Nhiều khán giả tóc đã bạc phơ đến dự sự kiện "Hoàng tử bé và hành tinh B612" - Ảnh: HUỲNH VY
'Trong ngày 27-2, ở TP.HCM có đến 3 sự kiện văn hóa đặc sắc, vì sao tôi chọn đến với ‘Hoàng tử bé và hành tinh B612’? Có lẽ vì tôi đã hâm mộ Saint-Exupéry từ bé, và như ông đã viết, tôi cũng từng là trẻ con'...
Đó là những tâm tình đầy xúc động của không riêng GS.TS Huỳnh Như Phương mà còn của nhiều khán giả góp mặt trong sự kiện Hoàng tử bé và hành tinh B612, diễn ra sáng 27-2 tại Nam Thi House, TP.HCM.
Các em nhỏ từ Hội quán Các bà mẹ trình diễn bộ sưu tập áo dài "Hoàng tử bé" tại sự kiện - Ảnh: HUỲNH VY
Sau hơn 70 năm ra đời, được dịch ra hơn 270 ngôn ngữ với 1.300 bản dịch, và nằm trong top sách bán nhiều nhất trên thế giới, tác phẩm Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry vẫn tiếp tục làm say mê bao thế hệ độc giả.
"Hoàng tử bé được viết dựa trên cảm hứng từ một tai nạn máy bay năm 1935 của Saint-Exupéry. Ông gặp tai nạn và rơi xuống giữa sa mạc khi đang trong hành trình lập kỷ lục bay xuyên lục địa từ Paris đến Sài Gòn. Có thể nói, nếu ông không muốn bay đến Việt Nam, đã không có tai nạn và những chiêm nghiệm đặc biệt để tạo nên Hoàng tử bé" - dịch giả Nguyễn Tấn Đại chia sẻ về sự liên quan giữa Hoàng tử bé và Việt Nam.
Dịch giả Nguyễn Tấn Đại (trái) chia sẻ về mối duyên thú vị giữa "Hoàng tử bé" và Việt Nam - Ảnh: HUỲNH VY
Câu chuyện về những bản dịch của Hoàng tử bé cũng thu hút khán giả.
Năm 2000, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Saint-Exupéry, Nguyễn Tấn Đại có dịp tiếp cận bản in đầu tiên của tác phẩm, in ngày 13-4-1943 bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cũng là bản in Hoàng tử bé duy nhất khi Saint-Exupéry còn sống và được ông chấp nhận. Không hiểu vì sao, bản gốc này đến năm 1999 mới được tái phát hành.
Dịch giả Nguyễn Tấn Đại đã quyết định dịch lại Hoàng tử bé từ nguyên bản tiếng Pháp với góc nhìn trẻ thơ. Bản dịch được đánh giá là tìm về "nguyên sơ" nhất, cũng là một trong các lý do giúp bản dịch được chọn làm ngữ liệu sách giáo khoa Ngữ văn 6.
Ấn bản "Hoàng tử bé" dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của NXB Phụ nữ Việt Nam - Ảnh: HUỲNH VY
GS.TS Huỳnh Như Phương cũng phát biểu tại sự kiện: "Tôi được các giáo sư giới thiệu đọc Hoàng tử bé từ năm đệ thất (tương đương lớp 6). Bản dịch đầu tiên là của dịch giả Bùi Giáng, rất tài hoa tài tử, rất thơ.
Khi tiếp cận bản dịch mới của dịch giả Nguyễn Tấn Đại dựa trên nguyên bản tiếng Pháp, tôi thấy có nhiều thay đổi thú vị. Dù trên kỷ niệm tôi thích bản dịch của Bùi Giáng, nhưng tôi ủng hộ các anh chị dùng bản dịch này cho bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống".
GS.TS Huỳnh Như Phương chia sẻ tại sự kiện "Hoàng tử bé và hành tinh B612" - Ảnh: HUỲNH VY
Là thành viên biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn 6, TS Nguyễn Thị Nương cho biết đã mất 15 năm để đề xuất, thử nghiệm dạy thử Hoàng tử bé cho nhiều đối tượng học sinh, các em ở vùng sâu vùng xa như Lạng Sơn, Cao Bằng... Kết quả đáng mừng là các em đều hiểu và yêu thích Hoàng tử bé.
"Có học sinh tâm sự khi đọc Hoàng tử bé xong thì hết buồn, vì không còn sợ cô đơn nữa, đồng thời tin mình sẽ tìm được một người bạn để "cảm hóa" và "được cảm hóa", giống như chú cáo đã tìm thấy Hoàng tử bé", bà kể.
Em nhỏ mặc áo dài say sưa đọc "Hoàng tử bé" bên cạnh mẹ tại buổi giao lưu - Ảnh: HUỲNH VY
Bà Xuân Phượng, thành viên ban giám khảo cuộc thi vẽ "Hoàng tử bé và hành tinh B612" - Ảnh: HUỲNH VY
Trong khuôn khổ sự kiện, bà Khúc Thị Hoa Phượng, giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cũng phát động cuộc thi vẽ Hoàng tử bé và hành tinh B612 dành cho mọi độ tuổi, nhận bài dự thi từ nay đến hết 5-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận