Đặc biệt cần làm sao để người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi mua thuốc bên ngoài (nhà thuốc bệnh viện nơi bệnh nhân điều trị hoặc tại đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế đã trúng thầu) phải đảm bảo chất lượng, cùng giá như trong bệnh viện và thủ tục hoàn trả tại cơ quan bảo hiểm xã hội nhanh chóng, đơn giản.
"Tiền bỏ ra mua thuốc được hoàn lại cũng đỡ được phần nào"
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện trên cả nước diễn ra không chỉ ngày một, ngày hai mà đã kéo dài suốt thời gian qua. Nhiều người bệnh phải tự bỏ tiền túi chi trả những loại thuốc, vật tư y tế mà đáng ra phải được quỹ BHYT thanh toán.
Trong những cuộc trao đổi với báo chí trước đó, Bộ Y tế, bệnh viện chia sẻ do một số yếu tố khách quan dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung, gây thiếu thuốc, vật tư. Đặc biệt, sau COVID-19 nhiều loại thuốc bị đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu kéo dài. Hay các lý do chủ quan như bệnh viện sợ sai, ngại sai không quyết liệt đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc, vật tư.
Mặc dù là lý do khách quan hay chủ quan thì người chịu thiệt thòi lớn nhất vẫn là người bệnh, không ít người bệnh đã phải tự đi mua bông băng, kim tiêm, chỉ khâu... trong quá trình điều trị.
Vì vậy, khi thông tư hướng dẫn chi trả cho người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế được Bộ Y tế đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến của dư luận. Nhiều ý kiến đồng tình, đóng góp thêm để dự thảo được hoàn thiện như làm cách nào để người dân nhận được tiền thanh toán mà không bị phiền hà, giải quyết thủ tục thế nào?
Người dân hy vọng các quy định này tạo điều kiện thuận lợi, sớm đưa vào thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Mong quy định cụ thể, chi tiết
Vừa điều trị ung thư dạ dày tháng 10 vừa qua tại một bệnh viện ở Hà Nội, bà N.T.H. (60 tuổi) cũng phải chi gần 5 triệu đồng để mua thuốc, vật tư y tế do bệnh viện chưa đấu thầu được.
"Trước khi vào thực hiện ca mổ, bác sĩ gọi tôi và người nhà vào phòng trao đổi về các vấn đề sức khỏe. Bác sĩ cũng nói cần mua một số loại vật tư y tế để dùng cho ca phẫu thuật. Bác sĩ "nhờ" người nhà chia sẻ với tình trạng của bệnh viện. Thực tôi cũng nghĩ bác sĩ họ cũng chỉ làm việc chuyên môn, họ lo điều trị bệnh chứ chẳng thể lo hết được nên thôi thì chia sẻ chứ cũng chẳng còn cách nào khác. Nhưng nếu số tiền mình tự chi trả sau đó sẽ được hoàn lại thì cũng đỡ được phần nào", bà H. nói.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Hòa (45 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng nếu có quy định cụ thể, sau đó bệnh viện, BHYT hướng dẫn người dân ngay từ đầu về các thủ tục mua sắm, thanh toán thì người dân cũng sẽ chia sẻ.
"Tất nhiên, chia sẻ nếu bệnh viện thiếu thuốc, vật tư do khách quan, thiếu một vài loại chứ không phải dựa vào việc có quy định hoàn tiền rồi thì bệnh viện lại để thiếu mãi thì không nên", anh Hòa thẳng thắn nói.
Phải đặt quyền lợi người bệnh tham gia BHYT lên hàng đầu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Quốc Quân - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) - cho rằng bất kỳ một dự thảo thông tư mới nào cũng phải đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu. Người bệnh đã có nghĩa vụ tham gia, đóng tiền BHYT thì cơ quan nhà nước phải đảm bảo có đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh.
Theo ông Quân, dự thảo thông tư mới này của Bộ Y tế đã giúp người dân thanh toán được chi phí thuốc, vật tư y tế khi mua bên ngoài, mà không phải tự bỏ tiền ra mua như trước nay khi bệnh viện không cung ứng được thuốc, vật tư y tế.
Tuy nhiên điều ông Quân trăn trở nhất với dự thảo thông tư này là làm sao đảm bảo nguồn thuốc, vật tư y tế khi bệnh nhân được chỉ định ra mua bên ngoài phải đảm bảo chất lượng, an toàn.
Ngoài ra, giá mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài cũng thường cao hơn so với bên trong bệnh viện, dù cùng một loại. Điều này gây khó khăn cho việc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Hướng dẫn, tuyên truyền càng cụ thể càng tốt
Bác sĩ Hà Ngọc Cường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho rằng quy định bệnh viện phải hướng dẫn người bệnh mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị trúng thầu sẽ có một số khó khăn.
"Hiện nay bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân theo biệt dược, liều dùng. Bác sĩ không nắm được danh sách các nhà thầu đã trúng thầu BHYT. Dược sĩ có trách nhiệm tư vấn cho bệnh nhân các loại thuốc.
Trong khi đó, dược sĩ trong bệnh viện nhân lực chỉ đáp ứng đủ việc kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Rất khó để tư vấn chi tiết cho từng bệnh nhân về các loại thuốc đã trúng thầu mà bệnh viện đang thiếu", bác sĩ Cường nêu.
Để tạo thuận lợi cho người bệnh được bảo đảm quyền lợi khi tham gia BHYT, theo bác sĩ Cường, cần xây dựng hệ thống đồng bộ quản lý.
Ví dụ các nhà thuốc phải dùng phần mềm quản lý, cập nhật danh sách những loại thuốc, nhà cung ứng đã trúng thầu BHYT, từ đó căn cứ để tư vấn cho người bệnh khi họ có nhu cầu sử dụng thuốc BHYT. Bên cạnh đó, người dân cũng cần được tuyên truyền để yêu cầu nhà thuốc bán các loại thuốc có trong danh mục BHYT chi trả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận