Phố xám, tranh sơn dầu của Hoàng Đăng Nhuận (2005)
Ông sinh năm 1942 (Nhâm Ngọ - cầm tinh con ngựa), có mặt trên trần gian theo cách tính "tuổi ta" đã được 80 năm, trong đó có 12 năm chống chọi với bệnh tật.
Với một người bình thường đã được coi là thượng thọ, nhưng với những người yêu mến Hoàng Đăng Nhuận, không ai nghĩ ông là một họa sĩ già, dù tóc bạc râu bạc và sức khỏe yếu đi nhiều từ năm 2009 sau cơn tai biến.
Anh em văn nghệ Huế vẫn gọi ông bằng biệt danh trìu mến "Nghệ sĩ giang hồ" bởi cho dù ông đã thành danh, từng triển lãm tranh ở hàng chục quốc gia, nhưng giữa nhân gian ông vẫn là một nghệ sĩ bụi bặm mà hào hoa, lãng mạn mà quyết liệt.
Tuổi trẻ của ông phiêu bạt dọc dặm dài gió cát miền Trung, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn... rồi lên tận phố núi Pleiku và sương mù Đà Lạt. Tự học để trở thành họa sĩ nhưng không phải họa sĩ tự học nào cũng có thể mang tranh của mình đến Paris, kinh đô nghệ thuật thế giới như Hoàng Đăng Nhuận.
Tiến sĩ Võ Quang Yến, một người Huế làm việc tại Trung tâm Quốc gia khảo cứu khoa học Pháp (CNRS), người đã kể về triển lãm của Hoàng Đăng Nhuận ở Paris năm 1990: "Trưng bày được 50 bức tranh giữa kinh đô Pháp, ở một nơi đông đảo nhất dân ngoại quốc tứ xứ là một hân hạnh rất lớn cho nhà nghệ sĩ.
Mặc dầu buổi lễ kéo dài hai tiếng đồng hồ, người ra kẻ vào liên tục, lúc bài diễn văn khai mạc và giới thiệu họa sĩ được đọc ra, cũng khoảng 80 khán giả bao quanh anh Nhuận để khen ngợi các tác phẩm của anh..." (báo Đoàn Kết của Hội Người Việt tại Pháp - số tháng 7&8-1990) .
Ông họa sĩ nổi tiếng được ngưỡng mộ giữa Paris hôm ấy hay chàng họa sĩ bụi bặm của thời lang thang vẫn là một, vẫn luôn là Hoàng Đăng Nhuận, nhìn cuộc đời bằng con mắt kiêu bạc của một du tử nhưng trái tim mãi nồng nhiệt với tình yêu hội họa. Với ông: "Hội họa là căn nhà trú ngụ của đời tôi".
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận - Ảnh: L.Đ.
Những năm sống ở Huế, tôi cùng nhiều bạn bè họa sĩ trẻ hay ghé thăm ông, khi thì ở căn phòng nhỏ tại Chợ Mai (đường Nguyễn Sinh Cung), nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của ông với người bạn họa sĩ Bửu Chỉ (và sau này thành... sui gia với ông), khi ở gallery Chiêu Ê trên đường Minh Mạng với một họa thất nhỏ xinh nổi lên giữa khu vườn mướt xanh cây cỏ.
Trong rất nhiều trường phái hội họa ông theo đuổi, tôi vẫn thích dòng tranh phố của ông. Những bức tranh phố vẽ theo lối điểm họa (pointillism) bằng những chấm li ti. 30 năm trước, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân có lần nhận xét:
"Nhuận từ một thiên nhiên tự do sầu muộn nào phía cỏ cây Đà Lạt trở về chưa hết mùi cô độc. Nhuận lưu luyến thầm lặng, vẫn cúi sát mặt xuống mảnh đất của mình chăm lo từng kỷ niệm".
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng bảo rằng "mỗi khung gỗ viền quanh tranh phố của Nhuận đều có vẻ như là một khung cửa sổ, từ đó họa sĩ cúi nhìn xuống thời gian, ở dưới kia phố Nhuận ngày đó lại hiện ra, rực rỡ, trìu mến và kiêu hãnh thầm kín".
Giờ thì chàng nghệ sĩ giang hồ ấy đã từ giã cuộc chơi trần thế, nhưng tôi tin trên những bức tranh phố của Hoàng Đăng Nhuận, người ta sẽ gặp dáng hình ông ở đó, trong dáng ngồi của kẻ cô độc ở ngã ba đường, cũng có thể là bóng áo đỏ ẩn hiện giữa lau lách sương mù của những phố phường đã cất giữ cho ông thời hoang dại du tử.
Tài năng của Hoàng Đăng Nhuận đã được bảo chứng nhưng có lẽ lớn hơn tất cả, Hoàng Đăng Nhuận là một phần của Huế, của tâm hồn Huế, di sản Huế.
Ai cũng biết Huế là suối nguồn nuôi dưỡng nên nhiều tên tuổi trong văn chương và nghệ thuật. Và trong những tên tuổi văn chương nghệ thuật làm giàu có tinh thần Huế, tôn vinh thêm những giá trị Huế, chắc chắn có ông - họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận