Phóng to |
Tác phẩm Tham dự - Ảnh: VIỆT QUÊ |
Dùng cả thảy 250 tượng đồng (từ 50 mẫu tượng và đầu 12 con giáp) chỉ bằng nắm tay để bày ra một hoạt cảnh đời người. Vòng đời sinh bệnh lão tử và thất tình lục dục là ý niệm chính để Chinh Lê mượn điêu khắc chuyên chở, thể hiện. Có hơi khác một chút với các nghệ sĩ điêu khắc khi dụng công tạo hình để diễn giải thông điệp, Chinh Lê tạo hình để hóa vào đó cảm xúc nhiều hơn.
Từng vẽ những gì đã qua trong đời sống và vẽ những gì như cảnh giới tiềm thức, lần này Chinh Lê làm điêu khắc lại muốn nhúng vào cái đang diễn ra nhiều hơn, do đó cũng đời hơn. Từng cụm tượng như bày ra hoạt cảnh: bắt tay làm ăn, cụng ly xã giao, họp, bươn bải trên đường, đi dưới mưa, gặp động đất, tập dưỡng sinh, học đạo... rồi cuối cùng là nằm xuống.
Để có được những mẫu tượng sinh động đó, Chinh Lê đã bỏ ra khoảng bốn năm trời rong ruổi trong miền cảm xúc của mình. Nếu như nhà văn dùng chữ viết để sáng tạo nên nhân vật của mình, thì Chinh Lê chủ yếu dùng đất để nặn nên nhân vật (đúc đồng là công đoạn cuối cùng). Việc Chinh Lê chọn làm tượng nhỏ cũng là để vừa ngẫu hứng mà vừa quán xuyến được trong lòng bàn tay mình, làm cho đến khi nhân vật có hồn vía.
Điều thú vị khi xem tác phẩm của Chinh Lê là trước sau chỉ một màu đồng lại thấy được rất nhiều màu của tâm trạng. Tùy từng không gian cụ thể mà việc sắp đặt tượng cũng có thể thay đổi, sự tương tác mẫu tượng gợi tương quan ý nghĩa, sự phản chiếu ánh sáng tạo hấp lực thị giác cũng có thể khác nhau ở từng góc nhìn. Do vậy, tượng tuy bé nhưng vẫn khiến tim ngợp như đứng trước vật kỳ vĩ.
Triển lãm không có tên. “Bởi mỗi tác phẩm đã có tên” - Chinh Lê giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận