Sự kiện do Bộ Quốc phòng phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Già làng Ksor H'Lâm, chiến sĩ thời chiến và thời bình
Từ làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, già làng Ksor H'Lâm ra Hà Nội để dự chương trình Con đường lịch sử.
Năm nay bà Ksor H'Lâm tròn 80 tuổi. Kể lại hành trình trở thành một trong những nữ già làng hiếm hoi của Tây Nguyên, bà kể "dân nói người nào có uy tín, có khả năng làm được và hiểu dân làng thì bầu".
Thời chiến tranh chống Mỹ, già Ksor H'Lâm là một nữ chiến sĩ gan dạ; thời bình, với vai trò già làng, bà đã giúp đồng bào mình phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.
30 năm làm già làng, già làng Ksor H'Lâm nói bí quyết để giữ bản làng bình yên nơi biên giới đó là "phổ biến tình hình an ninh trật tự cho dân; có khách lạ mặt, phải tới báo cho biên phòng, chính quyền biết".
Ra đây, già làng không quên mang gùi khoai, sắn, bắp, vải thổ cẩm… "Không phải là thứ gì giá trị lớn lao nhưng là tấm lòng và bàn tay của người dân làm ra, mang ra tặng bộ đội", bà Ksor H'Lâm chân thành kể.
Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Bộ Quốc phòng lên sân khấu trao huy hiệu 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tới già làng Ksor H'Lâm, trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của chương trình.
Những con đường lịch sử không thể nào quên
Chương trình nhắc lại những con đường được ghi tên vào lịch sử hiện đại Việt Nam. Đó là Đường mòn Hồ Chí Minh, một trong những con đường biểu tượng của ý chí Việt Nam, với tổng chiều dài toàn tuyến lên tới hơn 20.000km xuyên Bắc - Nam và 3 nước Đông Dương.
Đây là con đường mà theo lời tướng William C.Westmoreland, nguyên tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam nói "các vũ khí, khí tài tối tân của Mỹ đã không ngăn cản được tuyến vận tải chiến lược của quân đội Bắc Việt Nam".
Còn GS sử học Chris Appy nhận xét: "Cứ khi nào bị phá hủy thì nó lại hồi sinh. Tình yêu nước nồng nàn và niềm tin vào chiến thắng là điều tạo nên sức sống không thể bóp nghẹt của mạng lưới đường mòn".
Báo cáo đã được giải mật của Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ đánh giá đây là "một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20".
Khán giả truyền hình cũng có cơ hội xem phóng sự Con đường trên biển của những con tàu không số, kể về những chuyến đi bí mật, đó là sự đùm bọc bất chấp nguy hiểm của nhân dân với bộ đội tại những bến nơi đoàn tàu cập bến.
Câu chuyện của cựu chiến binh Lê Văn Nốt, thuyền viên tàu 401; cựu du kích thôn Lộ Diêu Trần Văn Đích… làm sống lại ký ức bi hùng về tàu 401, tàu không số đầu tiên cập bến Lộ Diêu, Hoài Nhơn, Bình Định.
Đây là một trong hàng trăm chuyến tàu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, cùng với các chuyến tàu không số khác đã vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men và hàng ngàn lượt cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Chương trình nghệ thuật chính luận hoành tráng
Con đường lịch sử là một chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt. Không chỉ có các phóng sự, hình ảnh tư liệu, phỏng vấn nhân vật, còn có nhiều tiết mục văn nghệ được đầu tư dàn dựng công phu, hoành tráng.
Chương trình được mở màn bởi ca khúc Vì nhân dân quên mình, kế đến là Quân đội ta quân đội anh hùng. 1.800 chiến sĩ đến từ các lực lượng hải quân, lục quân, phòng không - không quân và quân nhạc, tiêu binh đã cùng thực hiện màn đồng diễn hoành tráng.
Đáng chú ý, nhạc kịch là một điểm nhấn của chương trình. Nhân vật em bé Hồng, dựa trên hình tượng nhân vật trong hồi ký Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được chọn làm hình tượng nghệ thuật xuyên suốt.
Trong đó nhạc kịchTrận đầu phải thắng và Đâu có giặc khiến chương trình Con đường lịch sử càng thêm bi tráng.
NSND Quang Thọ và nhóm Dòng thời gian mang tới những giai điệu hào hùng của ca khúc Chiến thắng Điện Biên.
Đức Tuấn thể hiện Cờ Việt Minh và NSND Tạ Minh Tâm xuất hiện hát vang ca khúc Ta ra trận hôm nay, cùng hàng trăm chiến sĩ tái hiện cảnh hành quân ra mặt trận nối dài thêm vào đại cảnh của một con đường lịch sử của cả dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận