Giải quyết vấn đề này, Thủ tướng đã giao 3 bộ là Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý cho loại hình bất động sản này.
Nở rộ condotel
Khu vực ven biển TP. Đà Nẵng đang xuất hiện xu hướng hàng loạt nhà đầu tư đề nghị được chuyển đổi đất thương mại dịch vụ sang đất xây dựng theo hình thức căn hộ khách sạn (condotel). Chưa bao giờ xu hướng xây dựng nhà cao tầng theo hình thức condotel ở Đà Nẵng lại diễn ra ồ ạt như hiện nay. Một số dự án đang được triển khai xây dựng với tốc độ cực nhanh như Vinpearl Condotel Ngô Quyền, Alphanam Luxury Apartment, Central Coast, Hòa Bình Green Đà Nẵng...
Dự báo trong thời gian 2016-2018, thị trường Đà Nẵng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của nguồn cung với nhiều sản phẩm căn hộ, biệt thự du lịch của các dự án đang triển khai.
Không chỉ ở Đà Nẵng, hiện loại hình condotel đã được triển khai từ Bắc vào Nam, với các tên tuổi lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, CEO, Empire, BIM Group… Với mức giá đầu tư từ 1 - 3 tỷ đồng, cùng mức cam kết sinh lời cao, condotel đã thu hút rất đông nhà đầu tư trong tham gia.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), vấn đề khiến nhiều người băn khoăn nhất là tính pháp lý với condotel còn chông chênh, chưa được hoàn thiện. Theo ông, các bộ luật hiện đều đang gặp vướng khi phát triển hoàn thiện condotel đúng nghĩa và cũng bắt đầu bộc lộ những vấn đề liên quan đến cơ sở cấp quyền sở hữu cho các căn hộ, việc quản lý, phát triển dịch vụ...
Đặc biệt, theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), condotel là một loại hình mới và hiện chưa có dự án nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (hay còn gọi sổ hồng).
Đã tính đến cơ chế quản lý
Trong khi chờ đợi hướng dẫn từ các bộ, ngành cho loại hình condotel, một số địa phương có các dự án bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh trong thời gian qua như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Thanh Hóa… đã có những bước đi đầu tiên để gỡ vướng cho loại hình này bằng cách cho phép chuyển đổi đất thương mại thành đất ở không hình thành đơn vị ở áp dụng với du lịch nghỉ dưỡng.
Trong đó, tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định về quy chế quản lý đất du lịch sang đất ở để xây dựng biệt thự du lịch trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc. Theo đó, cho phép cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng và được sở hữu lâu dài. Để đảm bảo không hình thành đơn vị ở tại các dự án du lịch, UBND tỉnh Kiên Giang quy định cụ thể về điều kiện, trình tự thủ tục chuyển đổi; hình thức sử dụng, khai thác, quản lý.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa - địa phương có rất nhiều dự án condotel, cho phép cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng và được sở hữu lâu dài tại các dự án condotel. Để quản lý không hình thành đơn vị ở, UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành văn bản quy định về quản lý, giám sát các dự án condotel.
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng Quy chế quản lý việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án có loại hình biệt thự du lịch (tourist villa) và condotel trên địa bàn thành phố.
Phân tích về vấn đề này tại một cuộc hội thảo mới đây, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về vấn đề cấp sổ, pháp lý cho condotel. Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, các căn hộ khách sạn du lịch được cho phép cấp sổ đỏ theo Nghị quyết Trung ương nhưng không hình thành sổ hộ khẩu. Quyền sử dụng condotel rất lâu dài nhưng Luật Đất đai hiện nay không đề cập đến loại hình này. Chính phủ và các bộ ngành cũng chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể về loại hình đầu tư này.
Sẽ có khung pháp lý
Để giải quyết những rào cản cho loại hình này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây đã có đề xuất 8 kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người mua căn hộ condotel, VNREA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận cho loại hình này.
Trả lời những kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ sớm nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình công trình này. Tin vui là Thủ tướng đã giao cho 3 bộ là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý cho loại hình bất động sản này.
Về pháp luật đất đai, cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa là đất thương mại dịch vụ) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này. Với vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận