17/05/2019 09:36 GMT+7

Học Bác là phải quyết liệt hành động

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Đó là điều Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn chia sẻ tại tọa đàm 'Giá trị di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh thiếu nhi hiện nay' được Trường Đoàn Lý Tự Trọng tổ chức ngày 16-5.

Học Bác là phải quyết liệt hành động - Ảnh 1.

Chị Chu Thị Hiền (Trường Đoàn Lý Tự Trọng) chia sẻ ý kiến tại tọa đàm - Ảnh: Q.L.

Bác là con người hành động, học Bác chính là phải quyết liệt hành động, làm việc có kế hoạch, đừng đề ra điều quá to tát rồi làm không được, mà mỗi việc cần thật cụ thể, gần gũi, hiệu quả.

Bí thư Thành đoàn PHẠM HỒNG SƠN

"Bác không viết riêng cho ai nhưng khi đọc từng dòng trong di chúc, mỗi chúng ta dường như sẽ thấy mình trong đó" - anh Sơn nói.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - GS.TS Võ Văn Sen cho rằng di chúc của Bác đề cập đến nhiều vấn đề lớn lao của đất nước, song đoạn nói về đoàn viên, thanh niên dù chỉ 75 chữ nhưng chính là cô đọng tư tưởng của Bác về thanh niên.

"Ở đó biểu lộ niềm tin vào tuổi trẻ. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn đặt niềm tin vào thanh niên, và Đảng Cộng sản do Bác sáng lập cũng chính từ một tổ chức yêu nước của thanh niên do Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo" - ông Sen phân tích.

Vậy nên, ngay sau khi nói về Đảng, Bác đề cập ngay đến việc chăm lo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đời sau, để thanh niên xứng đáng là người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên". Và đó không gì khác chính là đòi hỏi về đức và tài ở lớp người chủ tương lai của đất nước.

Theo chị Chu Thị Hiền (Trường Đoàn Lý Tự Trọng), đọc di chúc của Bác chính là cơ hội để tự soi rọi chính mình, để thấy lòng trong sáng hơn và để học, làm việc tốt hơn.

"Tôi nghĩ trong những điều bồi dưỡng cho thanh niên, hãy giúp các bạn có niềm tin vào bản thân, theo gương Bác lúc ra đi tìm đường cứu nước cũng là một thanh niên" - chị Hiền nói.

Bằng lăng kính trẻ thơ, bạn Phạm Vũ Thùy Dương (Trường THCS Lê Văn Việt, Q.Thủ Đức) bày tỏ được sống, học tập trên quê hương Việt Nam thanh bình, mỗi bạn học sinh nhớ về Bác không gì khác ngoài phấn đấu thành con ngoan trò giỏi, vì Bác luôn quan tâm giáo dục, chăm lo cho thiếu nhi.

Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Trẻ Dương Thành Truyền nhìn về di chúc của Bác không chỉ là di sản có một không hai, mà đó là một văn kiện chính trị độc đáo, bậc thầy về nghệ thuật sử dụng ngôn từ tiếng Việt. Chữ Tổ quốc trong tất cả các bản thảo di chúc Bác viết và sửa qua nhiều lần đều là chữ viết hoa. "Với Bác, Tổ quốc là trên hết, và đó là Tổ quốc ta" - ông Truyền phân tích.

Ông Dương Thành Truyền nói rèn luyện cách nói, cách viết để giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng là một cách học theo Bác.

Theo ông Truyền, tìm hiểu kỹ di chúc mới thấy tầm nhìn lịch sử của Bác bởi năm 1968, khi đất nước còn rất gian khó nhưng Bác đã nhắc việc cần làm ngay sau khi kết thúc chiến tranh là phải chỉnh đốn Đảng. Mà hiện nay đi đôi với xây dựng, Đảng ta vẫn đang thực hiện chỉnh đốn Đảng - điều Bác đã căn dặn hơn 50 năm về trước.

Chia sẻ điều này, GS.TS Võ Văn Sen nói thực tế hiện có một số cán bộ, đảng viên trẻ trưởng thành nhanh, đi lên từ phong trào Đoàn nhưng hư cũng rất nhanh! "Đó là điều đáng để chúng ta suy ngẫm trong trách nhiệm đào tạo người trẻ hiện nay sao cho đủ đức và tài, xứng đáng là lực lượng thừa kế như Bác mong muốn" - TS Sen phát biểu.

Bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn nói đó là điều mỗi người phải rèn luyện, tu dưỡng không ngừng. "Cuộc sống ai cũng đối diện nhiều cám dỗ. Nếu chúng ta quen với những cám dỗ thông thường thì sẽ dễ dàng chấp nhận những cám dỗ lớn hơn. Học Bác chính là đương đầu trước cám dỗ, vượt qua cái nhỏ sẽ vượt qua được cái lớn" - anh Sơn bày tỏ.

NSƯT Ca Lê Hồng: Học Bác Hồ từ cách dọn chén bát, học ngoại ngữ

TTO - Nữ nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng đã chia sẻ những kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ. Bà nói: 'Bác đã nhắc nhở, tôi mãi ghi nhớ trong suốt cuộc đời làm nghề'.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên