Quần đảo Hoàng Sa gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm… thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2. 

Quần đảo Hoàng Sa gồm 2 cụm đảo chính là cụm Lưỡi Liềm ở phía tây, cụm An Vĩnh ở phía đông. Cụm Lưỡi Liềm có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phía Tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 8 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và bãi ngầm, mỏm đá. Ngoài các đảo như trên, quần đảo Hoàng Sa còn có nhiều đảo, đá, mỏm đá, cồn cát và bãi khác.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 1.

Dù đã bị chiếm đóng, vùng ngư trường Hoàng Sa rộng lớn truyền thống từ thời cha ông chưa bao giờ vắng tàu thuyền của ngư dân Việt. Ở vùng biển miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, những chuyến tàu nạp đầy nhiên liệu, sáng rực đèn điện, thực phẩm... mỗi mùa đánh bắt lại căng cờ, chở theo những ngư dân can trường, dũng cảm hướng thẳng ra vùng biển Hoàng Sa.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 2.

Trên biển cả, dẫu sóng to gió nặng, những chiếc thuyền mỏng như tàu lá chòng chành trên biển lớn, nhưng ngư dân vẫn thả lưới, đánh bắt hải sản. Ở huyện đảo Lý Sơn, tàu thuyền của ngư dân vẫn thuờng xuyên nhổ neo hướng ra vùng biển Hoàng Sa để khai thác hải sản. Ở Tam Quang (Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), mỗi chuyến ra biển Hoàng Sa đánh bắt luôn cho những lưới cá nặng đầy.

Bao năm qua, không thiếu những chuyến ra khơi bão tố, trắc trở do thiên tai gió bão; và giờ đây ngoài gió bão ra thì còn có sự uy hiếp của tàu Trung Quốc ngăn dân ta khai thác tôm cá ở vùng ngư trường truyền thống, nhưng ngư dân vẫn không bỏ biển, không nản lòng. Bà con hiểu rằng sự hiện diện của tàu bè Việt Nam ở Hoàng Sa - vùng ngư trường truyền thống của tổ tiên để lại - là sự hiện diện của những cột mốc chủ quyền Tổ quốc.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 3.
Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 4.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, thuộc 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông. Với tầm quan trọng đó, bất kì quốc gia nào cũng mong muốn kiểm soát và thể hiện tầm ảnh hưởng của mình ở Biển Đông. Việc kiểm soát có hiệu quả quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa sẽ mang lại sự kiểm soát hiệu quả trên Biển Đông.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 5.

Quần đảo Hoàng Sa ngoài việc có ý nghĩa chiến lược và kinh tế với các nguồn tài nguyên phong phú như phốt-phát, thủy sản, rong biển, dầu khí, băng cháy thì còn có ý nghĩa chiến lược đặc biệt hệ trọng về mặt an ninh, quân sự. Việc kiểm soát có hiệu quả quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa có thể được sử dụng cho mục đích quân sự như đặt trạm rada, các trạm thông tin, căn cứ quân sự, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè... Điều này có thể giúp tăng cường khả năng răn đe chiến lược cũng như khả năng kiềm chế hơn nữa sự hiện diện quân sự của các quốc gia trong khu vực Biển Đông.

Quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa sẽ có khả năng khống chế các tuyến đường hàng hải và giao thông trên biển cũng như trên không trong khu vực, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng trên Biển Đông.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 6.
Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 7.

Các tài liệu cổ của Việt Nam cho biết từ thế kỷ XVII về trước, người Việt đã gọi quần đảo này là Bãi Cát Vàng, hoặc Cồn Vàng. Người Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa bằng nhiều tên, thay đổi một cách bất nhất và chỉ mới gần đây, họ gọi là Hsisha hay Xisha Qundao (Tây Sa).

Trong lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thời phong kiến, Quảng Nam và Quảng Ngãi là những địa phương đầu tiên chịu trách nhiệm thay mặt chính quyền trung ương quản lý việc khai thác, kiểm soát quần đảo này thông qua đội dân binh Hoàng Sa, và từ năm 1816 có thêm quân đội chính quy tham gia.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 8.

Tuy nhiên, thời các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (giai đoạn độc lập), mặc dù Hoàng Sa là cương giới trọng yếu vùng biển, thuộc tỉnh Quảng Ngãi song chưa có tổ chức quản lý hành chính trên đảo.

Thời Pháp thuộc, sau quãng thời gian dài ít được chính quyền thực dân chú trọng, từ năm 1930, việc tổ chức quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa mới được đặt ra và ngày càng chặt chẽ hơn. Tiếp sau cuộc khảo sát của Viện Hải dương học Nha Trang ở quần đảo Hoàng Sa năm 1925, lực lượng hải quân Pháp lần lượt triển khai quân đội trú đóng ở một số đảo quan trọng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1930-1933, đồng thời xây dựng mạng lưới tổ chức quản lý hành chính trên cả hai quần đảo.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 9.

Riêng đối với quần đảo Hoàng Sa, ngày 15-6-1932 Pháp thiết lập một đại lý hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, lấy tên là Đại lý hành chính Hoàng Sa (Délégation des Paracels). Đại lý hành chính là đơn vị hành chính ở xa tỉnh lỵ, thường do phó công sứ hoặc sĩ quan Pháp phụ trách lực lượng quân đội trú đóng thay mặt công sứ cai quản. Hàng năm, đại diện của chính quyền Pháp ở Trung Kỳ phối hợp với cơ quan đại diện chính quyền Trung ương Nam Triều ở Huế chịu trách nhiệm ra kinh lý Hoàng Sa.

Với việc thiết lập Đại lý hành chính Hoàng Sa, người Pháp càng quan tâm nghiên cứu và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hoạt động, quản lý ở đó. Như vào năm 1937, Pháp cho nghiên cứu khả năng xây dựng một hải đăng trên đảo.

Có một Hoàng Sa giữa lòng Đà Nẵng - Video: THẾ KIỆT - THƯ TRẦN

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 11.

Những thay đổi trong cung cách quản lý của người Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa ngày càng đồng bộ, khi về phía Nam triều, vào ngày 30-3-1938 Hoàng đế Bảo Đại ký dụ cho “sáp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des Îles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên; về phương diện hành chính, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”. Tờ dụ nói rõ “các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam - Ngãi; đến đời vua Gia Long vẫn để y như cũ, là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam - Ngãi (phụ trách). Nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải, nên việc giao thông ngày nay có thay đổi; vả lại viên đại diện chính phủ Nam Triều phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan Đại diện Chính phủ Bảo hộ có tâu rằng nên sáp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 12.

Tháng 6-1938, một đơn vị lính bảo an người Việt được cử ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa để quản lý. Pháp xây dựng tại đảo Hoàng Sa một hải đăng, một trạm khí tượng, một trạm vô tuyến TSF; trên đảo Phú lâm (Pháp gọi là Île Boisée) cũng đặt một trạm khí tượng.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 13.

Đến ngày 5-5-1939, Pháp quy định quản lý cụ thể hơn bằng việc thành lập hai đại lý hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, là Đại lý hành chính Nguyệt Thiềm và phụ cận và Đại lý hành chính An Vĩnh và phụ cận.  Ranh giới giữa hai khu vực này được phân ra bởi kinh tuyến 1120 đông, trừ rặng đá ngầm Vuladdore hoàn toàn phụ thuộc vào Đại lý hành chính Nguyệt Thiềm. Những phái viên hành chính đứng đầu hai đại lý này với tư cách đại diện của Công sứ Pháp tại tỉnh Thừa Thiên đóng trụ sở tại đảo Hoàng Sa và đảo Phú Lâm. Hằng năm, mỗi phái viên được hưởng phụ cấp đại diện và kinh lý là 400 đồng Đông Dương, lấy từ ngân sách địa phương xứ Trung Kỳ.

Sau Hiệp định Genève, tiếp nối việc quản lý Hoàng Sa từ tay người Pháp, đồng thời dựa vào quy định tổ chức nền hành chính quốc gia từ vĩ tuyến 17 trở vào và việc ấn định đơn vị hành chánh tỉnh Quảng Nam,  ngày 13-7-1961, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chuyển quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên đặt lại thuộc tỉnh Quảng Nam, lấy trọn quần đảo này để thành lập một đơn vị hành chính, tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định Hải được đặt dưới quyền quản lý của một phái viên hành chính.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 14.

Đặc biệt, trong xu hướng cải tổ nền hành chính cho phù hợp với sự thay đổi tình thế ở miền Nam giai đoạn 1967 - 1968, vào ngày 6-2-1968 Hội đồng tỉnh Quảng Nam đã nhóm họp để đề xuất việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa (xã Định Hải) vào một đơn vị hành chính trên đất liền. Ngày 9-8-1969, Hội đồng xã Hòa Long, quận Hòa Vang nhóm họp và đồng thuận sáp nhập xã Định Hải vào địa phương của mình. 

Với những bước chuẩn bị trên, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam đã làm kiến nghị và đến ngày 21-10-1969, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận. Từ đây việc quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa được giao phó cho đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 15.

Ngày 19-1-1974, Trung Quốc xua quân xuống cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa lúc đó đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi, các quân nhân Việt Nam vẫn nổ súng chống lại kẻ xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nhưng không thành công. Hoàng Sa bị Trung Quốc kiểm soát từ đó.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 16.

Nhưng Hoàng Sa là của Việt Nam! Chính phủ Việt Nam liên tục khẳng định trước cộng đồng quốc tế chủ quyền với quần đảo máu thịt này. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều có công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, ngày 11-12-1982, Nhà nước ta đã tuyên bố thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.  Đây là một khẳng định có tính pháp lý quyền quản lý hành chính của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 17.
Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 18.

Từ ngày 1-1-1997, Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Vì Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, nên trụ sở của cơ quan thường trú UBND huyện Hoàng Sa được đặt tạm trong trụ sở của Sở Nội vụ, tại số 132 đường Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Hằng năm, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đều giao chỉ tiêu ngân sách để UBND huyện Hoàng Sa duy trì tổ chức, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước này.

Một sự kiện đặc biệt là vào ngày 28-3-2018, Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng được khánh thành sau thời gian dài xây dựng và sưu tập tư liệu lịch sử. Công trình là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa như một dấu mốc chủ quyền để khẳng định, minh chứng một cách sinh động, trực quan về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp thực tiễn và luật pháp quốc tế. Đây cũng là nơi minh chứng về sự thật trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cổ vũ tinh thần đấu tranh, ý chí bảo vệ chủ quyền trong mọi tầng lớp nhân dân.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 19.

Ngày 25-4-2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ nhiệm chính thức chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Đây là cơ sở để thành phố Đà Nẵng xây dựng, ban hành một số nghị quyết riêng về huyện đảo, bổ sung ngân sách và nhân sự chuyên trách, xây dựng trụ sở hành chính huyện, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp thông tin, tư liệu và tổ chức hoạt động giáo dục ý thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và cả Trường Sa) cho nhân dân và phục vụ công tác đấu tranh giành lại lãnh thổ bị xâm phạm.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 20.

Năm 2010, sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Đông bằng việc công bố yêu sách về “đường chữ U đứt đoạn” (Việt Nam gọi là “đường lưỡi bò”) phi pháp, dư luận trong nước và dư luận quốc tế phản ứng quyết liệt. Nhiều tranh luận học thuật, nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền, vấn đề pháp lý nói chung của Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa liên tiếp được tổ chức và công bố. Chỉ riêng trong hai năm 2010 - 2011, đã có 5 cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, Mỹ, Singapore, Trung Quốc… về chủ đề này. Số lượng công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền và tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa cũng gia tăng.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 21.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đối với chủ quyền, an ninh quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những năm qua Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ và có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống thể chế về biển đảo và biên giới quốc gia. Những bằng chứng lịch sử của chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa được công bố và thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh pháp lý, lịch sử để đòi lại Hoàng Sa. Chưa bao giờ vấn đề chủ quyền biển đảo, đặc biệt là sự thật Hoàng Sa lại nhận được sự quan tâm, đồng lòng sâu rộng như thời gian qua.

Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 22.
Hoàng Sa: Biển của ta, ta cứ giăng câu, thả lưới, dong thuyền - Ảnh 23.

THÁI BÁ DŨNG (Tư liệu: Nhà trưng bày Hoàng Sa cung cấp)
THÁI BÁ DŨNG - TRẦN TIẾN DŨNG
THẾ KIỆT - THƯ TRẦN
Hải Phi
Bảo Suzu
23-12-2019
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0