen 96 tập thể vì đã thực hiện xuất sắc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận