29/04/2013 08:01 GMT+7

Hoàng Sa - Trường Sa một phần máu thịt quê hương ta

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Hoàng Sa - Trường Sa lãnh hải/ Biển cả mênh mông/ Tháng năm vô định/ Biết mấy phen thề non hẹn biển/ Quyết một lòng chiến đấu đến cùng/ Mong ơn trên soi thấu tấm kiên trinh/ Trường tranh đấu biết đâu là số mệnh...”, tiếng chiêng, trống thâm u, lời văn tế ngân lên bi hùng sáng 28-4.

ccOBA2QK.jpgPhóng to
Hạ thủy những mô hình thuyền câu, điểm nhấn chính của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày 28-4 - Ảnh: Tự Trung
rLfHwjWt.jpgPhóng to
Đông đảo người dân Lý Sơn, Quảng Ngãi tập trung xem đua thuyền trên biển Đông trong ngày hội khao lề thế lính Hoàng Sa - Ảnh: Tự Trung

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra hằng năm ở đình làng An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã bao lần, nhưng trên gương mặt những người chủ tế, người tham dự vẫn lộ rõ sự xúc động tận tâm can.

Lớn lên cùng lễ khao lề

Di sản phi vật thể

Chánh lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức sáng 28-4 tại đình làng An Vĩnh có thêm một sự kiện mới: lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được đón bằng công nhận di sản phi vật thể quốc gia và đình làng An Vĩnh được đón bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được 13 tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn tổ chức vào ngày 19-3 âm lịch hằng năm gồm các phần lễ và phần hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, tâm linh của cư dân biển đảo. Lễ nhằm tri ân những hùng binh Hoàng Sa đã anh dũng hi sinh cách đây khoảng 400 năm khi phụng mệnh triều đình hằng năm ra quần đảo Hoàng Sa cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam và tuần tra, thu lượm hải vật.

Còn đình làng An Vĩnh là nơi được xem như một thiết chế chính quyền và tín ngưỡng xưa của cư dân đảo Lý Sơn. Nơi đây hằng năm là nơi bàn bạc, tuyển chọn binh phu ra Hoàng Sa cũng như tổ chức tế tự, xử lý công việc làng xã.

Ngồi dưới, ông Đặng Tấn Toàn thầm thì giải thích cho khách du lịch các bước của lễ trình: cầu siêu - nhập yết - khao lề - lễ tạ và bảo: “Trong bài văn tế có tên cụ tổ họ nhà tôi: Đặng Văn Xiểm. Ông là hùng binh Hoàng Sa. Biển cả mênh mông, đi dễ khó về nhưng ông đã đi được, về được và còn được sắc chỉ khen thưởng của vua Minh Mạng nữa”.

Mặt ông Toàn ngời lên sự tự hào hồn nhiên của người Lý Sơn. 54 tuổi, ông đã tham dự 54 lễ khao lề thế lính, dù đã chuyển sang Gia Lai sinh sống từ 20 năm nay. Ông chỉ vào đám đông vòng trong vòng ngoài đứng quanh đàn lễ: “Tôi ở xa nhưng cứ đến ngày giỗ, ngày lễ tết là lại nôn nao về. Hồi đó tôi cũng đứng ngoài giống bọn trẻ kia, giờ thì được ngồi ghế đại biểu. Mấy mươi năm, thuộc lòng từng bước lễ, từng câu văn, ấy vậy mà khi nghe lời văn tế vẫn sởn gai ốc, ứa nước mắt vì nghĩ trên những chiếc thuyền câu mong manh giữa biển ấy có người họ nhà mình, nghĩ những người thân thuộc đã bỏ mình trên biển Hoàng Sa. Người Lý Sơn nào cũng vậy, cả đời dự lễ khao lề, Hoàng Sa - Trường Sa dần trở thành máu thịt”.

Nghiêm trang mặc bộ đồ đầy đủ cân đai áo mão trong đội học trò phụ lễ, Lê Văn Phượng cho biết đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. 20 tuổi, Phượng đã tham dự đủ 20 lễ khao lề: “Đi học xa nhưng đến ngày này là tôi lại thu xếp về đảo. Lễ này đối với mỗi gia đình ở Lý Sơn là ngày lễ lớn không kém gì ngày tết. Mà tôi nghĩ có khi còn hơn vì tết ở đâu cũng có, còn lễ khao lề chỉ có ở Lý Sơn”.

Đứng bên cạnh Phượng, Võ Chuẩn, cũng cân đai áo mão, cũng cùng tuổi 20, cười sảng khoái: “Tôi theo nghề biển. Dự xong lễ này, thuyền tôi lại ra khơi. Mà ra khơi sau lễ sẽ gặp nhiều may mắn...”.

Hoàng Sa - Trường Sa thẳng tiến

Từ hàng trăm năm nay, lời văn tế hùng binh Hoàng Sa vẫn vang vọng như thế, những chiếc thuyền câu với gạo, muối, dầu rái, rơm khô và các hình nhân thế mạng vẫn được kéo ra biển như thế, những chiếc hoa đăng làm bằng thân chuối vẫn bập bềnh hướng về đình làng, lung linh suốt đêm đến giọt nến cuối cùng như thế, những cuộc đua ghe trên biển vẫn sôi động, quyết liệt như thế... Người Lý Sơn lớn lên cùng lễ khao lề. Trẻ em Lý Sơn vui với hội làng, thanh niên Lý Sơn tìm học, tự hào về truyền thống cha ông, người già Lý Sơn thấm thía tình dân tộc, đất nước... Cứ vậy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đời này sang đời khác.

Lễ khao lề năm nay Lý Sơn có rất nhiều du khách, những người lần đầu đến với đảo, lần đầu biết thế nào là khao lề thế lính, lần đầu nhìn thấy những ngôi mộ gió. Được nghe những “nhà Lý Sơn học” của đảo kể về hàng trăm năm lễ khao lề vẫn diễn ra, lặng lẽ và sâu thẳm, ai cũng lặng đi và nghe mình cũng lớn thêm một chút cùng lễ khao lề. Mới biết có những người dân không đợi tới khẩu hiệu, kêu gọi mới dâng mình cho Tổ quốc. Mới hiểu vì sao ngư dân Lý Sơn dù phải đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm không chỉ từ sóng gió vẫn cứ Hoàng Sa thẳng tiến. Và biết bản thân mình có nhiệm vụ nắm tay, tiếp sức cùng Lý Sơn...

“Ốc u đã thổi lên rồi”

Hàng trăm năm nay, cứ mỗi dịp đến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trên đảo Lý Sơn, ngoài những phần nghi lễ mang tính tâm linh thì tiếng ốc u trầm vang không thể thiếu vắng. Loại âm thanh độc đáo này như thể thúc giục dân binh nhanh chân xuống thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của con dân đất Việt.

Trải qua gần 400 năm, dù vật đổi sao dời, nhưng tiếng “u...u...u...” trầm hùng ấy vẫn mãi vang vọng vào các dịp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm tại các nhà thờ tộc họ trên đảo Lý Sơn. “Ốc u đã thổi lên rồi, tiễn đưa cha xuống dưới thuyền vươn khơi, cha đi giữ biển trời Hoàng Sa...” Câu ca ầu ơ ấy như thấm vào tâm can của mỗi người dân đảo.

Cụ ông Võ Chú, 86 tuổi, đã có gần 70 năm được vinh dự là người thổi ốc u trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

* Tác giả đoạt giải nhất cuộc thi Nhịp sống biển Đông Nguyễn Tấn Khâm hiện đang là giáo viên dạy toán Trường THCS Nguyễn Chánh, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Những ngày lễ, ngày nghỉ thứ bảy hay chủ nhật, trong khi mọi người ở nhà vui cùng gia đình, anh lại đem theo máy ảnh lang thang lên miền núi heo hút hay biển đảo xa xôi để có cho mình những bức ảnh tâm đắc nhất. Bức ảnh về ông Võ Chú thổi ốc u ở Lý Sơn được chụp trong lần đầu tiên anh ra đảo.

“Bất ngờ và tự hào lắm khi ban tổ chức thông báo đoạt giải cao trong cuộc thi. Dù sao mình cũng góp một phần dù rất nhỏ lưu lại hình ảnh về một nghi thức trong lễ hội tâm linh về đội hùng binh năm xưa đã thực thi nhiệm vụ đo đạc hải trình, săn bắt sản vật và cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” - anh Khâm tâm sự.

yRQDPO7b.jpgPhóng to
Âm vang Hoàng Sa - ảnh của Nguyễn Tấn Khâm, đoạt giải nhất cuộc thi Nhịp sống biển Đông

VĂN MỊNH - TRÀ GIANG

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên