Từ trái sang: Bùi Huệ Chi, nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Trần Tiến tại buổi giao lưu ra mắt sách "Hoàng Cầm Về Kinh Bắc" - Ảnh: L.ĐIỀN
Mở đầu buổi giao lưu, nhà thơ Hoàng Hưng - đại diện Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm - giới thiệu tập thơ của Hoàng Cầm Về Kinh Bắc.
Đây là lần in đặc biệt bao gồm tập thơ Về Kinh Bắc với những chỗ khảo dị qua ba lần xuất bản và một số bài viết chọn lọc về tập thơ và tác giả, cùng những tư liệu quý hiếm về cuộc đời của ông.
Tôi yêu thơ Hoàng Cầm từ năm 15 - 16 tuổi. Thơ Hoàng Cầm có nhạc tính mạnh, rót vào tâm hồn mình, nên dù chưa hiểu đã thấy yêu thích, đạp xe đi học thường khe khẽ đọc như hát lên những câu thơ... Thế giới thơ Hoàng Cầm là Kinh Bắc. Thơ ông tái hiện một Kinh Bắc sinh động, lưu giữ văn hóa phồn thực từ lâu đời, có vẻ phản Nho giáo rất rõ.
HẠ NGUYÊN (giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Một tập thơ toàn bích
"Thật ra còn 2 ngày nữa mới đúng ngày sinh của thi sĩ Hoàng Cầm là 22-2-1922", nhà thơ Hoàng Hưng mở đầu. Và ông cũng đưa ra một vấn đề then chốt cần chia sẻ với công chúng: Vì sao chọn tái bản Về Kinh Bắc?
Theo đó, mặc dù tác phẩm để lại gồm rất nhiều thể loại: kịch thơ, tập thơ, trường thi, văn xuôi... nhưng Hoàng Cầm vẫn được biết đến nhiều nhất là nhà thơ.
Và "tác phẩm gắn chặt nhất với tên Hoàng Cầm truyền lại cho hậu thế phải là Về Kinh Bắc. Và có thể khẳng định Về Kinh Bắc là tập thơ tiêu biểu nhất của ông về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp; là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của ông vì gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả", Hoàng Hưng nhận định.
Hoàn cảnh ra đời của Về Kinh Bắc cũng rất đặc biệt, có thể xem là "hoàn cảnh tối ưu cho một kiệt tác": Tác giả bị dồn đầy và tâm thế chìm đắm hoàn toàn trong thế giới hoài niệm với thơ là nơi bấu víu, là nguồn sống, là năng lượng giải thoát độc nhất, và tác giả đang ở độ chín tới của tuổi tác và tài năng.
Ấn phẩm "Hoàng Cầm Về Kinh Bắc" - sách được in từ Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm - Ảnh: L.ĐIỀN
Và mộng mơ được thắp lại
Buổi giao lưu may mắn được nhạc sĩ Trần Tiến góp mặt với câu chuyện của ông khi sáng tác bản nhạc Sao em nỡ vội lấy chồng.
Hóa ra, người đọc bài Lá diêu bông đầu tiên cho Trần Tiến nghe là nhà thơ Thu Bồn, trong một bữa rượu nhân Trần Tiến và mấy người bạn đến thăm. "Nghe Thu Bồn đọc thơ, bài Lá diêu bông, tôi bần thần nghĩ: Sao lại có bài thơ hay thế?", nhạc sĩ Trần Tiến kể.
Rồi nhạc sĩ Trần Tiến kể lại mối duyên khi ông đang cố gắng hoàn thành bản nhạc "theo đơn đặt hàng" của một cơ quan nhà nước.
Cái yêu cầu oái ăm của người muốn nhạc sĩ sáng tác một ca khúc đáp ứng các yêu cầu "trai gái khoan yêu, có yêu khoan cưới, đã cưới khoan đẻ con, có đẻ con đừng đẻ nhiều" đã khiến Trần Tiến nỗ lực làm sao để có một tác phẩm "đàng hoàng" với cấu tứ "lấy chồng sớm" và "lời ru buồn" theo như một câu ca dao tình cờ nghe được: "Bướm vàng đậu cánh mù u/ lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn".
Nhưng bản nhạc có nguy cơ dở dang vì nhạc sĩ cạn tứ. Đúng lúc đó, thật may sao hình ảnh chiếc lá diêu bông trong thơ Hoàng Cầm hiện ra với ông. "Tự dưng Hoàng Cầm đến với tôi ngay lúc cần một cái tứ cho việc "em lấy chồng", và hình ảnh lá diêu bông thật đắt giá cho bài nhạc đang dở dang ấy", nhạc sĩ Trần Tiến trần tình.
Nhạc sĩ Trần Tiến đang kể lại mối duyên giữa ông và chiếc lá diêu bông của Hoàng Cầm - Ảnh: L. ĐIỀN
Điều quan trọng hơn cả chính là nhận định của nhạc sĩ Trần Tiến khi mời nhà thơ Hoàng Cầm đến dự buổi nhận giải thưởng cho bản nhạc của mình dù thi sĩ cứ ngơ ngác bảo "Tiến có phổ thơ gì của mình đâu". Nhưng nhạc sĩ đã thưa lại: "Anh đã thắp lại cho bọn em một mộng mơ đáng để sống, đó là chiếc lá diêu bông".
Nói thêm về điều này, Trần Tiến cho rằng "người ta sống bằng mộng mơ, không có mộng mơ thì loài người không sống được, con người khác con vật ở chỗ mộng mơ ấy".
Có lẽ vì vậy mà nhạc sĩ Trần Tiến đang cơn bạo bệnh cũng gắng đến với chương trình, và từ phía gia đình, cô Bùi Huệ Chi - cháu nội thi sĩ Hoàng Cầm - nhắn gửi rằng "nhân dịp này, muốn đưa tác phẩm của Hoàng Cầm đi xa hơn cũng như truyền cảm hứng của một vùng Kinh Bắc đến với công chúng các vùng miền khác". Đó là những ý tưởng không đơn thuần chỉ là mộng mơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận