Hoàng tử Lý Tông

TATYANA SCHEPKINA-KUPERNIK 21/04/2021 00:05 GMT+7

TTCT - Tatyana Schepkina-Kupernik (1874 - 1952), nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và dịch giả nổi tiếng người Nga. Thời trẻ bà từng đi du lịch nhiều nơi, năm 1902 bà đã đến thành phố Alger của Algeria, khi ấy là thuộc địa của Pháp. Tại đấy, qua sự giới thiệu của bạn bè trong giới, bà đã làm quen và kết giao với vua Hàm Nghi, khi đó đang bị người Pháp “an trí” tại El Biar, cách thành phố Alger 5 cây số. Cuộc gặp gỡ với vị cựu hoàng đã được bà kể lại qua truyện ngắn “Hoàng tử Lý Tông (Lee Tzong)”, được xuất bản lần đầu trên một tạp chí ở Matxcơva vào năm 1903.

 
 Vua Hàm Nghi trong thời gian lưu đày -(ảnh tư liệu)

Hoàng tử Lý Tông...

Chẳng phải sao, có điều gì đó trong cái tên này gợi nhớ đến tiếng vỡ vụn của đồ sứ; một thứ thật thê lương, buồn bã và dịu dàng, như âm thanh của một vật mong manh tạo ra khi nó không còn tồn tại, tuân theo quy luật vĩnh cửu của sự hủy hoại, không thương tiếc gì đến sự tồn tại của món trang sức quý giá, cũng như mạng sống con người?

Hoàng tử Lý Tông!

“Ở một vương quốc, một đất nước nào đó...” Câu chuyện của tôi bắt đầu như chuyện cổ tích, và chẳng có gì lạ cả: đó là một xứ sở tuyệt vời ở Viễn Đông, nơi những người dân da vàng lặng lẽ sống trong những túp nhà tranh vách nứa, thờ phụng Đức Phật vĩ đại trong những đền chùa đầy màu sắc, nơi những con voi thuần dưỡng chở những phụ nữ nhỏ bé trùm kín, như những bức tượng nhỏ bằng ngà voi, trong chiếc kiệu; nơi trong rừng dừa, bầy vẹt rộn rã véo von, và lũ khỉ đu người trên những dây leo chắc chắn, ném mình từ cây này sang cây khác, và trên những cánh đồng ngô hay trên nương lúa, đám thợ gặt phong phanh trong bộ quần áo màu xanh nhạt đang làm lụng... Trong cái thế giới yên bình ấy, ngày xửa ngày xưa ấy (như trong mọi chuyện cổ tích) có một hoàng tử bé.

Chàng tốt bụng và hạnh phúc. Được nuôi dạy bằng sự sành sõi của phương Tây hòa trộn với sự tinh tế của phương Đông; nhưng từ phương Tây chàng chỉ tiếp nhận những khía cạnh rực rỡ: thơ ca, nghệ thuật, kho tàng khoa học; hoàng tử có thể hiểu được lời yêu đương của người đẹp da trắng thì thầm với chàng một cách thoải mái cũng như lời giảng đạo khô khan của nhà truyền giáo phương Tây... Song, được các bậc thánh hiền của đất nước mình chỉ dạy, chàng đã nguyện theo Khổng giáo và lấy đó làm phép xử thế...

Vào một buổi sáng định mệnh tại một xứ sở yên bình, huyền ảo, đầy màu sắc, người ta biết được rằng phương Tây không chỉ có những nhà khoa học vĩ đại và những nhà thơ lừng danh, mà còn có những kẻ lăm lăm trong tay vũ khí sáng loáng và đạn dược chết người, mang đến sự hủy diệt.

Hoàng tử bé khốn khổ đã không nghi ngờ gì...

Cái chết và nỗi tuyệt vọng đổ ập vào đất nước chàng: khi đi ngủ là một hoàng tử, rồi khi tỉnh giấc... trở thành một tù nhân.

Chàng đã bị bắt và bị giải đi. Những kẻ cai trị mới của đất nước đã lựa chọn việc phủ cái bóng câm lặng lên ngai vàng của cha ông, còn chàng bị bắt làm con tin vĩnh viễn, suốt đời.

Cái lạnh sẽ rất kinh khủng với hoàng tử trẻ tuổi yếu ớt; và vì thế những kẻ chiến thắng khoan dung sẽ giam chàng vào ngục... Tôi đã nhầm! Họ đưa chàng đến một biệt thự màu trắng dưới bầu trời châu Phi nóng bỏng; và biển cả đã chia cắt chàng khỏi quê hương, mà số phận không cho phép chàng gặp lại.

Ở đó là quê hương chàng; còn ở đây là bậc thang dẫn xuống nấm mồ.

Nhưng hoàng tử vẫn sống... chàng sống chỉ với một ước muốn là nấm mộ của chàng sẽ lại trở về quê hương, và đôi lúc niềm hi vọng ấy khiến đôi mắt đen luôn u buồn của chàng rực lên như một ngọn lửa...

Lần đầu tôi gặp hoàng tử Lý Tông trong phòng khách của một khách sạn sang trọng ở Alger, một thành phố ngộ nghĩnh, nơi nền văn minh châu Âu đan xen một cách lạ lùng với sự nhếch nhác và bẩn thỉu của phương Đông; tựa như những bóng trắng trùm kín mít của phụ nữ Ả Rập lướt qua bên cạnh những thân hình đỏm dáng của phụ nữ Pháp, những cỗ xe thời Victoria bảnh bao vượt qua những con lừa do bọn trẻ cởi trần làn da sạm màu đồng đang cưỡi, những chiếc ôtô bon nhanh dưới bóng cọ, những đền thờ Hồi giáo trắng muốt bên cạnh nhà thờ Công giáo, tiếng hô của một muezzin hay thanh âm của tiếng trống làm gián đoạn điệu waltz của Meter!

Dáng người nhỏ nhắn của hoàng tử (do những người bạn chung của chúng tôi giới thiệu) trong bộ trang phục nửa Âu nửa Á ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Một chiếc khăn xếp màu trắng trùm lên bím tóc dài, áo dài đen với tay áo rộng xuống phía dưới, lót lụa xanh lá cây sáng (màu của quê hương anh); nước da ngăm ngăm vàng phảng phất màu ngà voi già, đôi mắt đen rất u buồn và rất thông minh, xếch lên phía thái dương, bàn tay và bàn chân nhỏ - tất cả những điều này khiến ta liên tưởng đến một bức tượng quý do bàn tay khéo léo của một nghệ nhân phương Đông chạm khắc.

Nhưng giọng nói của anh ngay lập tức gây ấn tượng với tôi nhiều hơn cả. Đó là một giọng nói êm tai, có thể diễn tả là rất nhẹ. Đặc biệt là lối phát âm (không phát âm z và s, mà tựa như v và f thì đúng hơn, bật ra âm hơi, nhận thấy rõ) khiến giọng nói của anh có vẻ gì đó như trẻ con, bất lực, gây xúc động.

Có lẽ, do tôi đã quen và yêu thích chuyện cổ tích, nhưng dường như tôi đã gặp hoàng tử bé ở đâu đó từ rất lâu rồi, tôi không rõ trên kệ sách, trong sách, hay trong tranh, song tôi đã gặp; còn anh đã chiếm cảm tình tôi bằng sự giản dị và một vẻ gì đó đáng tin cậy khiến anh trông như một đứa trẻ đã lớn.

Tại cung điện nhỏ, hay nói đúng hơn là biệt thự của hoàng tử, chúng tôi tụ tập vào ngày sau hôm làm quen để dùng bữa sáng.

Từ sau hàng rào trắng có thể nhìn thấy một khu vườn, những ngọn cọ vươn cao; ẩn sau chúng là ngôi biệt thự trắng mái bằng theo phong cách Ả Rập. Sân trong được lát gạch men ca rô, trắng và xanh; những đài phun nước róc rách và nhỏ giọt theo đường ống hẹp, những chùm hoa mỏ hạc tươi tốt uốn lượn bám dọc hàng rào, khiến không khí tràn ngập một mùi hương nồng; và những bông hồng đỏ thắm bao bọc cả ngôi nhà.

Trong màu xanh rậm rạp của khu vườn quyến rũ bị bỏ quên, giữa những cây dương xỉ khổng lồ, đó đây những bụi huệ lồng đèn hay layơn đỏ thắm, không phải trong những bồn hoa nhân tạo, mà mọc tự nhiên.

“Tôi không chèn ép những bông hoa của tôi...” Hoàng tử chỉ tay vào khu vườn và nói với tôi, “cứ để chúng được hưởng tự do ở đây”.

Rồi anh mỉm cười, nụ cười ấy còn làm nhói lòng hơn nước mắt... Quả thật, hoa cỏ mọc tự do và tận hưởng sự tự do ấy. Đám dây leo lơ lửng trên đầu chúng tôi như những tràng hoa, rải từ bên này sang bên kia của lối đi; hoa hồng uốn mình qua tán cây; những bụi hoa xa lạ với châu Âu, rải rác với những chùm hoa như những quả chuông nhỏ màu đỏ tươi, những chùm hoa hình sao màu tím nhạt, hoặc những chiếc tách bằng vàng dài, tựa như những chiếc bình cổ hẹp, từ đó tỏa ra mùi vani làm ngây ngất. Trên cành cây, lũ chim không ngừng chơi bản giao hưởng riêng của chúng, và những con bướm sặc sỡ khổng lồ, vàng, đỏ, tím, bay lượn trên không trung, y như những cánh hoa bay lên từ những bụi hoa.

Ánh nắng lấp loáng trên những viên gạch men sáng bóng, làm chói chang những bức tường trắng của ngôi biệt thự... Và toàn bộ góc này, với cái tên nghe thật du dương “El Biar”, dường như được tạo ra cho hạnh phúc, cho niềm vui, cho cuộc sống...

Mọi người cất tiếng trầm trồ khen ngợi, còn tôi nhìn chủ nhân của góc thiên đường này và đọc được trong mắt anh một nỗi niềm, rằng với anh không có hoa, không có nắng, không có niềm vui.

 
 Vua Hàm Nghi trong thời gian bị lưu đày (Ảnh tư liệu)

Ngôi nhà của hoàng tử là một sự pha trộn kỳ lạ giữa châu Âu và châu Á. Mọi tiện nghi hiện đại - và ghi nhận ban đầu là nhiều “đồ trang trí” (chinoiseries) được bày biện trong phòng khách hợp thời trang, chỉ có điều ở đây không phải là những đồ nội thất tầm thường được mua bán, mà là những thứ được chủ nhân yêu quý và trân trọng: những tấm trướng bằng lụa treo tường, với lời dạy của Khổng Tử được dệt bằng sợi vàng, các nhạc cụ của đất nước anh, những quyển bản thảo, mực tàu và bút lông trên bàn viết, chiếc chiếu trên sàn; và ngay đó là một cây dương cầm, một cây vĩ cầm, tập bản nhạc, trong đó tôi thấy có cả nhà soạn nhạc Glinka của chúng tôi, giá vẽ với một bản phác thảo chưa hoàn thành; khắp nơi trên tường treo những bức ký họa của hoàng tử, những bức tranh của anh cho tôi thấy tâm hồn của một nghệ sĩ lớn ẩn chứa trong thân hình nhỏ nhắn như được làm bằng ngà voi này.

Khu vườn của anh... tàn tích của một cổng vòm La Mã ở Timgad... biển vào lúc hoàng hôn màu hồng... tàn tích thành Constantine và những rừng cọ El-Kantara, mái vòm trắng của lăng mộ Marabou, những đứa trẻ da sẫm màu - tất cả những thứ ấy, như những vật thể sống nhìn từ khung tranh.

“Thật tội lỗi khi ngài không triển lãm tranh của mình ở Paris, thưa hoàng tử!” Một phụ nữ Pháp dễ mến có mặt ở đấy nông nổi lên tiếng.

Anh hơi tái mặt và trả lời với vẻ lịch thiệp hào hoa, nhưng kiên quyết:

“Tôi nghĩ thật tội lỗi nếu trưng bày tranh của mình ở Paris!”.

Tôi nhận thấy ý nghĩa thực sự của câu trả lời này đã quá rõ ràng.

Sau bữa sáng, được phục vụ hoàn toàn theo phong cách Paris, khăn trải bàn điểm hoa violet trắng và hoa hồng Bengal, thứ mà lẽ ra được vinh danh cho chính Paillard, hai người phục vụ trẻ tuổi mặc áo dài như hoàng tử, có điều dài hơn nhiều, tóc thắt bím. Họ bước đi lặng lẽ trong đôi dép trắng; và khi hoàng tử hỏi một câu bằng tiếng của họ, họ trả lời rất khẽ bằng một giọng khó lòng nghe được, cứ như thể tiếng của những chiếc tách sứ trên khay va vào nhau leng keng. Họ là hai thanh niên xuất thân từ gia đình quyền quý, những người tình nguyện đi theo hoàng tử. Và trong ngôi nhà cổ tích này, giữa những con người trầm lặng này, tiếng nói chuyện ồn ào, vui vẻ của những người nói bằng tiếng Pháp chúng tôi dường như không được bình thường.

Mọi người quyết định đi dạo. Những cỗ xe ngựa đợi chúng tôi trong sân. Hoàng tử đưa tôi lên cỗ xe nhỏ hai bánh dog-cart, do chính anh cầm cương, những người còn lại lên cỗ xe mui trần Landau.

Con ngựa trắng như tuyết, Boule-de-Neige (Tuyết Cầu), con ngựa yêu thích của hoàng tử, kéo chúng tôi lướt nhanh trên những con đường tuyệt đẹp của El Biar và vùng ven Alger. Thi thoảng, tại những khúc đường quanh mở ra toàn cảnh bức tranh ngọn núi xanh xanh Kabilia ở phía xa với những ngôi làng trăng trắng rải rác trên sườn núi, và mặt biển xanh biếc sống động lấp lánh; đôi lúc con đường chạy dọc theo những cánh đồng có rào chắn bằng những cây dứa sợi và xương rồng. Những thanh kiếm bén ngót của dứa sợi và lá chắn đầy gai nhọn của xương rồng, loài cây có lẽ do thiên nhiên tạo ra trong thời chiến tranh, như một Penthesilea nổi trận lôi đình, như thể chúng muốn chắn lối vào những ngọn đồi mà trên đó là những cụm hoa diên vĩ trắng, tím và cỏ mộc tê reseda.

Trước sự ngưỡng mộ của tôi, hoàng tử dừng ngựa, leo lên đồi và hái tặng tôi những bông hoa ấy, mà với tôi, một người phương Bắc, thì đó là điều xa xỉ.

Cầm bó hoa thơm trong tay, dưới bầu trời châu Phi, bên cạnh hoàng tử bé, tôi có cảm giác dường như mình đang đọc một trang thơ kỳ lạ, một truyện giả tưởng nhẹ nhàng, duyên dáng của Loti...

Và cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu: cuộc trò chuyện giữa hai con người, hai nền văn minh, hai chủng tộc khác nhau.

“Đừng nói về quê hương của anh ấy!”. Tôi nhớ đến lời cảnh báo của bạn bè... “Vì Chúa, đừng nói về quê hương của anh ấy”.

Nhưng, rõ ràng, những gì anh không muốn và sẽ không nói với những kẻ chinh phục đất nước mình, những gì đang run rẩy trong tim anh và tìm lối thoát ra ngoài, sẽ dễ dàng hơn để trao đổi với một người ở nước Nga xa xôi; chắc chắn cái chạm tay của tôi không thể làm tổn thương anh; và chính anh là người đầu tiên, bất ngờ, hấp tấp, nói với tôi về quê hương của mình.

Anh nói về đức tin của mình, về triết lý vĩ đại của Khổng Tử, về việc anh đang viết một tiểu luận triết học bằng tiếng mẹ đẻ diễn giải về Nho giáo. Rằng anh chưa nói điều này với ai, nhưng đó là mục tiêu của đời anh; anh nói về thủ đô của nước mình, về ngai vàng, đã bị chiếm bởi bọn người không có quyền hạn này, trong khi đó anh đã bị tước mất quyền, thậm chí nhìn lên bầu trời quê hương mình... Và không chỉ với quê hương, kể cả để đi ra ngoài trong vài giờ, anh cũng phải xin phép. Anh nói rằng anh ghen tị với tôi vì tôi có thể chu du khắp nơi nhiều như vậy...

“Hãy kể tôi nghe về quê hương của cô!”.

Đoạn anh nói:

“Tôi rất muốn chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi, cảnh thảo nguyên của đất nước cô...”.

“Mời ngài đến chỗ chúng tôi!”. Tôi bật ra thành lời mà không hề suy nghĩ.

Hoàng tử cúi đầu thật thấp.

Khi ngước lên nhìn tôi, đôi mắt anh đẫm ướt.

“Je suis un pauvre oiseau avec fil à la patte...” [Tôi là con chim khốn khổ bị sợi dây trói chân... (nguyên văn tiếng Pháp)]. Anh khẽ nói với nụ cười quen thuộc, nụ cười làm nhói lòng.

Và lúc này tôi mới hiểu ra một điều rằng với một hoàng tử thuộc dòng dõi lớn, có ngôi biệt thự trắng, kẻ hầu người hạ, vàng bạc... thà làm một kẻ ăn xin ngồi trong xó nhà, ăn bận rách rưới, toàn một màu nâu dưới chiếc khăn xếp trắng, mà chúng ta ném cho một đồng xu lẻ, còn cảm thấy hạnh phúc hơn, bởi lẽ với anh ta sự giàu sang tột đỉnh, hạnh phúc tột đỉnh, món quà quý giá nhất: chính là tự do! Và đất nước nghèo khó ban cho ta sự tự do còn đẹp hơn biết bao lần những thứ xa hoa kỳ lạ của xứ sở này, nơi con chim bất hạnh bị buộc chân bằng sợi xích vàng.

Hoàng tử Lý Tông...

Chẳng phải sao, có điều gì đó trong cái tên này gợi nhớ đến tiếng vỡ vụn của đồ sứ; một thứ thật thê lương, buồn bã và dịu dàng, như âm thanh của một vật mong manh tạo ra khi nó không còn tồn tại, tuân theo quy luật vĩnh cửu của sự hủy hoại, không thương tiếc gì đến sự tồn tại của món trang sức quý giá, cũng như mạng sống con người?■

(*) PHẠM NGỌC THẠCH dịch.

 Chân dung T.L. Shchepkina-Kupernik,  Tatyana Schepkina-Kupernik (1874 - 1952, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và dịch giả nổi tiếng người Nga) do họa sĩ Nga Ilya Repin vẽ năm 1914.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận