06/11/2017 19:25 GMT+7

Hoang tàn mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TTO - Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) chiếm khoảng 50% tổng trữ lượng quặng sắt của Việt Nam, được xem là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, từng được triển khai vào năm 2009 nhưng sau đó phải dừng lại và hiện là một khu vực hoang tàn.

Hoang tàn mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Sau nhiều năm dừng triển khai, mỏ sắt Thạch Khê giờ là một khu vực hoang tàn - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Tỉnh muốn dừng, chủ đầu tư bảo tiếp tục

Năm 2008, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được triển khai do Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với kinh phí gần 10.000 tỉ đồng.

Tháng 9-2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ và đã thực hiện đến độ sâu -28m, đạt 12,7 triệu m3 thì dừng lại.

Do khó khăn về tài chính và những bất cập khai thác nên cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Sau đó, Hà Tĩnh có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng triển khai mỏ sắt này, khi nào có đủ điều kiện mới thực hiện.

Hoang tàn mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Ảnh 2.

Trong khu vực mỏ là những hồ nước sâu và bãi đất hoang - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo ông Dương Tất Thắng, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nếu triển khai dự án mỏ sắt, về lâu dài, dự án sẽ có những tác động, có thể phát sinh các hệ lụy nghiêm trọng vì quy mô và phạm vi dự án này rất lớn. Vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, bão cát, sụt giảm nguồn nước ngầm, tạo thành hồ sâu lớn có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Trong khi đó, ông Võ Quang Toàn, thư ký hội đồng quản trị kiêm phụ trách văn phòng và khối nghiệp vụ của TIC, cho rằng các cổ đông công ty muốn tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê nhưng chưa được sự đồng thuận từ tỉnh Hà Tĩnh.

"Vấn đề ở đây là do tỉnh đánh đồng quan điểm sự cố Formosa với mỏ sắt Thạch Khê. Khai thác mỏ sắt chỉ có công đoạn đưa quặng lên và phun rửa quặng, không dùng hóa chất gì", ông Toàn nói.

Công ty này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng việc dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư và các cổ đông đã bỏ ra gần 2.000 tỉ đồng để thực hiện dự án, nếu dừng sẽ có nguy cơ mất vốn. 

Dân quay lại mỏ sản xuất

Trong khi chưa có quyết định cuối cùng về số phận của mỏ, chúng tôi có mặt tại Thạch Khê vào đầu tháng 11. Con đường vào mỏ là cảnh hoang vắng, không một bóng dáng công nhân.

Thấy người lạ vào, một anh bảo vệ chặn lại, yêu cầu phải có giấy giới thiệu của công ty mới được vào, tuyệt đối không được chụp ảnh, quay phim.

Đảo mắt nhìn xung quanh, chúng tôi chỉ thấy một số thiết bị máy móc, xe cộ nằm hong mưa nắng.

Vào sâu trong khu mỏ là những hồ nước sâu và những bãi đất cát hoang hóa chăn thả trâu của người dân.

Hoang tàn mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Ảnh 3.

Trâu bò được thả rông trong khu vực mỏ - Ảnh: Văn Định

Xã Thạch Đỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, có đến 96 hộ dân phải di dời, 331ha đất nông nghiệp và đất ở bị thu hồi để phục vụ dự án.

Vào một số ngôi nhà hoang ở khu mỏ sắt, chúng tôi thấy người dân đang cuốc đất trồng rau, sửa sang chuồng trại để chăn nuôi trâu bò, gà vịt.

"Hơn 7 năm sống ở khu mỏ, cuộc sống thật vất vả. Mùa nắng thì hạn hán, cát bay. Trồng cây gì cũng cằn cỗi. Mưa xuống, nước ở khu vực mỏ đục ngầu không sử dụng được. Hiện người dân không biết dự án tiếp tục hay dừng", ông  Nguyễn Công Tâm (56 tuổi, ở xóm 1, xã Thạch Đỉnh)  băn khoăn.

Ông Phạm Văn Ngọc, bí thư đảng ủy xã Thạch Đỉnh, cho biết hiện nay mỏ sắt đang tạm ngừng, nhiều hộ dân từ khu tái định cư quay về vườn cũ để canh tác. Chính quyền thấy người dân lên sống ở khu tái định cự gặp khó khăn cũng tạo điều kiện về sản xuất trên đất đã bị thu hồi.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3-11, trả lời câu hỏi liên quan tới tiến độ dự án Thạch Khê, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết các doanh nghiêp đã đầu tư khoảng gần 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó có sự lo ngại, quan ngại của Hà Tĩnh và một số nhà khoa học, mặc dù dự án này đã có sự vào cuộc, giám định và có ý kiến của các cơ quan có chuyên môn, kể cả tư vấn trong và ngoài nước.

"Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ về quan điểm từ phía Bộ Công thương. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một số bộ, ngành khác, kể cả các cơ quan có chức năng, chuyên môn có ý kiến về việc này. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có ý kiến chính thức về việc này", ông Hải nói.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đến nay, đã giải phóng mặt bằng 830,1 ha, trong đó 741,3 ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư.

Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay đạt 1.798,29 tỉ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỉ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỉ đồng.

Ngoài ra đã di dời ổn định cuộc sống cho 60/103 hộ vào khu tái định cư xã Thạch Đỉnh.


VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên