09/08/2013 09:17 GMT+7

Hoạt động giám sát còn nhiều hạn chế

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Ngày 8-8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có một bước tiến vượt bậc.

mEz3C6di.jpgPhóng to
TS Trần Du Lịch cho rằng nếu nói việc đi giám sát thực tế mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” cũng không quá đáng - Ảnh: Hữu Khá

Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội nghị, hoạt động giám sát còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, chưa giải quyết được những vấn đề cử tri bức xúc, nhất là trong lĩnh vực khiếu kiện. Nhiều vấn đề được giám sát, được đưa ra chất vấn tại Quốc hội nhưng sau đó rơi vào quên lãng, không đi đến cùng sự việc mà dân chúng đang bức xúc.

Đầu voi đuôi chuột

Tiến sĩ Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp chưa đi đến tận cùng nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra.

“Có thể nói trong những năm gần đây, uy tín của Quốc hội đối với cử tri được nâng lên, trong đó có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhất là tác động nâng cao trách nhiệm của người được chất vấn thì hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục.

Trước hết là chưa thực hiện triệt để khoản 4 điều 11: “Sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người chất vấn. Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết”.

Trên thực tế nhiều vấn đề bức xúc cử tri yêu cầu phải đi đến cùng của sự việc, đặc biệt là sự tranh luận giữa người chất vấn và người bị chất vấn để Quốc hội xem xét quyết định cuối cùng. Nhưng nội dung của kỳ họp hạn chế thời gian, không cho người chất vấn đủ thời gian tranh luận nên vụ việc chỉ mang tính chất vấn nêu vấn đề chứ không đi đến chỗ giải quyết vấn đề.

Trong nhiều trường hợp cử tri chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề mà đại biểu đó chất vấn tại kỳ họp đã giải quyết như thế nào thì bản thân người chất vấn cũng không biết kết quả trả lời ra sao. Do đó cử tri nhận xét rằng việc chất vấn của đại biểu Quốc hội xem ra đầu voi đuôi chuột cũng là dễ hiểu” - ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, các cuộc giám sát chuyên đề nhưng nội dung không sâu. Chủ yếu nội dung báo cáo giám sát chuyên đề dựa vào báo cáo và có ý kiến của cơ quan chịu giám sát, việc đi thực tế chỉ là nghe đối tượng giám sát báo cáo, người tham gia giám sát không đủ thông tin để phản biện, thời gian trao đổi hạn chế. Nếu nói việc đi giám sát thực tế mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” cũng không quá đáng. Hầu như hoạt động giám sát không có nội dung nghe ý kiến của đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà chỉ nghe ý kiến của người thi hành pháp luật. Ví dụ giám sát về khiếu kiện đất đai, nhưng không có nội dung nghe người khiếu kiện trình bày mà chỉ nghe cơ quan nhà nước nói.

Đồng tình với ông Lịch, ông Trần Ngọc Vinh, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, cho rằng: “Lâu nay chúng ta chưa coi trọng công tác “hậu giám sát”, đó là việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát với đối tượng được giám sát. Thực tế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị rất xác đáng của đoàn giám sát không được các đối tượng được giám sát tiếp thu một cách nghiêm túc. Do vậy không triển khai đầy đủ, dẫn đến chất lượng của hoạt động giám sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn và sâu xa hơn còn gây mất lòng tin của cử tri, nhân dân và cơ quan dân cử. Nói một cách khác là chúng ta chưa đi đến tận cùng của vấn đề. Phải theo đuổi đến cùng các kiến nghị, kết luận giám sát của mình, không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.

Chưa thành lập ủy ban lâm thời điều tra

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ thực tiễn hoạt động, các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định.

Đó là quy định về việc thành lập ủy ban lâm thời chưa được triển khai trong thực tế. Điều này được lý giải bởi hai khả năng: một là thực tế chưa có vấn đề nảy sinh đến mức Quốc hội phải quyết định thành lập ủy ban lâm thời để tiến hành điều tra và báo cáo với Quốc hội, hai là có thể có vấn đề nảy sinh nhưng những quy định về thủ tục chưa dẫn đến việc thành lập ủy ban lâm thời trong thực tế.

Thực tế hoạt động của Quốc hội, đã có lần đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập ủy ban lâm thời để xem xét một số vấn đề bức xúc nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và giải trình Quốc hội về việc chưa cần thiết phải thành lập ủy ban lâm thời. Những vấn đề nảy sinh cần giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dùng hình thức đoàn giám sát để tiến hành giám sát theo chuyên đề và báo cáo kết quả với Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề này, trong tham luận gửi các đại biểu dự hội nghị, ông Lê Bộ Lĩnh, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội, kiến nghị cần xác định vấn đề trọng tâm cần thành lập ủy ban lâm thời điều tra là những vấn đề liên quan đến hoạt động của bộ máy nhà nước, liên quan đến thi hành Hiến pháp và pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm lợi ích công. Cần xác định tiêu chí để xác định vấn đề cần thành lập ủy ban lâm thời để điều tra, đặc biệt cần làm rõ mối quan hệ với đối tượng của các hoạt động giám sát khác của Quốc hội.

Theo ông Lĩnh, phải xác định rõ thẩm quyền của người đề xuất, trong đó người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp có quyền đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của các cơ quan này. Cần quy định rõ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội từ kết quả hoạt động giám sát thường xuyên hoặc giám sát chuyên đề kiến nghị những vấn đề cần được Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để điều tra. Xác định rõ địa vị pháp lý, thành phần và thẩm quyền của ủy ban điều tra. Cần đảm bảo tính chất độc lập của ủy ban này trong quá trình điều tra, quyền yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp tài liệu, quyền triệu tập nhân chứng.

Ai giám sát Quốc hội?

Ông Lê Bộ Lĩnh đặt câu hỏi: “Quốc hội có quyền giám sát tất cả, vậy ai sẽ là người giám sát Quốc hội? Liệu các quyết định, đạo luật của Quốc hội ban hành ra tất cả đều chính xác không? Cái này chúng ta cần nghiên cứu kỹ để xem xét trong lần sửa đổi này”. Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng ai giám sát Quốc hội thì cần có sự phân công. Còn vấn đề các quyết định, luật của Quốc hội ban hành có sai hay không thì phải trải qua thực tế, sau đó có sự giám sát và điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng: “Đối với các nước tam quyền phân lập thì giám sát lẫn nhau rất dễ. Còn ở chúng ta quyền lực là thống nhất. Hành pháp, tư pháp không thể giám sát Quốc hội được. Suy cho cùng thì chỉ nhân dân mới có quyền giám sát Quốc hội và thực hiện quyền giám sát Quốc hội thông qua giám sát từng đại biểu Quốc hội như vẫn làm hiện nay”.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên