Saint-Exupéry từng thực hiện chuyến bay từ Paris tới Sài Gòn khi làm phóng viên cho báo Paris-Soir - Ảnh tư liệu
Bùi Giáng viết câu trên trong lời tựa "Cõi người ta" khi nhà văn Antoine de Saint-Exupéry tạ thế hơn hai mươi năm. Nay đã 76 năm chia tay tinh cầu, Saint-Exupéry vẫn tiếp tục "xuyên vào giấc chiêm bao thương nhớ" của nhiều thế hệ độc giả.
Năm 2020, tròn 120 năm ngày Saint-Exupéry bước vào "cõi người ta", sống và viết. Sống và viết như một cánh chim phiêu lãng tự do trong văn chương và thời đại của mình.
1. Saint-Exupéry là một trong những đứa con đầu tiên của thế kỷ XX. Sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900, với tên đầy đủ là Antoine Marie Jean-Baptiste Roger de Saint-Exupéry, trong một gia đình quý tộc.
Đời sống nhung lụa không vuốt tròn bản tính phiêu lưu của ông. Bị bầu trời quyến rũ, ông xin gia nhập không quân nhưng do gia đình cản ngăn nên phải lui về làm công việc bàn giấy.
Công việc cũng chẳng mấy khả quan, Saint-Exupéry trở lại với khao khát từ nhỏ, sống lại cái cảm giác năm 12 tuổi, trên chuyến bay đầu tiên của mình. Trở thành một phi công dường như là giấc mơ lớn nhất trong đời Saint-Exupéry, nhiều khi ta có cảm giác nó còn lớn hơn cả các khao khát văn chương.
Năm 1926, khi trở lại nghề phi công, tháng 11 cùng năm, ông cho đăng một trong những tác phẩm đầu tay và không lạ gì khi truyện ngắn đó lại có tên L'Aviateur - Phi công. Trong những ngày tháng ngao du này, Sài Gòn từng là điểm dừng chân của ông năm 1934.
Một thời kỳ rực rỡ trong cuộc đời ông bắt đầu, với những tiểu thuyết và những chuyến bay đầy mơ mộng. Mơ mộng như tác phẩm xuất sắc nhất của ông: Le Petit Prince - Hoàng tử bé.
Bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, với tất cả những vinh quang cuốn sách nhận được, thật khó nói gì mới thêm về tác phẩm quá đỗi quen thuộc này. Năm 1943, khi tác phẩm ra đời, Saint-Exupéry không biết đây sẽ là tác phẩm cuối cùng của ông.
2. Được viết vào khoảng thời gian Đệ nhị Thế chiến đang đến hồi quyết liệt. Nước Pháp bại trận, buộc Saint-Exupéry phải chuyển đến New York.
Đơn vị tan rã, không thông thạo tiếng, chỉ định lưu lại chốn này trong vài tuần (sau thành hai năm), nhà văn khao khát được thực hiện các nhiệm vụ bay nhưng đã bị bỏ ra bên ngoài cuộc chiến. Ông gọi thời kỳ này là giai đoạn "mình đang xem cuộc chiến từ ghế nhà hát".
Và Saint-Exupéry đã viết Hoàng tử bé trong những ngày mơ về bầu trời, những chuyến bay, những ngôi sao trăn trở trên màn đêm sa mạc. Cho nên có thể giải thích tại sao tác phẩm lại thi vị, thơ mộng đến thế.
Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh ở Canada và Mỹ. Mãi sau khi ông qua đời tác phẩm mới được xuất bản ở quê hương Pháp không còn bóng dáng chiến tranh.
Trước lúc rời Mỹ, Saint-Exupéry đã đến thăm bạn, nhà báo Silvia Hamilton Reinhardt, trao cho cô bản thảo Hoàng tử bé và nói: "Tôi ước mình có thứ gì lộng lẫy tặng cô làm kỷ niệm, nhưng đây là tất cả những gì tôi có".
Trọn vẹn con người Saint-Exupéry ở đó. Đến giờ người ta vẫn băn khoăn mãi nên xếp Hoàng tử bé vào "khung cửa hẹp" nào, là truyện thiếu nhi hay cổ tích dành cho người lớn?
3. "Chú té xuống dịu dàng như một cái cây". Saint-Exupéry đã miêu tả về cái chết của Hoàng tử bé như thế.
Như một điềm báo trước. Ít lâu sau ông cũng "té" khỏi bầu trời, biến mất vào biển cả, trong một ngày tháng 7 năm 1944. Nhà văn kiêm phi công đã bay cao trong vòm trời để rồi nằm xuống trong lòng đại dương sâu thẳm, không bạn bè, không có ai.
Cái chết của ông một thời gian dài là điều bí ẩn, đặt ra nhiều nghi vấn. Cho đến khi một phi công Đức hối tiếc xác nhận rằng đã bắn rơi máy bay của nhà văn. Saint-Exupéry đã chọn lựa, như Hoàng tử bé đã chọn lựa sống chân thật với từng phút hiện sinh của mình.
Đáng lẽ ông có thể ở lại Mỹ thay vì tham chiến, nhưng nếu thế, ông phản bội chính ông cũng như thứ văn chương khước từ những diễn ngôn lừa mị để đi đến cái chân xác của kiếp người, mà vẫn giữ vẹn cho mình một niềm u ẩn.
Ảnh thông báo về chương trình kỷ niệm 120 năm ngày sinh Saint-Exupéry - Ảnh: FASEJ
Hoàng tử bé là một trong những tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại, được dịch ra hơn 300 thứ tiếng. Riêng Việt Nam có 8 bản dịch. Tiếng Anh có 7 bản dịch, gần đây là bản dịch mới của Michael Morpurgo, năm 2018.
Một số tác phẩm khác của ông đã ra mắt độc giả Việt Nam: Chuyến thư miền Nam, Bay đêm, Cõi người ta, Thư gửi một con tin...
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Antoine de Saint-Exupéry, từ ngày 29-6 đến 3-7, Viện Pháp tại Vương quốc Anh, Quỹ Antoine de Saint-Exupéry cho giới trẻ và Montblanc tổ chức trên các trang mạng xã hội của mình năm buổi đọc truyện Hoàng tử bé, qua giọng đọc của Michael Morpurgo.
Ông đọc một đoạn trích từ tác phẩm mỗi ngày, cùng các nghệ sĩ và tác giả nổi tiếng. Công tước xứ Wellington là khách mở màn chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận