Cửa ngõ phía Đông TP.HCM kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu – đều là những địa phương thuộc vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam. Không chỉ vậy, đây còn là đầu mối tiếp nối thành phố với các tỉnh miền Trung và miền Bắc nên đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế xã hội.
Gấp rút hoàn thành, nhiều công trình vượt tiến độ
Là tuyến cửa ngõ chính dẫn vào TP.HCM, kết nối giao thông trực tiếp đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, Xa lộ Hà Nội đang được tập trung mở rộng, nâng cấp với 16 làn xe riêng biệt. Với tốc độ thi công hiện nay, dọc tuyến đường, có thể thấy nhiều đoạn đã được nâng cấp hoàn chỉnh, giao thông thông thoáng nhất là đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức. Đặc biệt, điểm nhấn cho tuyến đường là công trình cầu Rạch Chiếc mới đã được thông xe toàn bộ vào tháng 7 vừa qua, vượt tiến độ tính chung đến 9 tháng. Trước đó, việc thông xe hai cầu vượt bằng thép vào đầu năm 2013 đã giúp giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên tại vòng xoay Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức. Cả hai cây cầu vượt này đều hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng so với dự kiến. Một công trình trọng điểm khác trên trục đường huyết mạch này cũng được đánh giá vượt tiến độ đề ra 3 tháng là cầu Sài Gòn 2 khi đã hoàn thành thông xe vào ngày 15/10 vừa qua.
Lễ khánh thành cầu Sài Gòn 2 vào ngày 15/10/2013 vừa qua
Trong khi, sáng ngày 28-9, TP.HCM đã tổ chức thông xe đợt 1 tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu dài 4,7 km, toàn bộ tuyến đường dài gần 14 km). Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Song song với việc đưa vào sử dụng đoạn đường trên, cùng thời điểm, đơn vị này cũng cố gắng hoàn thành làn chính đường 18 nối từ đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đến nút giao cầu vượt Quốc lộ 13.
Thông xe đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Ngã 4 Bình Triệu.
Riêng với trường hợp đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, hiện chủ đầu tư và các nhà thầu đang khẩn trương thi công để đảm bảo thông xe kỹ thuật đoạn từ TP.HCM đến Long Thành (Đồng Nai) vào cuối năm 2013 và thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2014. Chiều 15/10, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc VN - chủ đầu tư dự án đã tổ chức lễ hợp long cầu Long Thành, đây là chiếc cầu có quy mô lớn nhất trong dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, bắc qua sông Đồng Nai, nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh các dự án đã và đang hoàn thiện, còn phải kể đến nhiều dự án lớn khác cũng đang được triển khai đồng bộ và rầm rộ quanh khu vực cửa ngõ Đông Sài Gòn như: dự án mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 1A, mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 51 (đã hoàn thành nhiều đoạn) và dự án phát triển đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn – Quốc lộ 1A.
Quyết tâm lớn từ chủ trương lớn
Những đô thị lớn trên thế giới đều nằm dọc theo các con sông, bờ biển nhằm tận dụng lợi thế giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối thông thương với bên ngoài. Với đường bờ biển dài trên 3.260 km, việc phát triển đô thị ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó với các đô thị điển hình như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang... Đặc biệt, với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng hiện nay, việc phát triển đô thị về hướng biển (hướng Đông) đang được xem là một trong những giải pháp giúp TP.HCM thích ứng và giảm thiểu thiệt hại. Chủ trương này không chỉ nhận được sự ủng hộ cao từ giới chuyên môn mà còn nhận được sự đồng thuận từ Nhà nước đến người dân và cả các nhà đầu tư.
Trong bất kỳ bước phát triển nào, giao thông luôn là nút thắt ưu tiên giải quyết hàng đầu. Trước đây khi sự kết nối giữa trung tâm thành phố ra khu vực phía Đông còn khó khăn, nơi này được ví như “ngoại thành” thành phố với dân số ít, giao thông kém và cơ sở hạ tầng yếu kém. Thế nhưng với định hướng phát triển ưu tiên và bền vững, đặc biệt sau công trình “vượt sông” ngoạn mục của cầu Thủ Thiêm và đường hầm Thủ Thiêm để nối liền quận 1 và quận 2, mở ra một hướng lưu thông mới cho toàn khu Đông Bắc, nhiều công trình khác cũng đã đưa vào sử dụng giúp cho vùng đất này đang dần biến đổi và kéo theo sự “thức giấc” của cả những vùng liền kề thuộc các tỉnh lân cận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận